Tạp chí Sông Hương -
Khóc bạn Huỳnh Văn Tiểng
00:56 | 07/06/2009
Tiểng ơi! Cách đây vài tuần, gặp bạn tại đám giỗ của Bác Tôn đến nắm tay bạn, anh em nhìn nhau mà không nói một lời, tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng anh em mình gặp nhau trên dương thế.
Khóc bạn Huỳnh Văn Tiểng
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chúc mừng nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng.

Sáng hôm qua, biết tin bạn rũ sạch nợ đời, sau mấy năm bệnh nặng. Tuy biết rằng từ nay, bạn sẽ không còn vướng lụy cái đau trên trần tục, hương hồn bạn sẽ tiêu diêu nơi cõi thọ nhưng bạn ơi !...

“Tử sanh dẫu biết luật vô thường
Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương”

Một người bạn đồng tâm, đồng ý trong việc bảo tồn, chấn hưng văn hóa dân tộc từ thuở biết và cảm thông với nhau tại trường Trung học Trương Vĩnh Ký; cùng nắm tay nhau hoạt động trong giới sinh viên tại Đại học Hà Nội trong khuôn khổ của Tổng Hội Sinh viên; rồi tiếp tục lý tưởng chúng mình trong nhóm Hoàng Mai Lưu, Thanh niên Tiền Phong; cùng nhau góp sức trong việc kháng chiến chống ngoại xâm, mãi đến ngày nay mặc dầu anh em ta kẻ Đông, người Tây vẫn hiểu nhau, thương nhau đến lúc bạn trút hơi thở cuối cùng.
 
Có thể có nhiều người chưa biết từ năm 1940, bạn đã tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa, đã viết ra vở kịch “Lương Kha”, hoan nghinh tinh thần yêu hội họa của một thanh  niên con điền chủ giàu có, dám từ bỏ cái yên vui của gia đình để đi thực hiện lý tưởng của mình. Và bạn đã giao cho tôi trách nhiệm làm “ông điền chủ bảo thủ” cha của Lương Kha trong vở kịch đó.

Rồi tiếp theo kịch “Suối Lồ Ồ” ủng hộ học sinh họp nhau tại suối Lồ Ồ để tìm cách dấn thân vào xã hội, ngoài việc học tập thường ngày. Kịch “Đêm Lam Sơn” diễn lại cuộc tranh đấu gian khổ của người anh hùng áo vải núi Lam, cùng với Nguyễn Trãi đánh tan quân Minh để gầy dựng một triều đại nhà Lê, độc lập, thịnh vượng trong ba thế kỷ.

Chúng tôi không bao giờ quên được, trong những bài hát hành khúc khêu gợi lòng yêu nước của Lưu Hữu Phước, những câu mạnh mẽ, hào hùng đều là của bạn đặt ra. Như trong bài “Kêu gọi Thanh niên”: 

“Tám mươi năm sống đời tối tăm/Ta diệt thù, người thù diệt người thù/Loài muôn thú nén đè chúng ta/Ta diệt thù, người thù diệt người thù/Quyết mua chuộc tự do/Quyết rửa sạch hận thù…/Tám mươi năm sống đời tối tăm/Ta diệt thù, người thù diệt người thù/Loài muôn thú nén đè chúng ta/Ta diệt thù, người thù diệt người thù”.

Làm sao quên được trong bài “Xếp bút nghiên” của Lưu Hữu Phước, bạn đã tham gia trực tiếp trong việc đặt lời ca và cũng đưa ra những câu quyết liệt:

“Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/ Xếp bút nghiên coi thường công danh/Như phù vân/Sơn hà xao xuyến/Tiến ta tiến/Một lòng yêu non sông/ Vì dân ta liều thân/ Kết đoàn ta tiến tới/Nước non chào mời/ Hèn thay đời nhàn cư/Hèn thay vui yêu đương/Lúc quê hương cần người/Dứt làn tơ vương/Giã trường lên yên/Hồn Việt Nam/Hùng thiêng từ ngàn xưa bừng chuyển/ Khuyên ta lên đường cứu quốc gia”

Tôi còn nhớ sau khi đặt bài này xong, hát lên mấy lần, đến câu “dứt làn tơ vương”, bạn Lưu Hữu Phước đã đem cả hình ảnh các bạn gái kể cả thơ từ giữa bạn và Thu Hương đốt hết thành một đám tro tàn.

Trong khi bạn và Lưu Hữu Phước đang ở trong cảnh tù đày, hai bạn đã cùng hợp nhau đặt lời ca, gởi ra ngoài cho bạn Nguyễn Mỹ Ca. Mỹ Ca sửa lại đôi nét nhạc và khi các bạn ra tù đã họp mặt cùng nhau và hát to  bài “ Xin giữ lời nguyền”

“ Thương nhau, nhớ nhau/ Nhớ nhau xin giữ lời nguyền lúc nào/ Dầu cách bức khá gìn tâm trí thanh cao/ Vững lòng tranh đấu chớ nao/ Chi sờn gió mưa gào thét/ Ta ngồi hờn tức trong chốn lao tù/ Nhìn đồng bào, kêu la khắp vùng u tối/ Nỗi lòng đau đớn ai thấu/ Biết chăng ai ngoài đời/ Ráng lo diệt quân thù/ Trong tù ta cười vui”.

Tiểng ơi! Tiểng còn nhớ chăng lúc chúng ta xếp bút nghiên trở về , miền Bắc lâm vào nạn đói. Bạn, Hồ Thông Minh, Tấn Chức và tôi lập gánh hát Sinh viên Hà Nội, đi diễn khắp lục tỉnh trong vòng năm, sáu tháng, lấy tiền vé xem hát mua gạo gởi ra ngoài Bắc cứu đói. Bạn đã viết ra một vở kịch tuyệt vời phỏng theo kịch Marius et Trissotain của Molière, diễn lại cảnh một nhà triết lý giả hiệu và một nhà thơ chưa đủ kinh nghiệm, gặp nhau, tâng bốc nhau hết lời. Như:

“Văn của tiên sinh mãnh liệt như trường giang đại hải/Thơ của tiên sinh êm nhẹ tợ mây bay”

Đến khi có một cô gái đến thăm hai vị, cô tỏ tình ngưỡng mộ một người thì người kia không tiếc lời chê bai để tự khen mình:

“Thơ của tiên sinh toàn là thơ con cóc/Văn của tiên sinh toàn lời sáo rỗng không”. 

Đến đỗi cô gái không biết còn phải ngưỡng mộ ai. Riêng đoạn mở đầu giới thiệu nhà triết lý giả hiệu, “Cô - tô tiên sinh” vai mà tôi phải đảm nhận, tôi không bao giờ quên khúc tuồng tuyệt vời đó:

“Vũ trụ quang này không lọt khỏi lập trường duy vật/Liệt tử có mạnh bạo mà thiếu óc khoa học/Hegel phong phú mà thiếu óc tế nhị/Chỉ có ta đây là tổng hợp tất cả các yếu tố ấy mà thôi!”.

Bạn cho tôi mặc áo vải rộng đen, đầu chít khăn đen, tay trái cầm đầu lâu, tay mặt cầm bút sắt, vừa nói vừa gõ vào đầu lâu chấm nhịp đến đoạn:

“Sáng sớm ta lê gậy trúc, ngắm cảnh thiên nhiên/ Mỗi tối ta ngắm sao ngưu, sao đẩu/Rồi vỗ bụng cười dài cho thế sự… ha ha ha ha”.
(cười lão như trong các vở hát Bội)

Mỗi khi tôi diễn lại cho bạn xem, bạn đều lắc đầu thích chí, ôm tôi mà nói: “Kịch tôi đặt ra mà tôi không còn nhớ, chỉ có Khê còn diễn lại cho tôi xem. Hôm nào hai anh em mình ngồi ôn lại để ghi những lời đối thoại trong vở kịch đó”.

Chúng ta đã định làm mà hoàn cảnh chưa cho chúng ta có dịp cùng làm. Và ngày nay sẽ không còn dịp nào nữa để thực hiện lời ước ao của bạn ! Tôi chép lại mấy câu này và đang cất tiếng, diễn lại vai “Cô – tô tiên sinh” nhưng cổ tôi đã nghẹn, nước mắt đã trào ra, nhớ thương người bạn tri kỷ, tri âm nay không còn nữa.

Xin đem đoạn tuồng này phúng điếu bạn, thương chúc bạn tiêu diêu nơi cõi thọ và đau đớn chia buồn cùng tang gia. Đặc biệt đến quả phụ Tố Uyên, người đã hằng chục năm trời, chia đau, chia khổ với bạn và đã giúp cho bạn được niềm êm ấm trong sự dày vò của cơ thể.

Vĩnh biệt bạn Huỳnh Văn Tiểng, bạn ơi!

                                                                      Theo GS Trần Văn Khê- SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng