Ủng hộ phương án 2 với 4 cấp và có thể ít hơn...
Về cơ bản chúng tôi hoàn toàn tán thành với dự thảo, dự thảo quy định rất chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ giúp cho các nghệ sĩ có thể đánh giá được thành tích công lao của mình có xứng đáng để xét tặng danh hiệu hay không, đồng thời cũng thuận tiện cho họ trong việc tiến hành các thủ tục cần thiết đề nghị xét tặng danh hiệu cho mình. Tôi tán thành phương án 2 trong dự thảo với 4 cấp xét tặng: Hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật, Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoặc Hội đồng cấp Bộ, ngành, Hội đồng cấp chuyên ngành, Hội đồng cấp Nhà nước. Có điều tôi hơi thắc mắc là ở Hội đồng cấp Nhà nước không thấy quy định số lượng thành viên cũng như thành phần của hội đồng này, điều này cần phải quy định rõ. Theo tôi, Hội đồng cấp Nhà nước cũng sẽ có các thành viên của Hội đồng cấp chuyên ngành thì nên chăng có cần duy trì hội đồng cấp chuyên ngành hay không vì chúng ta đã có những thành viên thuộc chuyên ngành ở các hội đồng cấp đơn vị nghệ thuật địa phương hay hội đồng ở cấp Bộ, nên chăng cần tăng cường trách nhiệm cho các hội đồng này hơn là thêm một hội đồng cấp chuyên ngành. Ngay như hội đồng địa phương đã có đầy đủ các thành phần từ chính quyền cho tới các chuyên gia đầu ngành của từng lĩnh vực nghệ thuật. Theo tôi, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu có phần hơi ngặt nghèo, ví dụ mục xét vận dụng tiêu chuẩn sử dụng tác phẩm chung quy định 5 giải chung mới được tính là 1 giải cá nhân trong tình hình các liên hoan, hội diễn tổ chức không nhiều sẽ không phù hợp. Nên chăng để các giải thưởng lớn như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cần phải gấp khoảng 20 lần giải thưởng huy chương.(NSND Trần Đình Sanh – Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh)
Hội đồng chuyên ngành cần coi trọng ý kiến của hội đồng đơn vị nghệ thuật
Tôi tán thành với phương án 2 mà dự thảo đưa ra với 4 cấp xét tặng. Có thể cũng không cần tới hội đồng cấp chuyên ngành vì đã có hội đồng cấp nhà nước rồi. Thời gian qua anh em nghệ sĩ địa phương rất trăn trở, đó là những thành viên của hội đồng chuyên ngành TƯ thường chỉ nắm thành tích cá nhân của nghệ sĩ ở hai trung tâm sân khấu lớn Hà Nội và TP.HCM mà không nắm được thành tích của những nghệ sĩ ở các tỉnh lẻ, địa phương. Có thể do điều kiện khó khăn không thể ra biểu diễn ở thành phố được nên họ ít được biết đến. Thực tế những nghệ sĩ này hoạt động rất mạnh, là những hạt nhân nòng cốt tại địa phương. Tiếc rằng khi ra tới hội đồng TƯ và chuyên ngành xét duyệt họ đều không được xét tặng. Nếu dự thảo được thông qua, theo tôi các thành viên hội đồng chuyên ngành và cấp nhà nước cũng nên coi trọng ý kiến từ hội đồng cơ sở là những người trực tiếp quản lý, giám sát trực tiếp thành tích và công lao đóng góp của các nghệ sĩ ở địa phương. Tôi đồng ý với tiêu chuẩn về giải thưởng và huy chương của NSND, NSƯT, nhưng việc đề ra “phải có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu” xem ra không được hợp lý lắm. Phần lớn những nghệ sĩ lớn tuổi hiện nay đều hạn chế việc tham gia trực tiếp diễn vở mà họ lùi ra phía sau cho lớp diễn viên trẻ đảm nhiệm nên việc đòi hỏi họ phải có những giải thưởng của những năm gần đây là khó. Theo quan điểm của tôi, giải thưởng HCV, HCB là quan trọng nhưng trong tiêu chuẩn xét danh hiệu cũng nên đưa vào tiêu chí khi nghệ sĩ được trao tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Những bằng khen, Huân chương của các cơ quan cấp trung ương cũng cần được coi ngang hàng với các huy chương trong các kỳ hội diễn bởi những thành tích đó mới đánh giá được quá trình và công lao cống hiến của cá nhân nghệ sĩ, không chỉ căn cứ vào các tấm huy chương. Điều này sẽ phù hợp với những nghệ sĩ gắn bó và liên tục hoạt động với nghề. Có rất nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND trước đây tuy không có huy chương nhưng quá trình công lao đóng góp của họ rất lớn. (NSƯT Ngọc Bình – Trưởng đoàn Đoàn Ca kịch Huế)
Nên có sự mở cho thành viên hội đồng xét duyệt...
Tôi tán thành về cơ bản nội dung dự thảo đưa ra, duy có chi tiết yêu cầu về tiêu chuẩn giải thưởng của NSND, NSƯT phải có 1 giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu theo tôi chưa phù hợp với tình hình thực tế. 5 năm mới có một kỳ hội diễn hoặc số lượng liên hoan, hội diễn không liên tục mà đòi hỏi như vậy xem ra có quá gần với thời lượng 2 năm. Tiêu chuẩn phong tặng cũng nên xét tới những nghệ sĩ có thành tích trong công tác đào tạo, xác nhận công lao cho những người có tuổi nghề cao nhưng vẫn luôn cống hiến hết mình cho nghề nghiệp khi có tuổi vẫn tiếp tục truyền nghề lại cho lớp trẻ. Điều 12 quy định “Nghệ sĩ đang là đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì không tham gia vào Hội đồng xét tặng”, chi tiết này với các đơn vị nghệ thuật trung ương thì không có vấn đề gì nhưng với các đơn vị nghệ thuật địa phương lại có phần nan giải. Vì những người có trình độ chuyên môn có thể xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ của đơn vị mình không nhiều, nếu quy định như vậy thì khó có được những cái nhìn đúng đắn chính xác về nghệ sĩ. Theo tôi, cần mở cho những thành viên trong diện xét tặng nếu ở trong hội đồng xét duyệt thì không tham gia bỏ phiếu cho mình giống như các thành viên giám khảo có tác phẩm tham gia tại các hội diễn, liên hoan như thường thấy. (NSƯT Trương Hải Thọ – Trưởng đoàn Đoàn Chèo Thanh Hóa)
Theo VH |