Tạp chí Sông Hương -
Vị đạo diễn cực đoan và những tiết lộ về Trăng nơi đáy giếng
08:55 | 23/06/2009
Khi biết tin Nguyễn Vinh Sơn đang có mặt tại Hà Nội, tôi rất muốn gặp anh. Mong muốn ấy xuất hiện sau khi tôi xem xong bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" trong dịp tranh giải Cánh diều vàng, và để lại nhiều day dứt trong tôi.
Vị đạo diễn cực đoan và những tiết lộ về Trăng nơi đáy giếng

Tôi muốn gặp để được trò chuyện với anh, để nghe anh nói về bộ phim đã lấy đi của anh nhiều thời gian và tâm sức. Tôi muốn gặp, để thử đưa ra những phản biện với một người đạo diễn nổi tiếng bởi sự cực đoan. Nhưng khi biết anh đang có mặt ở Hà Nội, tôi không dám trực tiếp gọi điện...

Tôi sợ sự từ chối, giống như nhiều người bạn tôi đã không thể thực hiện được cuộc hẹn với anh. Tôi đã nghe nhiều người nói về cái "chất Huế" rất trầm và rất sâu trong con người Nguyễn Vinh Sơn. Lại ngại một điều nữa, cái nắng chang chang của trời Hà Nội dễ khiến đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn lấy làm cớ. Tôi đã phải nhờ tới một người phụ nữ. Và tôi biết chắc rằng, khi chị đã gọi, Nguyễn Vinh Sơn không thể từ chối. Đơn giản, đó là một người phụ nữ đang sống ở Huế. Và đơn giản hơn, đó là tác giả truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" - nhà văn Trần Thùy Mai.

Nguyễn Vinh Sơn đã rất khó khăn để xếp được một giờ rảnh vì thời gian ở Hà Nội không nhiều, mà lại có tới 3, 4 buổi chiếu phim và giao lưu với khán giả. Cuối cùng, anh cũng chốt lại được vào cái khoảng giữa của 2 suất chiếu phim. Lịch hẹn lúc đầu trên phố Hai Bà Trưng, rồi phút cuối, anh lại nhắn ghé qua khách sạn trên phố Nhà Thờ. Nguyễn Vinh Sơn bảo, anh đã ra Hà Nội nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên anh được ở trên con phố này. Đó là một không gian mà anh rất thích.

Chúng tôi vào một quán cà phê, từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh không gian Nhà Thờ, mỗi người gọi một ly cà phê nâu đá. Câu chuyện giữa chúng tôi lập tức trở về với "Trăng nơi đáy giếng". Tôi nhận ra một điều: dù phim đã đóng máy từ hơn một năm trước, Hồng Ánh - diễn viên chính trong phim - đã có nhiều "bước chuyển" trong cuộc đời mình, diễn viên phụ như cậu bé đóng vai cu Nhứt cũng đã khôn ngoan hơn, thậm chí chú chó cũng đã mang một tâm trạng khác, khi nó đã sinh ra một bầy con và được Hồng Ánh mang về nuôi, nhưng Nguyễn Vinh Sơn thì vẫn vậy.

Trong tâm hồn Nguyễn Vinh Sơn suốt nhiều tháng nay, thậm chí suốt nhiều năm qua, mối quan tâm lớn nhất là "Trăng nơi đáy giếng". Anh có thể bỏ tất cả để đeo đuổi bộ phim mà mình đã dấn bước. Vì thế, Vinh Sơn nói chuyện say mê về những ngày tháng chuẩn bị, từ khâu kịch bản tới chọn diễn viên. Và cả việc thuê một khoảnh đất, dựng lên đó một ngôi nhà rường với mảnh vườn mà mỗi gốc cây đều được trồng một cách có dụng ý. Rồi bỏ đó hơn một năm trời, với một người dân Huế được thuê để trông nom chăm sóc khu vườn này. Đến lúc không còn thấy bàn tay của sự sắp xếp nữa, Nguyễn Vinh Sơn cùng êkíp làm phim của mình mới đặt chân đến Huế, và những mét phim nhựa bắt đầu hoạt động.

Tôi nói với Nguyễn Vinh Sơn rằng, xem "Trăng nơi đáy giếng", tôi thích cái không gian văn hóa của Huế, dù nó được tỉa tót hơi kỹ; tôi thích những thước phim đẹp, tôi cũng thích chi tiết cô Hạnh đóng - mở cửa của ngôi nhà rường, nhưng tôi không thích khi đạo diễn đã quá lạm dụng chi tiết này.

Nguyễn Vinh Sơn bảo: "Đúng là phim của tôi làm chọc cho người ta thắc mắc, thậm chí là chửi nữa. Nhưng cuộc sống, nhất là cuộc sống ở Huế, vẫn có những con người như cô Hạnh, vẫn chiều chồng như cô Hạnh. Bản thân tôi, cũng được vợ chiều như thế, dù vợ tôi không phải người Huế, mà người miền Tây. Với "Trăng nơi đáy giếng", tôi chủ ý làm phim tiết tấu chậm, đưa cảm xúc cho người xem là chính chứ không tạo thông tin.

Có một nhà quay phim sau khi xem "Trăng nơi đáy giếng" về đã thắc mắc về cách quay trong phim này. Anh ấy nói rằng anh cứ chờ mãi, chờ mãi để xem hết khuôn hình này sẽ là cái gì. Rồi không thấy cái gì. Nhưng thực ra cái gì ở đây là cái gì? Điều anh ấy muốn thấy khác điều tôi muốn thể hiện. Nếu tôi tuân theo những điều mà ai cũng biết, ai cũng xử lý như thế, thì phim sẽ không có gì để nói nữa. Xem phim xong, nói: "Phim này được đấy" (hay "Phim này tệ quá"). Hết. Tôi chủ ý làm vậy, là để muốn khán giả nhớ về phim họ đã xem. Có thể có người ghét, và có thể có người thích. Nghệ thuật thì luôn sáng tạo, không nên đưa ra quy định cứng nhắc. Nếu cứ khuôn định mãi thì làm sao có Thơ Mới, làm sao có những bức tranh của Picasso? Sự thực thì ngay trong hồ sơ tôi gửi đi xin tài trợ, tôi cũng đã nói rằng, tôi sẽ làm phim "Trăng nơi đáy giếng" theo phong cách của đạo diễn nổi tiếng người Nhật Bản Yasujizo Ozu".

Tôi chia sẻ với cái chất "điên điên" của người nghệ sĩ, cái chất cực đoan nổi tiếng của Nguyễn Vinh Sơn. Nhà văn Trần Thùy Mai khi xem xong phim nói với tôi rằng, anh đã cho cô giáo Hạnh làm thơ. Nếu Hạnh mà làm được thơ hay như vậy, hẳn khi gặp khó khăn trong cuộc đời này sẽ vịn vào thơ để sống chứ không tìm vào ông Hoàng ở cõi âm? Nguyễn Vinh Sơn nói ngay: "Mai nói vậy cũng là một ý hay. Đúng là trong truyện của Mai, không có chi tiết Hạnh làm thơ. Tôi đã đưa chi tiết ấy vào phim, vì với tôi, làm phim về Huế phải có một nhà thơ. Trong 2 nhân vật chính ở Huế, không ai biết làm thơ thì thật tiếc. Phùng Quán nói 10 người Huế thì 11 người làm thơ. Vì thế, Hạnh vốn là người nhạy cảm, có tư tưởng riêng, nên chuyện để Hạnh đến với thơ cũng là lẽ tự nhiên. Và Hạnh rất hạnh phúc với thơ.

Nhưng điều khiến tôi buồn hơn, lại là câu chuyện khác. Xứ Huế là xứ của thơ, có những bài thơ mình ưng, liên hệ với tác giả để xin phép đưa vào phim, nhưng lại nhận được sự từ chối, vậy là cuối cùng tôi phải dùng thơ của Thảo Phương. Và còn một điều tôi thấy tiếc. Phim thiếu một trận mưa. Trong những ngày quay ở Huế, tôi cứ chờ mãi một trận mưa, nhưng Huế đã không chiều lòng, mà tôi thì không muốn dùng mưa nhân tạo".

Tôi đã nói với đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn rằng, bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" đã khiến tôi ngồi lại 2 lần để xem. Nhưng cả 2 lần ông đều khiến tôi vừa thích vừa ấm ức. Điều tôi thích thì đã nói ở trên, và có thể cũng trùng với một số người. Nhưng có nhiều chi tiết trong phim khiến tôi cảm thấy ấm ức. Tức nhất là chi tiết trong đời sống vợ chồng giữa cô Hạnh và thầy Phương.

Tôi vẫn nghĩ, với một người nhạy cảm, chu toàn như Hạnh, thì chuyện gối chăn cũng sẽ đưa đến cho người xem những cảm xúc thật mạnh mẽ. Nguyễn Vinh Sơn thoáng giật mình, rồi như có một tiếng thở dài lướt qua, rất khẽ. Ông nói: "Bạn nói đúng. Đó là một chi tiết thất bại của tôi. Tôi chưa nói với ai điều này. Trong kịch bản, tôi đã viết rất kỹ về cảnh này. Lúc làm việc ấy, Hạnh vẫn cầm quạt quạt cho chồng. Và tôi nghĩ, với hành động đó, thì mọi chuyện cơm bưng nước rót, rầm ớt, ướp trà sen hay giặt rũ áo quần kia đều trở nên "nhẹ hều". Đó là cảnh mà tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian chuẩn bị.

Ngoài Hồng ánh là diễn viên chuyên nghiệp ra, thì người đóng vai thầy giáo Phương là anh Hoàng Cao Đề lần đầu tiên đóng phim. Đây là cảnh quay cần phải chuẩn bị kỹ tâm lý. Tôi đã gặp cả vợ con anh Đề để trao đổi trước. Và mời chị ra tận trường quay để xem. Nhưng khi máy quay đang chạy, diễn viên đang diễn gần đến động tác ấy, thì tôi đã hô "cắt". Hồng Ánh thấy vậy đã chạy ra hỏi: Anh Sơn, anh Sơn, sao không để em… quạt?

Tôi phải nói với Ánh, anh thấy như vậy là đủ rồi. Tôi biết, thực ra nếu để cảnh ấy, phim sẽ nặng hơn, nhưng tôi cũng biết, có thể vì cảnh ấy, mà những cộng sự của mình bị hệ lụy". "Ông sợ phim không được duyệt?" - Tôi hỏi. "Không. Hoàn toàn không phải điều đó - Nguyễn Vinh Sơn khẳng định - Tôi đã chuẩn bị phương án quay cảnh ấy rất kỹ, không hề gì ảnh hưởng tới vấn đề duyệt phim. Vấn đề ở đây là cảnh đó có thể ảnh hưởng đến những số phận, ảnh hưởng đến những gia đình. Tôi cũng muốn cực đoan để giữ, nhưng đến lúc ấy, tôi lại không dám nữa. Ai chả muốn làm được 10/10 điều mình đã định. Nhưng đôi khi ta cũng cần nghĩ tới cuộc sống của những người quanh ta nữa. Bởi nếu toàn những diễn viên chuyên nghiệp thì khác. Trong khi thông qua những bộ phim của mình tôi lại chỉ muốn tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới, không chuyên".

Tôi đã có cuộc trò chuyện khá dài với Nguyễn Vinh Sơn. Cuộc trò chuyện vào một chiều Hà Nội nắng chói chang ấy đã khiến tôi hiểu hơn về sự "cực đoan" mang tên Nguyễn Vinh Sơn, hiểu hơn về những thước phim "Trăng nơi đáy giếng" mình đã xem và để lại trong lòng nhiều day dứt. Và cuộc trò chuyện với người đạo diễn mà "không đủ tài làm phim "bánh mứt" (phim chiếu dịp tết)" đã cho tôi nhận ra chân dung một con người. Con người ấy vẫn lặng lẽ theo đuổi những giấc mơ phim ảnh của mình. Con người ấy biết lượng sức mình đã không còn nhiều, nên tập trung làm những phim mình thích, có thể bộ phim ấy sẽ ngốn nhiều thời gian và sức lực.

Và bây giờ, khi "Trăng nơi đáy giếng" đã và đang trong những chuyến trình chiếu khắp nơi, Nguyễn Vinh Sơn lại thầm lặng để nuôi giấc mơ phim ảnh của mình. Có 2 cuốn sách vẫn đang níu giữ ông, đó là tập truyện thiếu nhi "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" và "Tuổi hai mươi yêu dấu"

                                                                                                      Theo VNCA

Các bài mới
Các bài đã đăng