Sinh ra và lớn lên tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai), vốn có máu nghệ sĩ từ bé, Đức “dạt” lên Kontum. Cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây đã hút hồn chàng trai này và níu chân anh ở lại. Đức kể: “Ở Tây nguyên, kể cả vùng đồng bằng, khó có nơi nào thiên nhiên lại hào phóng ban tặng cho một cảnh quan đẹp như phố núi Kontum. Dòng sông Đăk Bla thơ mộng chảy ngược về phía tây, chiều hoàng hôn thả mình nơi đây thì… mê luôn”. Mở một tiệm chụp hình nhỏ làm kế mưu sinh, còn bao thời gian anh đi hết từ buôn làng này đến buôn làng khác ở vùng đất Tây nguyên để sáng tác. “Cũng lắm lúc sa chân đi tuốt tận trong ngoài Bắc như
Sa Pa , Đà Lạt…” - Đức kể.
Ngay trong lần bấm máy đầu tiên vào năm 2006, tại Triển lãm ảnh khu vực miền Trung và Tây nguyên tổ chức ở Bình Định, anh có hai bức được chọn trưng bày với Hoa thép và Đôi bạn. Đức bảo: “Từ đây mình như có một làn gió mát, tăng thêm động lực vượt nắng gió Tây nguyên để đi sáng tác”. Công sức anh được đền đáp vào những năm tiếp theo, hàng loạt bức ảnh liên tiếp được trưng bày tại các triển lãm khu vực như Chuyện của cát, Đêm Hội An, Hội mùa… và mang về hai tấm huy chương bạc tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế
Macau và Hongkong.
Tác phẩm Bà và cháu (bà cụ người Ba Na, làng Kon H’ra chót, phường Thống Nhất, TP Kontum) đã vượt lên hàng ngàn nhiếp ảnh gia sừng sỏ trên thế giới để giành huy chương bạc FIAP tổ chức tại Macau và tác phẩm Khóc tại cuộc thi ảnh quốc tế Hongkong 2009. Ngoài hai huy chương bạc này, Đức còn được trao bốn bằng danh dự tại cuộc thi ảnh tại Hàn Quốc, Ý và Síp.
Đức tâm nguyện là phải làm sao để sống được với nghề: “Giá như tỉnh Kontum có một nhà trưng bày phục vụ khách du lịch, họ có nhu cầu mua thì mình bán. Mình sẽ có điều kiện để rong ruổi đi sáng tác mà không vướng bận với cơm, áo, gạo, tiền!”.
Theo TTO |