Ấy thế mà có một sự thật trớ trêu như thế này: Không biết AI và XẢY RA TỪ BAO GIỜ mà hầu như toàn bộ những thước phim tư liệu về hai cuộc chiến tranh thuộc quyền sở hữu của Hãng phim Tài liệu khoa học TƯ, Hãng phim Quân đội, Viện Tư liệu phim VN nay lại thuộc về VTV và HTV. Thuộc quyền sở hữu của ai, điều này không có gì đáng quan tâm nhiều. Điều cần rung hồi chuông báo động là ở một phương diện khác. Tất cả những mét phim tư liệu kể trên đều được quay bằng phim nhựa 35 ly, nhưng về với Đài Truyền hình chúng được chuyển qua băng và dĩa. Từ đây chúng được nhân bản và được sử dụng vô tội vạ cho từng bài hát, từng show diễn, từng bộ phim phóng sự - tài liệu.
Tôi nhớ lại Viện Phim tư liệu TƯ Liên Xô trước đây có một sự phân loại và quy định rất rành rõ: phim tư liệu được phân thành loại A1, A2, A3… B1, B2, B3… Ví như phim về lãnh tụ Lênin hay những sự kiện Cách mạng Tháng Mười, hay Hồng quân cắm cờ trên nóc nhà Quốc hội Đức ở
Berlin
… thuộc loại A1. Và chỉ những bộ phim nào, những trường hợp lễ lạt nào mới được Viện Tư liệu phim cho phép trích và dùng.
Trở lại với những mét phim tư liệu của chúng ta. Với điện ảnh Khu 8, các nhà quay phim dũng cảm như Mai Lộc, Khương Mễ, Lê Minh Hiền, Vũ Sơn... đã xông pha nơi hòn tên mũi đạn để có những mét phim sớm nhất về cuộc kháng chiến chống Pháp, không chỉ ở Nam bộ mà còn xét trên phạm vi cả nước, như trong các phim “Trận Mộc Hóa”, “Chiến dịch Cầu Kè”, “Công binh xưởng trong rừng”… Cũng chính đạo diễn Mai Lộc và nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, từ bưng biền Đồng Tháp lặn lội vượt Trường Sơn lên tận Việt Bắc, để ngày hôm nay con cháu có được những mét phim quý hiếm về Đại hội Đảng lần 1, Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 1, Bác Hồ tập võ với các chiến sĩ cảnh vệ, Bác Hồ cưỡi ngựa ra trận, Bác Hồ tắm suối, Bác Hồ vừa đi vừa phơi quần áo…
Nghệ sĩ Mai Lộc còn góp vào kho tư liệu những hình ảnh đầu tiên của lối đánh công kiên, có sự hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh trong phim “Chiến thắng Tây Bắc”. Những hoạt động của du kích tại đồng bằng Bắc bộ thì ông cũng là người ghi hình đầu tiên trong bộ phim “Du kích đường 5”. Như nhiều người trong chúng ta đều biết, nhiều hình ảnh công binh mở đường, dân công chở gạo ra mặt trận, kéo pháo vào, kéo pháo ra và hình ảnh về những trận đánh trên đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1 và bộ đội vượt qua cầu Mường Thanh tấn công vào Sở chỉ huy của tướng De Castrie tại Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đạo diễn Liên Xô Roman Carmen đưa vào phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, là của nhà quay phim Nguyễn Tiến Lợi.
Hiện nay, chỉ một đoạn văn, chỉ một giai điệu nhạc nếu bạn trích vào sách, vào phim của mình mà không đề tên tác giả bạn lập tức bị kiện và có thể bị ra tòa. Vậy những mét phim đánh đổi bằng xương máu kia cứ mãi mãi không có chủ, cứ bị vi phạm bản quyền, lẽ nào ai muốn tùy tiện sử dụng cũng được?
Trong kho phim tư liệu, may mắn sao chúng ta đã có một lượng phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thật khổng lồ, phong phú. Hãng phim Thời sự - Tài liệu TƯ, Xưởng phim Quân đội đã tạo nên thiên anh hùng ca miền Bắc đánh thắng chiến tranh leo thang của giặc Mỹ với Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, với Hà Nội bắn rơi pháo đài bay B52… Phim phóng sự - tài liệu cũng kể lại câu chuyện ruộng đồng và nhà máy ở miền Bắc vừa sản xuất, bảo đảm lúa gạo cung cấp cho chiến trường miền Nam, vừa bắn máy bay, bắt phi công Mỹ như thế nào.
Còn những sự tích anh hùng ở Củ Chi, Bến Tre, Điện Bàn, Duy Xuyên… và các chiến công làm phá sản các chiến thuật “Phượng hoàng vồ mồi”, “Bổ lưới phóng lao”, “Bình định cấp tốc”, “Gom dân lập ấp chiến lược”, chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ thuộc về công lao của các nhà làm phim điện ảnh giải phóng.
Ấy thế mà tên tuổi của tác giả những mét phim ấy như Kiều Thẩm, Kim Môn, Lưu Xuân Thư, Nguyễn Kha, Ngô Đặng Tuất, Nguyễn Chí Phúc… ở miền Bắc, Trần Nhu, Trần Văn Thủy, Hồng Chi, Lâm Quang Ngọc và rất nhiều tên tuổi khác hoàn toàn vắng bặt trên những mét phim tài liệu được trích. Tình trạng bất hợp lý này không thể chấp nhận được cần chấm dứt, xét cả về phương diện tình cảm lẫn luật pháp.
Thời ở mặt trận cánh phóng viên báo viết chúng tôi với các phóng viên quay phim hệt như anh em ruột thịt. Cùng hưởng gạo, đường, thuốc men một tiêu chuẩn. Cũng tăng, bạt, võng dã chiến như nhau. Đi đâu cũng í ới gọi nhau. Nhưng khi một trận đánh xảy ra liền có sự “phân biệt” đối xử. Phóng viên báo viết thường chỉ xuống tới ban chỉ huy tiểu đoàn là cùng, còn phóng viên nhiếp ảnh, quay phim thì được đi theo các mũi chủ công. Nghĩa là các anh xông xáo, kề cận cái chết y hệt như những người lính.
Có nghĩa là, cánh báo viết thì còn có thể nghe kể lại, còn quay phim, nhiếp ảnh không xông xáo vào tận nơi hòn tên mũi đạn liệu làm sao có được những bức ảnh, những thước phim chân thực? Thành thử đức dũng cảm, lòng can trường, tính tự nguyện sẵn sàng chấp nhận cái chết trong tích tắc vốn là phẩm chất cao quý của những người làm phim phóng sự - tài liệu chiến tranh.
Vậy vì cớ gì chúng ta không trả lại bản quyền từng mét phim của những người làm phim phóng sự - tài liệu đã ngã xuống hoặc đang còn sống?
Theo SGGP |