Phòng tranh Thavibu và nhà sưu tập Jorn Middelborg (chủ nhân phòng tranh) đã có hơn 15 năm kinh nghiệm với hội hoạ đương đại Việt Nam, đặc biệt là với các tác giả như Nguyễn Trung, Phạm Luận, Lê Quảng Hà, Phạm An Hải, Nguyễn Thanh Bình, Trịnh Tuấn, Đinh Quân, Công Kim Hoa và Đinh Ý Nhi. Khi thực hiện triển lãm với các hoạ sĩ, họ đều liên kết từ 2 – 3 năm trước, để các tác phẩm được thống nhất về phong cách, bên cạnh đó, họ còn in vựng tập, in sách để giới thiệu.
Với triển lãm Security (An ninh) cũng thế, từ đầu năm 2008, họ đã đăng thông tin và kế hoạch trên website, song song đó là những trao đổi cụ thể để đoán định được suy nghĩ của tác giả. Đinh Ý Nhi thực hiện các tác phẩm này trong 1 – 2 năm gần đây, với phong cách tinh giản như lâu nay, và nhân vật chính vẫn là người phụ nữ thảng thốt trước đời sống hiện tại. Nhưng lần này, trong 15 bức tranh khổ lớn, Đinh Ý Nhi chỉ vẽ một phụ nữ khoả thân duy nhất, trong các tư thế khác nhau. Người phụ nữ Việt da vàng, tóc đen ấy có thể đối diện với rất nhiều thứ được xem là “an ninh” ở đời này, nhưng để đáp lại thì chẳng có gì, ngoài một tấm thân gầy gò, ngu ngơ và bất lực.
Đinh Ý Nhi sinh năm 1967 tại Hà Nội, từ 1995 đến nay, cô đã thực hiện rất nhiều triển lãm ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Thuỵ Sĩ, Ý, Hàn Quốc, Đức, Philippines, Thái Lan, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… Tranh của cô hiện thuộc sưu tập chính thức của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Nghệ thuật Malaysia, bảo tàng Nghệ thuật Singapore; và nằm trong rất nhiều bộ sưu tập độc lập, cá nhân.
|
Tuy nhiên, khi xem hết các tác phẩm, chúng ta có thể cảm nhận được tinh thần bênh vực nữ quyền, về sự đấu tranh cho quyền lên tiếng (dù yếu ớt) của người phụ nữ. Có thể nói Đinh Ý Nhi là nghệ sĩ hiếm hoi, mà sự theo đuổi của cô là bền bỉ, kiên định và rõ nét về phong cách… trong suốt nhiều năm qua. Đinh Ý Nhi thuộc kiểu người rất giản dị, sợ kỹ nghệ và máy móc, nhất là thời trang và đồ điện tử. Có lẽ tinh thần tinh giản trong hội hoạ của cô cũng bắt nguồn từ cách sống này. Xem tác phẩm của cô trong hơn 15 năm qua, chỉ thấy toàn những người phụ nữ trơ trọi, chẳng trang sức, và chẳng có phụ kiện hiện đại hay điện tử gì kèm theo.
Các tác phẩm tại triển lãm An ninh có giá bán từ 6.000 đến 15.000 USD, tính đến ngày 13.6 đã có ba tác phẩm được bán, và một vài tác phẩm được đặt mua.
Theo SGTT |