Tạp chí Sông Hương -
Tiếp tục truy tìm đội quân đất nung
08:29 | 16/06/2009
Tại Trung Quốc ngày 13.6 qua, các nhà khảo cổ bắt đầu đợt khai quật thứ ba xung quanh địa điểm mà người ta đã tìm thấy đội quân đất nung thời Tần Thủy Hoàng, thế kỷ III trước Công nguyên.
Tiếp tục truy tìm đội quân đất nung
Đội quân đất nung được khai quật Ảnh: AFP

Vào năm 1974, những người nông dân trong khi đào giếng nước tại nơi cách không xa thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã tình cờ tạo nên một trong những phát hiện khảo cổ học vĩ đại nhất thế kỷ XX: tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, vị vua đầu tiên thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn.   

Ngoài ý nghĩa khoa học, thì cuộc khai quật lần thứ ba này còn chịu áp lực từ những chính trị gia. Vấn đề là ở chỗ, trong suốt 35 năm qua, đội quân đất nung trở thành loại “hàng hóa văn hóa” được xuất khẩu nhiều nhất. Khác với Vạn lý trường thành, người ta có thể đem các bức tượng binh lính này ra nước ngoài triển lãm.

Chẳng hạn vào năm 2006, tại Moscow (Nga), người ta trưng bày 80 bức tượng từ đội quân đất nung. Đến tháng 9.2007, tại Bảo tàng Anh ở London, 120 hiện vật cùng tượng đất nung được trưng bày với 140 ngàn vé tham quan bán ra, thu về hơn 2 triệu bảng... Còn tại Bảo tàng đội quân đất nung ở Tây An thì mỗi năm có hàng triệu lượt người đến tham quan. Chính quyền Trung Quốc cho rằng, mặc dù khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng lượng du khách sẽ tăng thêm nếu như có những phát hiện mới về đội quân đất nung, thu hút sự quan tâm của công luận.

Trở lại với năm 1974, khi đó các nhà khảo cổ cho rằng trong vài tuần hay nhiều nhất cũng chỉ vài ba tháng là có thể khai quật xong di tích gần Tây An. Tuy nhiên, phải đến cuộc khai quật chính thức lần thứ nhất (1978 - 1984) trên một diện tích không lớn, người ta mới tìm được hơn 8.000 tượng binh sĩ đất, trong đó có nhiều tượng không còn nguyên vẹn. Điều này vượt quá sức tưởng tượng của các nhà khoa học và họ dự đoán nếu mở rộng khai quật, hẳn sẽ còn có nhiều điều lý thú hơn nữa. Cuộc khai quật lần thứ hai được tiến hành vào năm 1985, nhưng vì lý do kỹ thuật nên đã bị ngừng lại một năm sau đó.

Vào năm 2000, các nhà khảo cổ còn tìm thấy tượng các nhạc công, tượng diễn viên nhào lộn, và hơn 10 tượng quan lại. Nếu như tìm thấy số lượng tượng như thế nhiều hơn, thì có thể khẳng định rằng, Tần Thủy Hoàng được chôn cất không chỉ với các binh sĩ mà còn cả bộ máy hành chính của vương triều này và cả những người nô lệ.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia còn phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ. Chẳng hạn, có nhiều bức tượng được làm từ những khu vực khác ở Trung Hoa rồi mới chuyển đến Tây An. Hay các bức tượng được ghép từ nhiều chi tiết, được làm từ nhiều xưởng thủ công. Hoặc tại một địa điểm là xưởng thủ công cổ còn dấu vết chứng minh sự có mặt của người châu Âu... Điều này cho thấy, Trung Hoa xưa kia đã có mối quan hệ khá sớm với người châu Âu.

Cuộc khai quật lần thứ ba này dự kiến kéo dài 5 năm và các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy 6.000 tượng đất nung.

                                                                                                             Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng