Năm nay, lịch thi tuyển của khoa này sẽ diễn ra vào các ngày 8, 9, 10/7/ 2009, trùng với lịch thi tuyển sinh đợt 2 của các trường ĐH - CĐ trong cả nước.
Việc áp dụng lịch thi như vậy liệu có ảnh hưởng đến số lượng lẫn chất lượng tuyển sinh của khoa ST&LL-PBVH?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa ST&LL-PBVH (ĐHVH Hà Nội) về vấn đề này.
Lịch thi của Bộ, chất lượng của khoa
Thưa nhà văn Văn Giá, với lịch thi tuyển sinh đầu vào năm nay của Khoa ST&LL-PBVH trùng với lịch thi có cùng khối thi như các trường ĐH - CĐ khác trong cả nước liệu có ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào của khoa?
Tôi cũng chưa dám chắc như thế nào, nhưng rõ ràng thi cùng đợt như thế này thì nhiều thí sinh có năng khiếu đã mất cơ hội lựa chọn. Bởi vì, họ không đủ mạo hiểm để thi vào đây ngay từ đầu.
Tôi vẫn muốn thi như mọi năm, một đợt riêng. Năm nay BGH nhà trường cho thí điểm thi cùng, với một lập luận là để gọn ghẽ và đỡ tốn kém hơn. Dĩ nhiên chỉ có môn Sử là đề chung. Còn môn Văn và Năng khiếu vẫn đề riêng.
Một điều rất dễ nhận ra là, với lịch thi như vậy, lượng thí sinh ảo sẽ tăng lên, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của khoa chỉ là 40. Vậy, theo ông thì có nên tăng lệ phí nhằm giảm lượng thí sinh “ảo” đăng ký vào khoa và chống lỗ vốn?
Ở các khoa khác có thể có ảo, chứ ở khoa này ít ảo thôi. Bởi vì ai đã đăng ký thi vào đây tôi tin họ đã lựa chọn quyết liệt lắm. Còn tăng lệ phí ư? Người dân ta đã quá khổ về các khoản đóng góp rồi.
Ông có thể cho biết, đến nay Khoa ST &LL-PBVH đã nhận được bao nhiêu hồ sơ dự thi? So với mọi năm thì là tăng hay giảm? Vì sao?
Năm nay giảm nghiêm trọng. Như đã nói, mọi năm thi đợt riêng, thí sinh đã thi một trường khác, rồi họ mới thi vào Khoa viết văn. Để an toàn mà. Nên mới có chuyện ở các khoá trước khá nhiều người họ thi đỗ trường khác rồi, khi đỗ ở viết văn, họ đã bỏ trường khác để về đây theo học.
Cho đến nay mới có già 30 hồ sơ. Nhưng rất có thể số này đã “sống chết” với lựa chọn này rồi. Nên có quyền hy vọng vào chất lượng của họ.
Nhiều người cho rằng việc đổi lịch thi tuyển sinh và đặc biệt là mỗi năm tuyển sinh một khóa (trước đây là 3 năm/1 khóa) sẽ chỉ tăng về số lượng chứ không tăng về chất lượng? Ý kiến của ông?
Viết văn biết thế nào mà nói được rõ khóa nào hơn khóa nào. Tôi tính, bảo là từ khoá 4 trở về trước, hầu hết các nhà văn đã thành danh rồi, nhiều người đã là hội viên Hội Nhà văn (HNV) rồi họ vào đây tu nghiệp. Vì thế, chất lượng khá là đương nhiên.
Từ khoá 5 trở lại đây, số người viết khá thi vào đây ít dần, lại tuyển sinh cả các em tốt nghiệp PTTH, nên số người “nổi danh” ngay có ít đi. Nhưng văn chương ăn nhau ở sự lâu dài. Có người lúc học âm thầm lắm, khi ra trường lập tức khẳng định tên tuổi ngay. Ngược lại, có người lúc đang học nổi đình nổi đám, sau cứ thấy đuối dần.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Được biết, đối với chuyên ngành sáng tác, lý luận, phê bình văn học, những năm gần đây khoa liên tục mời các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận phê bình văn học có uy tín trong và ngoài nước về giảng dạy cho sinh viên. Đây là chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo của khoa?
Đúng vậy. Tôi chủ trương cho các học viên được tiếp xúc với những người giỏi trong giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Đó là dịp để học viên “biết mặt” những người mà họ “biết tên” đã lâu.
Đây là những cơ hội rất tốt cho các học viên trau dồi học vấn, kinh nghiệm, đánh thức khát vọng, thấy được tính chuyên nghiệp của nghề viết với tất cả sự bay bổng và nghiêm cẩn, hạnh phúc và nỗi khổ mà người viết chuyên nghiệp nếm trải.
Khoa ST&LL-PBVH ngoài việc xây dựng quan hệ thường xuyên đối với một số báo và tạp chí để nhờ họ đọc, biên tập góp ý và sử dụng tác phẩm của các học viên còn phối kết hợp với một số nhà văn nước ngoài trong việc tuyển chọn, dịch các tác phẩm của sinh viên rồi xuất bản ở nước ngoài. Được biết sắp tới, khoa của ông còn liên kết với một số khoa văn học của một số trường ĐH trên thế giới trong việc đào tạo nghề viết văn?
Tôi đang nối lại quan hệ với Trường Viết văn M.Gorki, nơi trước đây có quan hệ rất gắn bó với Trường Viết văn Nguyễn Du, thời GS Phạm Vĩnh Cư và GS Hoàng Ngọc Hiến đang “cầm chịch”. Ngoài ra có thể hướng tới một số tổ chức và cá nhân ở các nước khác để giao lưu, học hỏi và trao đổi.
Ngoài chuyên ngành ST&LL-PBVH khoa còn có nhiệm vụ phát hiện ra và định hướng giúp học viên tiếp cận thêm một số lĩnh vực chuyên môn khác, trong đó đặc biệt hướng vào nghề báo. Ông không sợ như vậy sẽ dẫn đến “nghề báo hóa nghề văn”?
Có một số người cho rằng viết báo sẽ làm hỏng văn. Tôi cho rằng quan niệm như vậy là cũ và lạc hậu rồi. Báo là báo và văn là văn chứ. Người viết văn mà viết báo chỉ có lợi thôi, ở chỗ có nhiều thực tế, nhiều trải nghiệm, nhất là có một lối sống, lối nghĩ trẻ, không chịu trì trệ, cằn cỗi. Nhờ cái anh báo mà văn nó trẻ trung ra đấy.
Thời gian qua, uy tín của khoa ST&LL-PBVH ngày một được khẳng định bằng việc liên tục có sinh viên “ẵm giải” từ các cuộc thi viết báo, truyện ngắn, thơ. Theo ông, những thành tích bước đầu mà sinh viên đạt được đó là do chất lượng dạy, học hay do môi trường sáng tác?
Năm 2008, cả khoa có 17 giải thưởng lớn nhỏ cấp trung ương và địa phương. Năm 2009, từ đầu năm đến giờ cũng đã có đến 5 giải thưởng truyện ngắn, thơ và phóng sự.
Theo tôi nghĩ, không khí sang tạo của các học viên đã kích thích, truyền cảm hứng cho nhau, truyền cho nhau khát vọng. Thế là có những tác phẩm chất lượng.
Đối với những sĩ tử dự thi vào khoa ST&LL-PBVH, ông có lời khuyên nào muốn nhắn gửi đến họ?
Nếu có lòng yêu văn chương, tha thiết với sáng tạo văn chương, trước sau khoa viết văn cũng sẽ được chào đón các bạn về với Ngôi nhà văn chương ấm áp và tràn đầy tinh thần học tập, sáng tạo này.
Xin cảm ơn nhà văn Văn Giá
Theo TPO |