Thanh thoát, bay bổng và ru hồn người
Hợp xướng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt và thưởng thức văn hóa của cư dân Bắc Âu. Không chỉ các nhạc viện trên thế giới đều thành lập DHX riêng mà các trường nhạc đều coi DHX là bước khởi đầu ý nghĩa đưa trẻ em đến với thế giới âm nhạc. Các bậc phụ huynh ở phương Tây cũng chú ý đến việc giáo dục ý thức cộng đồng và thái độ ứng xử, làm việc trong nhóm đối với trẻ em ngay ở tuổi đến trường. Vì vậy, khi con cái bộc lộ năng khiếu âm nhạc, họ cho con theo học và biểu diễn trong các DHX thiếu nhi...
Ở ta, những “kỳ cuộc” tổ chức hát đồng ca tập thể với các tiết mục ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lãnh tụ... thường hát bằng giọng thật và hát rất ít bè. Cái gọi là “hợp xướng thiếu nhi” nhiều khi chỉ đơn thuần là một nhóm hát đồng ca lắc lư theo điệu nhạc. Và DHX thiếu nhi đúng nghĩa lại càng hiếm nếu như không nói là chưa có cho đến khoảng năm 1999-2000, Dàn hợp xướng Thiếu nhi Việt Nam (HCCC) được thành lập với khoảng 60 em, phần lớn là học sinh của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ 8 đến 16 tuổi, hoạt động chuyên nghiệp, ngoài yêu cầu về tính thính phòng còn có khả năng trình diễn. Dàn hợp xướng hát bằng giọng giả thanh nghe mềm, quyện và hát được nhiều thể loại, từ nhạc thính phòng, hát không nhạc đệm, nhạc dân gian các nước, nhạc thiếu nhi thế giới, nhạc jazz... Các tiết mục được dàn dựng và phối khí với ít nhất 3 bè, có lúc 4 hay 6 bè. Mỗi bè chính còn được chia thành nhiều bè phụ. Ngoài ra, DHX còn hát không nhạc đệm. Cách hát và phối khí này khẳng định tính chuyên nghiệp của HCCC.
HCCC đã có nhiều dịp biểu diễn trước công chúng. Năm 1999, hơn 200 em biểu diễn ở Hội trường Ba Đình. Năm 2000, nhiều chương trình được tổ chức ở Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Quốc tế Hà Nội. Năm 2004, live show hợp xướng đầu tiên gồm hơn 10 tiết mục diễn ra tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó đi biểu diễn ở Cung Văn hóa Việt - Tiệp (Hải Phòng) trước hàng ngàn khán giả. Năm 2006, Dàn hợp xướng Thiếu nhi quốc tế đến từ Mỹ với trên 100 người biểu diễn cùng HCCC.
Chưa trở thành môn học chính khóa
Không chỉ với HCCC, biểu diễn hợp xướng và giao hưởng ở ta thực sự khó khăn vì ít khán giả. Người hát cũng không mặn mà với việc tham gia DHX. Tổ chức hát hợp xướng khá cầu kỳ. 50 – 60 người hát và hát nhiều bè nên thu thanh và tập luyện rất khó. Phối khí cũng đòi hỏi công phu và... tốn kém. Vì vậy, chỉ những chương trình lớn, HCCC mới có thể tham gia được. Các thành viên của HCCC còn bận rộn học văn hóa và học chuyên môn âm nhạc. Hợp xướng chỉ là môn ngoại khóa nên thời gian dành cho tập luyện chưa nhiều. Vì thế, để đảm bảo “quân số”, HCCC “chiêu nạp” những em say mê, dù có em giọng không được tốt lắm. Cái khó nữa của HCCC là cứ sau vài năm, các em lớn lên thì một lứa mới vào lại tập luyện từ đầu nên mất khá nhiều thời gian...
Đặng Châu Anh- cô MC đáng yêu ngày nào trên truyền hình đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN. Cô là người được Học viện tin tưởng giao phó trách nhiệm chính với HCCC trong những ngày đầu tiên. Ngoài sự nỗ lực của Châu Anh và những cộng sự thì phương pháp làm việc phát huy vai trò của các thành viên trong HCCC đã phát huy tác dụng. Các em lớn trong dàn hợp xướng cùng chọn bài, cùng nghĩ động tác sân khấu với những người tổ chức. Không ít ý tưởng bật lên từ những nhận xét ngộ nghĩnh và thông minh của các em góp phần thành công trong tổ chức các chương trình hợp xướng.
Dành khá nhiều thời gian và tâm sức cho HCCC, Châu Anh tâm sự: “Tôi thật sự mong mỏi những chương trình hợp xướng được tổ chức thường xuyên và trở thành nỗi mong chờ của nhiều người để thúc đẩy phong cách hát này phát triển ở VN. Các em thiếu nhi được thưởng thức hợp xướng từ bây giờ chính là những khán giả trung thành với nhạc giao hưởng, thính phòng sau này. Tôi hy vọng học viện sẽ đưa hợp xướng thành môn chính khóa để tạo nhiều điều kiện hơn nữa hỗ trợ các em, việc tập luyện thường xuyên hơn và chúng tôi có thể tuyển chọn các em kỹ lưỡng hơn”.
Theo VH |