"Già" từ phong cách
Không kể các chương trình ca nhạc trên truyền hình hay trên sân khấu, sự già dặn này thể hiện khá rõ trong cuộc thi ca nhạc "Đồ rê mí". Các thí sinh nhí được ban tổ chức chăm sóc rất chu đáo như những ngôi sao chuyên nghiệp, từ trang phục, bài hát lẫn phong cách trình diễn, luyện thanh và vũ đạo chuyên nghiệp.
Trong nhiều tiết mục, các em được mặc những bộ quần áo như người lớn, cũng quần jeans, áo hai dây và đi giày thời trang, nhảy nhót điệu nghệ.
Bây giờ, trẻ em hát nhạc người lớn rất nhiều. Đơn giản bởi các em "được" nghe nhạc người lớn nhiều hơn là nhạc dành cho lứa tuổi của mình (trên sóng truyền hình, sóng phát thanh, ở tụ điểm và từ các quán càphê...). Thậm chí, cho trẻ em hát nhạc người lớn còn được xem là "độc đáo" để gây chú ý của các bầu sô và những người làm băng đĩa.
Bên cạnh đó, ca khúc mới cho trẻ em lại vừa thiếu, vừa yếu. Có thể lấy ví dụ như ca khúc "Anh Hai" với phần lời: "Anh Hai, anh Hai bắt con học hoài, cứ nhéo tai mỗi khi con làm bài sai. Mẹ ơi sao lại sanh anh Hai trước chứ không phải là sanh con?". Một nhạc sĩ đã phải thốt lên: "Phải rung chuông báo động về vấn đề sáng tác và lựa chọn bài hát cho trẻ em".
Ca khúc mới - ít và không "sâu"
Một trong những lý do khiến thị trường ca nhạc thiếu nhi thu hẹp lại là nguồn bài hát ngày một ít đi. Những bài hát như "Em mơ gặp Bác Hồ", "Chim vành khuyên", "Hạt gạo làng ta", "Bông hoa mừng cô", "Trái đất này là của chúng mình",... đều đã có tuổi thọ vài chục năm.
Còn những ca khúc mới, hay, hợp với lứa tuổi của thiếu nhi không nhiều. Có thể kể đến một số ca khúc mới như "Hè về thăm quê ngoại" (cố nhạc sĩ Từ Huy), "Em muốn làm ca sĩ" (Thanh Tùng), "Chuồn chuồn cắn rốn" (Nguyễn Ngọc Thiện)...
Hiện số nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi vốn đã hiếm, nay lại ngày càng thưa vắng dần. Số tác giả ngẫu hứng viết cho thiếu nhi thì rất khiêm tốn.
Bên cạnh đó, nhuận bút được nhận từ đài phát thanh, truyền hình hay các nhà sản xuất băng đĩa cũng rất thấp. Đã có không ít thầy - cô giáo đã cố gắng viết bài hát cho các em, nhưng do trình độ có hạn nên hầu như không có bài hay, hoặc chỉ là mô phỏng lại những bài hát cũ.
Một số nhạc sĩ viết cho trẻ em, nhưng lại không xác định được viết cho trẻ ở độ tuổi nào, nên các bài hát thường rơi vào "quãng giữa", còn tuổi mẫu giáo và vị thành niên thì lại quá ít.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, để sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, người sáng tác phải yêu, gần gũi, đồng cảm với trẻ thơ. Đừng nói giùm trẻ những lời lẽ cao siêu, vĩ đại để biến lứa tuổi này thành những "cụ non".
Khi không còn đủ những ca khúc hay cho thiếu nhi, khi những bài hát không đủ sức hấp dẫn, thì việc các em tìm đến những ca khúc người lớn, nhạc tình... cũng là điều dễ hiểu.
Theo LĐ |