- Xin ông cho biết, hiện nay truyện tranh có vai trò như thế nào đối với cuộc sống của người dân Bỉ?
- Người Bỉ sinh ra và lớn lên cùng truyện tranh. Những nhân vật như Lucky Luke, Tintin, Xì trum, Boule và Bill… là niềm tự hào của mỗi người dân Bỉ từ hơn 50 năm nay. Các tác giả Herge, Peyo, Franquin hay Morris... là những người tạo nên cuộc cách mạng trong văn hoá, đem lại cho ngành nghệ thuật truyện tranh một vị trí quan trọng và đạt được những thành công chưa từng có ở châu Âu. Ở Bỉ, các tác giả truyện tranh được hâm mộ nhiều như ca sĩ hay diễn viên điện ảnh. Các tác giả truyện tranh rất được tôn trọng đối với người Bỉ, trong danh sách 100 nhân vật làm nên nước Bỉ, đứng thứ 48 là một tác giả truyện tranh. Tại Bỉ, truyện tranh là món ăn tinh thần hàng ngày của mỗi người dân, và cũng là một ngành công nghiệp văn hoá thực thụ. Thế kỷ 20, truyện tranh in dấu ấn sâu đậm với hàng loạt các tạp chí, tuần báo dành riêng cho loại hình giải trí này, có những tờ lượng phát hành lên tới gần 500 nghìn bản mỗi tuần. Truyện tranh được đưa vào giảng dạy như một bộ môn nghệ thuật trong nhiều trường đại học ở Liege, Tournai hay
Mons và Chatelet. Truyện tranh đã trở thành một biểu tượng của bản sắc văn hoá Wallonie và Bruxelles.
- Ngày nay, giới trẻ ở Bỉ có còn hào hứng với Tintin và Xì trum như các thế hệ trước họ hay không?
- Rất tiếc tôi phải nói là không. Ngày nay, sở thích của giới trẻ đối lập với các thế hệ trước. Việc chuyển tải sở thích từ cha mẹ sang con cái đôi khi không ổn. Giới trẻ ngày nay tỏ ra hứng thú và say mê với các nhân vật trong manga của Nhật Bản hơn, và mới đây, Trung tâm truyện tranh đã tổ chức một số buổi thảo luận về manga và những ảnh hưởng trong giới trẻ Bỉ ngày nay. Tuy nhiên, theo tôi sở thích này có thể thay đổi theo năm tháng, khi họ lớn dần lên, trưởng thành hơn, có thể họ sẽ chuyển sang thích thể loại truyện tranh Bỉ truyền thống như cha mẹ…
- Các loại manga và manhhwa của Nhật và Hàn có ảnh hưởng tới truyện tranh Bỉ không?
- Những năm gần đây, truyện tranh truyền thống của Bỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dòng truyện tranh đến từ châu Á như manga và manhwa. Với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, truyện in khổ nhỏ dễ cầm, dễ mang theo, nội dung phong phú, tiếp cận nhanh nhạy với cuộc sống hiện đại. Giá thành rẻ, chi phí thấp, nên truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được các nhà xuất bản châu Âu lựa chọn nhiều. Dòng truyện tranh này cũng là một trong những cách thức để các nhà xuất bản tạo thêm nguồn thu cho các nghệ sĩ bên cạnh dòng truyện tranh truyền thống.
- Trước nhiều loại hình giải trí hiện đại như videogame, internet, truyện tranh Bỉ làm gì để giữ vững được vị trí của mình trong lòng độc giả?
- Làn sóng cạnh tranh từ truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc bên cạnh nhiều loại hình giải trí hiện đại ngày nay khiến truyện tranh phải tìm cách tự làm mới mình để chiếm lĩnh lại vị trí. Các nhà xuất bản đã tìm cách đa dạng hoá hình thức kinh doanh, không chỉ bán truyện in mà còn bán các bản truyện tranh trên điện thoại, tải lên mạng internet, phối hợp với các nhà sản xuất game để làm game từ truyện tranh và ngược lại.
- Những kinh nghiệm gì ông có thể chia sẻ với ngành công nghiệp truyện tranh Việt
?
- Quan trọng nhất là phải tìm được con đường tiếp cận với độc giả đủ mọi lứa tuổi. Đừng nên quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em. Ở Bỉ, có những bộ truyện tranh dành cho người lớn, nói về những vấn đề được nhiều người quan tâm trong cuộc sống hiện nay, thậm chí cả những bộ tiểu thuyết ăn khách cũng được chuyển thể thành truyện tranh. Nên lưu ý, những cuốn truyện tranh tốt thường có giá cao, và với mức giá như vậy thì chỉ người lớn mới đủ tiền mua. Một số cách thức các bạn có thể áp dụng, như dành cho truyện tranh một góc trên báo, tăng cường quảng bá truyện tranh trên những ấn phẩm khác, đưa vào truyện tranh những vấn đề mà bạn đọc ngày nay quan tâm... Cũng giống như nhiều ngành giải trí khác, đã đến lúc truyện tranh cũng phải đi tìm độc giả.
- Xin cảm ơn ông.
Theo NDĐT |