"Lễ kỷ niệm 100 năm tranh biếm chính trị của Hàn Quốc" không chỉ là tên gọi của riêng sự kiện đặc biệt này, mà qua đó nhà nước và Hội Họa sĩ biếm Hàn Quốc còn muốn giới thiệu cho thế giới biết rằng nền công nghiệp tranh biếm, truyện tranh và phim hoạt hình của Hàn Quốc đã phát triển như thế nào trong 100 năm qua.
Do vậy, song song với cuộc triển lãm rất hoành tráng tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại trong công viên lớn Seoul với sự tham dự của nhiều nhà báo, họa sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc và thế giới, họ còn tổ chức một "Diễn đàn quốc tế về tranh biếm thế giới", mời các họa sĩ biếm là nhà báo và giáo sư đại học chuyên ngành biếm họa từ các nước như: VN, Nhật Bản, Mỹ, Argentina, Trung Quốc đến để đọc tham luận về chủ đề "Biếm họa và sự tự do thể hiện".
Ngoài những hoạt động chính thức như vừa nêu, ban tổ chức sự kiện "100 năm tranh biếm Hàn Quốc" còn tranh thủ giới thiệu với các họa sĩ biếm quốc tế về tổ hợp Bảo tàng Phim hoạt hình; thăm vùng phi quân sự DMZ để vẽ ký họa và giao lưu với các họa sĩ biếm Hàn Quốc...
Tham dự sự kiện đặc biệt "100 năm tranh biếm của Hàn Quốc", điều đọng lại cho những khách mời là cách tổ chức trang trọng, gần gũi, cách giới thiệu những giá trị lịch sử văn hóa của Hàn Quốc rất bài bản và chuyên nghiệp. Họ không chỉ có khả năng về tài chính mà quan trọng hơn, họ biết chọn cách đầu tư...
VN có tranh biếm của Nguyễn Ái Quốc in trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) năm 1922 và được giới biếm họa VN coi như là tranh biếm khai sinh nền biếm họa cách mạng VN. Chỉ 13 năm nữa thôi, ta cũng sẽ tròn 100 năm. VN có thể tổ chức 100 năm biếm họa VN được không? Hoàn toàn có thể nếu ta biết đầu tư ngay từ bây giờ.
Nữ họa sĩ Sung Mi Jong, đã tốt nghiệp đại học, đang ký họa chân dung cho khách hàng. Cô cho biết mỗi bức như vậy có giá 25.000-30.000 won (khoảng 500.000 VND). Có ngày cô vẽ đến 20 tranh, chỗ cô đang làm là một trong hai chi nhánh của Công ty Funart.
|
Theo họa sĩ NHỐP- TT |