Tạp chí Sông Hương -
Quy định hoạt động trình diễn thời trang: Hai năm soạn thảo vẫn mơ hồ!
15:20 | 16/06/2009
Chủ trương xây dựng một thông tư nhằm điều chỉnh sân chơi thời trang đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (trước là Bộ Văn hóa-Thông tin) khởi động cách đây... chín năm.
Quy định hoạt động trình diễn thời trang: Hai năm soạn thảo vẫn mơ hồ!


Chương trình trình diễn thời trang “Đêm hội chân dài” lần 3, tổ chức ngày 22-5 bị cơ quan quản lý “tuýt còi” vì diễn chui hai tiết mục. Ảnh: KT




Thế nhưng trong vòng hai năm trở lại đây, khi lĩnh vực trình diễn thời trang nở rộ với nhiều cách thức mới mà “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” (gọi tắt là Quy chế 47) không có điều khoản áp dụng đầy đủ; các nhà quản lý mới lại bắt đầu soạn dự thảo thông tư quy định hoạt động trình diễn thời trang nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Thiếu chi tiết về hành vi cấm trình diễn

Toàn bộ dự thảo đề cập đến quy định về phạm vi điều chỉnh; tiêu chí tổ chức tuyển chọn người mẫu thời trang và thí sinh dự tuyển người mẫu thời trang; các hành vi bị nghiêm cấm khi biểu diễn thời trang; điều kiện tổ chức trình diễn thời trang; phân cấp quản lý, cấp phép cho các hoạt động trình diễn thời trang... Tuy nhiên, nhìn chung dự thảo thông tư vẫn có những điểm chưa chi tiết để khi áp dụng vào thực tế tránh cảm tính, sai sót.

Hai trong bốn hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trình diễn thời trang là: Trình diễn thời trang có nội dung và hình thức không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam hoặc pháp luật cấm phổ biến, quảng cáo trước công chúng; các hình ảnh, kiểu dáng chất liệu trên trang phục, trang sức có tính chất kích dục, phản động” (khoản 1 và 2 Điều 4).

Với quy định này, các đơn vị thường tổ chức các hoạt động trình diễn thời trang vẫn băn khoăn không hiểu như thế nào là “không phù hợp thuần phong, mỹ tục” hay trang phục, trang sức gì có tính kích dục?

Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty Người mẫu PL, cho rằng: “Nội y là thời trang phản cảm nên chúng tôi không nhận cho người mẫu diễn. Những thuật ngữ như “không phù hợp thuần phong mỹ tục, kích dục” không cần quy định rõ trong thông tư mà do các chuyên viên của cơ quan quản lý thẩm định. Những người quản lý văn hóa họ sẽ biết được tiết mục nào, trang phục nào là trái thuần phong mỹ tục để yêu cầu ngưng!”.

Tuy nhiên, theo cách hiểu của ông Vũ Khắc Tiệp, Giám đốc Công ty Người mẫu Venus thì: “Nội y, áo tắm là trang phục được phép mua bán, phục vụ nhu cầu của người dân. Đó là thời trang thông dụng bình thường. Trang phục kích dục là do phong cách trình diễn, bản thân trang phục không làm nên điều đó. Bản thân tôi khi xin cấp phép các chương trình biểu diễn thời trang, tôi không biết đâu là ranh giới giữa gợi cảm và kích dục, không phù hợp thuần phong mỹ tục... để các nhà quản lý nhìn nhận về một sản phẩm thời trang”.

Vậy hoạt động trình diễn những trang phục này có coi là trái thuần phong mỹ tục? Nội y, áo tắm nên hiểu là sản phẩm thời trang hay trang phục kích dục?

Muốn phạt cũng khó!

Những điều thông tư quy định về hành vi cấm diễn vẫn dư đất để nhà quản lý “cảm tính” trong xử phạt.

Theo Quy chế 47, bất cứ hoạt động trình diễn, biểu diễn nào tùy cấp độ đều phải có văn bản đồng ý (hay giấy phép biểu diễn) từ cấp sở trở lên. Thực tế, khi phúc khảo chương trình, nhiều lúc sợ “tai bay vạ gió” nên các nhà quản lý cứ thấy những sản phẩm thời trang hở, khoét hay nội y, áo tắm cứ ren, voan mỏng mỏng hiển nhiên sẽ bị quất ngay vòng “kim cô” trái thuần phong mỹ tục, kích dục và cấm diễn!

Vì vậy, gần đây trình diễn thời trang chính thống (có giấy phép) hầu như vắng hẳn các chương trình thời trang là sản phẩm trang phục áo tắm, nội y. Và sân chơi trình diễn thời trang không chính thống (lách giấy phép, trốn giấy phép) nở rộ hơn. Trên địa bàn TP.HCM, không ít những chương trình biểu diễn thời trang các trang phục này núp bóng dưới hình thức kỷ niệm thành lập công ty, hội nghị khách hàng tiện thể... ra mắt chùm sản phẩm mới.

Mới đây, chương trình của hãng nội y T. dưới tên gọi “Lễ trao giải cuộc thi thiết kế thời trang quốc tế Cảm hứng sáng tạo cùng…” tại một khách sạn năm sao ở TP.HCM đã giới thiệu những bộ sưu tập nội y của thí sinh dự thi thiết kế cho hãng này. Sau khi chương trình diễn ra, báo chí đăng tin nhà quản lý mới biết!

Một kiểu tổ chức nhỏ lẻ hơn là trình diễn dạng trang phục này tại các quán bar để thu hút khách. Chủ quán bar S. (quận 1) từng cho biết để hút khách, lâu lâu quán cũng phải tổ chức những chương trình biểu diễn thời trang với trang phục “hở, khoét” một tí. Vị chủ quán này biết chắc nếu mang những trang phục này đi xin phép trình diễn chắc chắn sẽ bị gạt nên cứ im im mà làm! Hên thì trót lọt, xui thì cơ quan quản lý đến hỏi thăm.

Ông Long cho rằng: “Chế tài cho các hoạt động thời trang cần nêu rõ hơn nữa để các doanh nghiệp thấy biểu diễn thời trang có luật, được coi như là nghề”.

                                                                                Theo Pháp Luật TPHCM Online

Các bài mới
Các bài đã đăng
(16/06/2009)