Tạp chí Sông Hương -
Mỹ thuật đương đại Việt:“Đỏ mắt” tìm tài năng!
14:10 | 11/06/2009
Mỗi năm nước ta có tới hơn nghìn họa sĩ “ra lò” từ các trường đào tạo mỹ thuật. Hằng năm, các họa sĩ cũng “chịu khó” mở triển lãm với con số trên dưới 300, cả trong và ngoài nước. Thế nhưng, tìm đỏ mắt vẫn chưa thấy một họa sĩ trẻ xứng gọi là “nhân tài”, chứ chưa nói đến thiên tài nghệ thuật.
Mỹ thuật đương đại Việt:“Đỏ mắt” tìm tài năng!
Sau nhiều năm học tập, nhiều HS trẻ ra trường đã chọn con đường"chép tranh"để mưu sinh(TTVH)

Đổ xô theo cái mới!

Đã qua rồi cái thời mà mỹ thuật chỉ gói gọn trong một vài hình thức hội họa, đồ họa, điêu khắc… Đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, nhiều khuynh hướng nghệ thuật mới cũng theo đó vào và xâm nhập ngày càng rộng lớn trong ý thức của những nghệ sĩ trẻ. “Mỹ thuật trẻ Việt Nam cùng một lúc thể hiện sự chia tay dần dần với giai đoạn hiện thực cổ điển truyền thống trước đó để bước nhanh vào giai đoạn “hiện đại hóa”, hay còn gọi là mô đéc hóa ngôn ngữ tạo hình, rất gấp gáp” (Bùi Như Hương). Bộ phận các nghệ sĩ trẻ nhanh chóng nhập cuộc với dòng chảy nghệ thuật đương đại quốc tế, tỏ ra thích thú, thậm chí coi như một thứ “mốt” với hàng tá tên gọi: Pop-art, sắp đặt, trình diễn, video art, digital art…

Thế nhưng, với những thứ quá mới mẻ mà khán giả Việt chưa đủ độ để “lĩnh hội” ấy, các nghệ sĩ trẻ phải gồng mình lên để tuyên ngôn, để phân bua đó là nghệ thuật. Và cách dễ nhất không gì khác chính là khoác cho những thứ mình tạo ra một cái tên mà người nghe không thể lờ đi đó không phải nghệ thuật: dự án nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật… Chỉ có điều, cách thể hiện ra sao cho đúng là nghệ thuật thì các nghệ sĩ trẻ đang vô tình hay cố ý bỏ quên?

Một dự án nghệ thuật có một không hai, gây “ấn tượng” đặc biệt năm 2008 vừa qua có cái tên cũng ấn tượng “Ra đường” của họa sĩ trẻ Ngô Lực. Đây được coi là một bước tiến sau cuộc “Vào chợ” cũng của họa sĩ này trước đó. Dự án thực sự khiến cộng đồng thán phục bởi một hành vi nghệ thuật quá đặc biệt, một nhà báo tình nguyện làm cột điện cho trẻ em tè và người qua đường dán tờ rơi quảng cáo… Mục đích tương tác của dự án có thể coi đã đạt được khi ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng có lẽ, vì tương tác quá nhiều mà cái phần “nghệ thuật” dính vào dự án cũng bay mất tăm… Người Việt bấy lâu năm vẫn có một quan niệm bất di bất dịch, “nghệ thuật” là phải đẹp, và cái đẹp đó, ít nhiều phải là cái hiện hữu và có thể dễ dàng cảm nhận ngay. Nhưng xem ra, các nghệ sĩ trẻ hiện nay đang bắt đồng bào mình phải quan niệm lại. Đơn cử như những cuộc trình diễn “nảy lửa” và “nổ đom đóm mắt” của Đào Anh Khánh trong những cuộc “Đáo xuân” từng tốn không ít giấy mực của báo giới. Và cho tới giờ, khán giả vẫn “lắc đầu” không hiểu nổi ý tưởng nghệ thuật…

Chạy đua theo cái mới theo kiểu trào lưu, mỗi thứ nắm một ít, nhào nặn tất cả thành một khối khiến cho những “đứa con tinh thần” của các nghệ sĩ trẻ cứ méo mó với hình dạng khó gọi tên. Trong khi đó, cái gốc của dân tộc cũng bị lung lay theo “gió mới”. Nhà phê bình Lê Quốc Bảo từng nói: “Các tác phẩm trong thời kì hội nhập cho thấy không ít tác giả trẻ chỉ lo “đối ngoại” mà quên mất “đối nội”. “Đối nội” luôn là cái gốc của nghệ thuật, là sứ mệnh cao cả của nghệ sĩ. Đồng thời cũng cho thấy nhiều hoạ sĩ trẻ chỉ lo “tu nghiệp” mà quên mất “tu thân”, mà “tu thân” cũng chưa đến nơi đến chốn. Quả thật kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, nếu không có đủ nội lực dễ đánh mất mình”.

“Đỏ mắt” tìm tài năng!

Chưa bao giờ, chuyện “thùng rỗng kêu to” lại đúng với mỹ thuật Việt như hiện nay. Một vài nghệ sĩ, có chút ít gọi là khả năng nghệ thuật nhưng lại rất giàu năng lực quan hệ, kêu gọi tài trợ cũng như quan hệ báo chí mà nghiễm nhiên trở thành những “hiện tượng”. Chỉ đến khi được “mục sở thị”, người ta mới ngỡ ngàng về những cái gọi là nghệ thuật đặc sắc ấy hay “tài năng trẻ” ấy. Điều đáng buồn là hiện nay, sự nổi tiếng ảo, kèm theo đó là những giá trị ảo cứ nhan nhản khắp trong ngoài Bắc. Chỉ tội cho công chúng mừng hụt vì tưởng nước ta có nhân tài.

20 năm đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) cho ‘ra lò’ 150 họa sĩ, chí ít trong số đó cũng có những tên tuổi làm nên “lịch sử mỹ thuật” của Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... Hiện nay, mỗi năm các trường mỹ thuật trong cả nước đào tạo tới gần 1500 họa sĩ trên nhiều lĩnh vực của mỹ thuật như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ứng dụng, sân khấu- điện ảnh, sư phạm mỹ thuật….; tựu chung số nghệ sĩ cũng lên đến con số hàng vạn. Vậy mà các tên tuổi thực sự vẫn chưa thấy đâu ngoài vài cái tên “quen thuộc” nay cũng đã bước sang tuổi không còn trẻ Thành Chương, Lê Thiết Cương…

Một câu hỏi được đặt ra, con số hàng nghìn người trẻ kia, ra trường đi đâu? Câu trả lời phản ánh không ít sự khắc nghiệt của cái gọi là nghệ thuật. Một số không thể bám theo nghiệp vì miếng ăn cơm áo gạo tiền, hay cũng vì tài năng có hạn. Số bám trụ với mỹ thuật thì không phải ai cũng có thể đứng vững. Không ít trong số đó “tủa” về các cửa hàng, các gallery nhỏ để “chép tranh” hay làm ra những tác phẩm mang nặng tính thị trường.

Đi dọc phố tranh Nguyễn Thái Học, thật khó để tìm ra được một bức tranh chỉ riêng cửa hàng đó có. Giá mỗi bức tranh cũng dao động trong khoảng một đến vài trăm nghìn, “quá bèo” với một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Chắc hẳn một phần trong khoản “bèo” đó sẽ được trích ra trả công cho họa sĩ trẻ. Bởi vậy, các họa sĩ thật khó sống dư dả. Và cái vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn, chép tranh, vẽ theo nhu cầu rồi bán, các họa sĩ trẻ chẳng còn thời gian đâu để chuyên tâm cho một tác phẩm lớn trong đời.

Còn một số ít những họa sĩ có chút tiềm lực kinh tế, lại đang và tự huyễn hoặc mình trong những hào quang giả được tạo nên bởi giới truyền thông. Một vài bức tranh bán được giá, họ đã tự cho mình là giỏi, là có tài. Tư tưởng giá tiền đồng nghĩa với giá trị tác phẩm cũng theo đó tràn lan trong cộng đồng.

Có một điều cũng không thể không nhắc tới. Khi có những đứa con tinh thần ưng ý, người ta thường có ý thức rất cao về việc bảo hộ cũng như bao bọc cho nó. Nhưng với các họa sĩ Việt , nó vẫn chỉ ở dạng “dòng chảy ngầm”. Bán được một tác phẩm đã là niềm vui khôn xiết khiến ít ai còn để tâm đến chuyện bản quyền cho tác phẩm của mình. Thêm nữa, trong một thị trường mỹ thuật còn hết sức bình dân với những nhu cầu bình dân như hiện nay, chỉ có chỗ cho những tác phẩm chất lượng thấp, tranh chép, tranh nhái lẫn lộn. Các họa sĩ có ý thức về bản quyền cũng chỉ biết cách bao bọc cho tác phẩm của mình bằng cách an toàn nhất là “treo trong nhà”. Thật ít và hiếm người có được một gallery riêng để tự đưa tác phẩm của mình hòa vào thị trường. Cái khó bó cái khôn, chừng nào ý thức bản quyền còn thấp kém, chừng đó mỹ thuật Việt còn chưa có những nhân tài thực thụ.

Trông người mà ngẫm đến ta

Năm 2008, báo giới rình rang về sự kiện mỹ thuật lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự cuộc thi “APB Foundation Signature Art Prize” 2008 do Bảo tàng mỹ thuật Singapore (SAM) phối hợp với Quỹ các nhà máy bia Châu Á Thái Bình Dương (APB) tổ chức. TS. Natalia Kraevskaia - nhà phê bình mỹ thuật, giám đốc Salon Natasha ở Hà Nội đã lựa chọn ra 3 tác phẩm thuộc 3 loại hình nghệ thuật: nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc sắp đặt mang tới cuộc thi, nhằm để công chúng thế giới biết đến những thể nghiệm độc đáo của mỹ thuật đương đại Việt. Đó là các tác phẩm: “Tấn công và che chở” (tác phẩm nhiếp ảnh kỹ thuật số) của Hoàng Dương Cầm, “Chị em Đông Dương số 9” của Nguyễn Quang Huy và “Hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo. Được kì vọng nhiều, nhưng rốt cục 3 tác phẩm vẫn chịu số phận lọt thỏm giữa 31 tác phẩm trên khắp thế giới.

Sự kiện tranh Việt ở ACAF 2009- Hội chợ Mỹ thuật đương đại châu Á 2008 diễn ra tại thành phố New York (6-10/11/2008) dù được chú ý, cũng là vinh dự khi Việt Nam có mặt trong số các đại diện mỹ thuật của châu lục đông dân nhất tại ACAF. 3 gian hàng tranh của Việt Nam được trưng bày, với các tác phẩm của Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận, Trần Trọng Vũ, Đinh Thị Thắm Poong, Lê Quốc Việt, Trương Tân… Vậy nhưng giá tranh Việt cũng không cao, nhiều nhất chưa tới 15.000 USD, sức hút với công chúng lại yếu.

Việc tranh Việt rớt giá liên tục trên sàn đấu giá mà vẫn chẳng có đại gia nào thèm để mắt tới trong khi tranh của các họa sĩ lại rất được giá thật là điều đáng buồn nhưng không khó lý giải nguyên do. Trong cuộc đấu giá cuối cùng của năm 2008 của nhà Borobudur (Sigapore), chỉ có tác phẩm của danh họa bậc thầy Lê Phổ là còn bán được với mức giá dao động từ 4000 USD tới 30.000USD. Còn lại, tác phẩm của các họa sĩ đương đại lâm vào tình trạng bi đát. Đặng Xuân Hòa có 4 bức gửi tham dự phiên đấu giá, giá đề ra đều dưới mức sàn hàng ngàn đô la (chỉ có 2.306 USD, kích thước 80x100cm và 3.255 USD, kích thước 65x65cm) nhưng không bán được. Nguyễn Thanh Bình (giá đề nghị đấu  là 1.628 USD), Trần Trung Thành (11.529 USD), Lê Quý Tông (2.848USD), Trần Long Anh Quân (2.035 USD)…cũng không bán được, dù mức giá bị hạ xuống rất thấp so với mức giá sàn ra trước đó. Trong khi đó, các họa sĩ thì tranh của họ ngày càng có giá cao, dao động từ 50.000-150.000USD.

Giá tác phẩm đôi khi phản ánh những giá trị ảo, nhưng khi đã bước ra biển lớn, với những nhà sưu tập và chơi tranh có trình độ thẩm định chuyên nghiệp thì giá cả thực sự đã là 'tấm bằng' cho giá trị tác phẩm. Tại sao một loạt các tác phẩm của họa sĩ Việt đương đại chỉ bán với giá không vượt quá 6.000 USD, mà phần lớn là không bán được? Câu trả lời xin trông cậy ở các nhà chuyên môn, nhưng một điều có thể thấy rõ rằng, mỹ thuật Việt đương đại vẫn chưa thu hút  sự quan tâm của những nhà sưu tập tranh trên thế giới.

                                                                                              Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng