Ngót nghét nửa thế kỷ tung hoành mà chưa thấm mệt: Cho đến nay đã 22 lần có giấy phép... đưa sát thủ 007 lên màn bạc, mà huyền thoại James Bond xem ra vẫn chưa mất sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ khán giả từ 7 đến 70 “cái xuân xanh”. Thậm chí các nhà khoa học cũng phải sốt ruột để tâm đến đề tài tưởng chừng vô thưởng vô phạt này. Trường Đại học Saarbruecken (Đức) vừa tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học khả kính. Họ được mời đến... xem phim, hay đúng hơn là để tranh cãi về một việc thoạt tiên chẳng thấy có gì “khoa học” cả.
“Tối thiểu một nửa nhân loại đã từng xem phim Bond”, giáo sư Đức Joachim Frenk ước tính. Thường ngày, Frenk giảng dạy về văn học và văn hóa Anh, nhưng niềm say mê của ông không chỉ dâng hiến cho William Shakespeare hay Harold Pinter, mà còn có cả Ian Fleming - nhà văn đã sáng tạo ra nhân vật điệp viên lừng danh. “Bond đã trở thành nhân vật toàn cầu có sức sống lâu bền nhất”, Frenk nhận định.
Ba ngày hội thảo với ít nhất 30 tham luận khoa học đã chứng kiến nhiều tên tuổi đình đám đến từ Mỹ, Anh, Hà Lan... đăng đàn diễn thuyết. Không chỉ hiện nay, mà trên hai thập kỷ qua, giới khoa học đã... “rỗi hơi” tìm thấy ở điệp viên 007 một đối tượng nghiên cứu (!). Vì phim James Bond không chỉ là chuyện đùng đoàng hư cấu để gạ tiền trẻ con, mà còn như tấm gương và lời bình cho các sự kiện xảy ra ngoài đời thực. Giáo sư Frenk công nhận: “Bond đại diện cho lịch sử hậu chiến phương Tây. Các cuộc tranh giành quyền lực trong phim phản ánh quan hệ có thật trên thế giới”.
Các tham luận về Bond săm soi hình ảnh nhân vật này từ mọi góc cạnh. Diễn giả Christoph Lindner từ Đại học
Amsterdam
(Hà Lan) nói: “Ở Bond có một số điểm không đổi: ô tô hiện đại, gái đẹp, rượu Martini (chỉ lắc chứ không khuấy). Nhưng phim Bond nào cũng khác nhau”. Ví dụ ngày trước Bond là “siêu nhân mình đồng, da sắt” nhưng gần đây thi thoảng đã thấy chàng xúc động và thậm chí còn... phạm lỗi.
Tobias Hochscherf đến từ Đại học (Anh) thậm chí còn thấy Bond thay đổi sau khi Bin Laden khủng bố
New York
: “Ngày xưa, cho dù có gì xảy ra thì Bond vẫn là một anh chàng lịch thiệp, tôn trọng sự “fair-play” (chơi đẹp). Vài phim gần đây thì không như thế nữa. Thế giới đã quá tàn bạo, cho phép Bond “chơi bẩn”, “phạm luật”. Và đó chính là hình ảnh phản chiếu của bối cảnh chính trị xã hội ngày nay. Bond đã biết đến chống khủng bố, tra tấn hỏi cung, bảo vệ môi sinh! “Bond qua sự thể hiện của Roger Moore còn là chuyện hào hoa tơ tưởng, đến Pierce Brosnan thì 007 đã khiến phụ huynh lo giáo dục giới tính cho con cái mới lớn, còn với Daniel Craig thì nhân vật này quá giống ngoài đời thường”.
Diễn giả Anthony Metivier còn đi xa hơn một bước với câu hỏi: Liệu Bond có là một kẻ giết người hàng loạt? “007 gần đây rất tàn bạo và khó lường, khiến nhiều khán giả khó mê. Ngày xưa người ta còn thỉnh thoảng mỉm cười khi xem phim Bond, chứ giờ đây ai cũng phải nghĩ đến chiến thuật báo thù của thời Bush”.
Còn “cựu binh” Roger Moore, người đã đóng 007 tới bảy lần, thì nghĩ sao về nhân vật đặc biệt này của mình?
* Thưa ông Roger Moore, sau khi đóng nhiều phim Bond, chắc ông sử dụng súng rất thuần thục?
- Tôi ghét vũ khí ngay từ lúc còn đóng phim Bond. Tôi ghét tiếng lên đạn và tiếng nổ, vì tôi biết vũ khí đã đem lại cho thế giới những thảm họa gì. Vũ khí được phát minh vì lòng tham, bởi người bán súng luôn có lãi, bất kể ai bắn ai.
* Khó tin đó là lời của một người từng nổi tiếng vì đóng vai James Bond...
- Cuộc đời tôi có một bước ngoặt sau khi đóng James Bond. Tôi ghét súng đạn trong thể thao, ghét cả những người coi săn bắn là thể thao chỉ để giết thú vật. Tôi không rõ khái niệm “giết nhân đạo” xuất hiện từ đâu khi rõ ràng đó là hành động giết người.
* Ông mới viết một cuốn sách về sự biến đổi trong nhân vật điệp viên 007, từ người đàn ông bí ẩn lịch thiệp trở thành “cỗ máy giết người”.
- Tôi không ưa bạo lực chút nào, nhưng không có nghĩa là nhiều người không thích phim Bond. Rất nhiều là đằng khác. Nhân vật điệp viên 007 do nhiều người thể hiện vào những thời điểm khác nhau, trong số họ chỉ có Sean Connery diễn đúng như tác giả Ian Fleming miêu tả. Riêng tôi không cho James Bond là hình ảnh điệp viên đáng tin lắm.
* Xin ông nói rõ hơn!
- Thử nghĩ xem: Ở quầy rượu nào người ta cũng nhận ra James Bond, bồi bar nào cũng biết anh ta thích Martini lắc chứ không khuấy...
* Vậy James Bond “của ông” thì sao?
- Tôi ưa thể hiện mặt hài hước nơi 007. Đối với tôi, phim này như phim hoạt hình giải trí. Cứ xem 007 thoát khỏi mọi tình huống gay cấn thì rõ.
* Ông có biết chìa khóa thành công của phim Bond?
- Theo tôi, thành công là khán giả không bị lừa. Người ta bỏ tiền ra và được xem xe đẹp, gái đẹp, phong cảnh đẹp và những màn hành động cũng đẹp mắt, cộng thêm một chút hài hước nữa.
* Trong đời, ông có giây phút nào giống James Bond nhất?
- Đó là lần tôi bắn nát óc một tên trộm đột nhập nhà mình (cười). Đùa vậy thôi, đời tôi phẳng lặng lắm, và tôi cũng chẳng bao giờ mơ mộng được như 007.
* Sean Connery bị một phóng viên theo vào tận nhà vệ sinh, sau đó ông ta quyết định chia tay vai James Bond. Nổi tiếng quá cũng khổ, ông có bao giờ nghĩ như thế không?
- Cho đến nay tôi may mắn chưa bị ai theo vào tận nhà vệ sinh. Nhưng sau bảy phim Bond thì tôi đã ngán đến tận cổ, thậm chí không buồn trả lời phỏng vấn vì suốt ngày có nhà báo vây quanh hỏi han. Có mỗi câu “Tên tôi là Bond, James Bond” mà tôi học mấy ngày không thuộc vì không có thì giờ (cười).
* Nhưng chắc là ông phải có kỷ niệm điên rồ nào đó với các fan chứ?
- Ngày xưa đã có fan vờ làm khách để lọt vào khách sạn bắt chuyện với tôi. Fan thời nay thì khác, họ hung hãn hơn, kỳ thực không gọi là fan được nữa. Họ chỉ muốn có một tấm hình kèm chữ ký rồi đem bán đấu giá trên eBay mà thôi, vì vậy họ rút ra cả tập ảnh...
* Nhất định có ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
- Ringo Starr (tay trống của The Beatles - TT&VH Cuối tuần) có lần cho biết anh ấy vẫn tặng ảnh có chữ ký của mình nhưng không nhìn mặt người xin nữa, vì rốt cuộc ảnh cũng sẽ bị đem bán trên eBay.
* Việc đóng vai James Bond có làm cuộc đời ông thay đổi?
- Tất cả những gì ta làm, những ai ta gặp đều ít nhiều làm thay đổi cuộc đời ta. Nhất định việc đóng vai James Bond có làm thay đổi gì đó trong cuộc đời tôi. Nhưng không giống như Sean Connery, tôi đã nổi tiếng trước khi đến với nhân vật điệp viên này. Phim Bond đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, cũng vì màn bạc “hoành tráng” hơn sân khấu hay truyền hình. Riêng tôi thích đóng phim truyền hình, vì như vậy diễn viên có thể “vào” thẳng phòng khách của người xem.
* Ông mong đợi gì khi thủ vai James Bond sau Sean Connery?
- Hồi đó tôi không có kế hoạch nào khác. Nhân vật James Bond hay ở chỗ không có nền, nên có thể được diễn bởi một người như Sean Connery hay người như George Lazenby. Tôi là người Anh chính cống đầu tiên đóng vai này. Và do James Bond không có nền sẵn nên tôi tự đóng là chính - với khuôn mặt, tính cách, tất cả của tôi. May mắn hoặc rủi thay - tùy ý người xem - James Bond giống hệt tôi, trừ một khía cạnh là tôi không phải người hùng.
* Ngoài đời, ông đã chạm trán một gián điệp thực thụ nào chưa?
- Tôi có vài người quen làm bên mật vụ. Trong số đó có một người là sếp mật vụ Pháp, ông ta thú thực với tôi rằng rất thích phim 007 nhưng không dám xem ở
Paris
vì sợ đồng nghiệp chê cười. Lần nào ông ấy cũng phải bay qua
Geneva
để xem, nơi không ai biết mặt ông ta.
* Đã 24 năm kể từ khi ông đóng vai James Bond lần cuối, nhưng hình như ông không rũ bỏ được nhân vật này khỏi đời mình thì phải?
- Hừm, đúng thế! Cuốn tiểu sử của tôi có tựa đề là My Word Is My Bond (nghĩa bóng: Tôi đã nói là phải đúng). Đây là một cách nói thú vị nhưng không dễ dịch ra những ngôn ngữ khác. Quả thật James Bond đã thành một phần của đời tôi. Bản dịch tiếng Đức thì lại lấy câu nói cửa miệng của 007 “Tên tôi là Bond, James Bond” làm nhan đề mà tôi thấy rất hay, vì tên tôi không phải là Bond!
Theo TT&VH |