Tạp chí Sông Hương -
Ông hoàng tranh chép
16:26 | 24/06/2009
Không đủ khả năng tài chính để bám đuổi cuộc chơi tranh của các tỷ phú thế giới, Christophe Petyt lặng lẽ phục vụ niềm đam mê của mình bằng phiên bản khác của những kiệt tác hội họa
Ông hoàng tranh chép

Khi những nhà thiết kế nội thất thời thượng góp ý trong phòng nên treo một tác phẩm hội họa của Manet, Van Gogh hay Renoir… họ không có ý khuyên gia chủ bán nhà để sắm tranh mà chỉ muốn mớm cho gia chủ một địa chỉ đặc biệt. Đó là Christophe Petyt. Chàng trai lịch lãm xứ sở tháp Eiffel tóc dợn sóng có gu mặc hàng Versace này thường được thấy xuất hiện ở dãy quán cà-phê vỉa hè lãng mạn Paris . Trong tay anh bao giờ cũng có các tập catalogue hay danh sách các kiệt tác hội họa nhiều trường phái của thế giới. Chàng ta đang "hành một nghề" mà các tay làm tranh giả rất bực mình nhưng đành cố nén trong bụng: sưu tập, trao đổi và kinh doanh các tác phẩm tranh chép một cách công khai và hợp pháp.

Thứ nghệ thuật nhạy cảm

Chắc hiện nay ít có ai, cho dù là tỷ phú, dám mạnh miệng tuyên bố có thể sở hữu bất cứ bức danh họa nào mình muốn như chàng Petyt. Nếu hiểu rõ ngón nghề của “tay chơi” 41 tuổi này người ta sẽ thấy anh không đến nỗi huyênh hoang. Các “thổ công” trong giới hội họa nhái hiện nay đều xem Petyt là đại gia sưu tập và kinh doanh "tranh giả" số một hành tinh. Một khi đã nghe tiếng, dò tới đúng địa chỉ, khách chỉ cần chọn và chọn. Có khi chỉ phải bỏ ra chừng 1.000 bảng là chủ nhà đã có trong tay bức tranh sao chép mà có thể ngay cả họa sĩ của bản gốc cũng khó chỉ ra điểm khác biệt. Hai thập niên trước, Paris có một chàng sinh viên khoa kinh tế, gia cảnh chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật hội họa hay tranh ảnh, bỗng bỏ lại sau lưng các con số khô khan của chứng khoán, các biểu đồ kinh tế để lao đi sưu tập tranh giả rồi lập cả một công ty để kinh doanh mặt hàng độc này. Chuyện bẻ hướng không phải ngẫu nhiên. Sau một buổi tham dự phiên kiện tụng vụ tranh chấp tranh thật, giả để chiếm dụng gia tài của lũ con cháu một danh họa, Petyt chợt nảy ra ý tưởng lùng sục khắp nơi mua lại bằng được những bức tranh giả dính vào các vụ án tranh thật. Hên cho anh là lúc ấy các mặt hàng nghệ thuật nhạy cảm này chẳng được bao nhiêu người để ý. Cứ được xử xong là chúng nghiễm nhiên thuộc hàng thanh lý tự do với giá khá bèo. Những bức khác anh bỏ công lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm lùng mua và chỉ chi tiền ra khi đã  biết chắc chắn chúng chỉ tồn tại một bản chép duy nhất. Tất cả hàng thu gom đặc biệt ấy được Petyt sắp xếp bố trí treo tại một quán cà-phê sang trọng ở Paris do anh làm chủ. Lúc đầu chỉ là treo cho vui. Bạn bè ghé nhâm nhi cà-phê thấy thích nài nỉ để lại, anh chiều lòng. Cứ thế Petyt vừa thành nhà sưu tập vừa kinh doanh tranh lúc nào không biết.


Thú chơi trưởng giả

Chẳng tự xưng cũng chẳng được ai gọi hai tiếng “họa sĩ”, “nghệ nhân” nhưng dưới con mắt của dân trong nghề cầm cọ Petyt còn hơn một nhà sáng tác. Ôm tranh mãi, cho dù là phiên bản thứ, riết rồi anh nắm rất rõ sắc độ màu của một Rembrandt, đường cọ mộc của Smith, ánh sáng táo bạo của Dali hay các chấm huyền hoặc trong tranh Van Gogh… Dưới tay ông chủ này nay đã có đến 82 nghệ nhân chép tranh hàng đầu tuyển lọc từ 3.500 người khắp thế giới. Đại bản doanh của Petyt tại Paris giờ đây đã thành tổ hợp của cả ba thứ: nghệ thuật, kỹ thuật và tiểu thủ công nghệ. Trong từng phòng xưởng các cây cọ vẽ nhái bậc thầy sẽ truyền đạt lại đủ cái thần của từng kiệt tác. Bức vẽ hoàn chỉnh sắc màu được chuyển đến công đoạn của kỹ thuật làm cũ, tạo bụi, chăm chút các vết rạn ố và cuối cùng là khâu chế tác khung thủ công chi li tẩn mẩn… Dàn nhân lực của Petyt được lựa chọn rất khắt khe. Họ thực là những ông vua họa hình dù không mạnh trong sáng tạo. Nguồn hàng gốc toàn là những danh tác của những huyền thoại như Manet, Van Gogh, Renoir, Dali hay Picasso... mà các tác phẩm gốc trung bình đã đủ 70 năm theo đúng luật quốc tế, nghĩa là được chép lại miễn phí và hợp pháp. Tuy nhiên Petyt dư hiểu, một khi có cơ hội được sở hữu bức tranh nguyên bản để so sánh thì các bức sao chép ra lò từ ê- kíp của anh sẽ càng có hồn hơn. Anh sẵn sàng bỏ tiền ra thuê tranh “gin” từ các viện bảo tàng quốc gia hay các bộ sưu tập tư nhân với giá chóng mặt. Chúng gần như ngốn mất 1/3 vốn đầu tư. Petyt không tiếc, xem đó là "lương tâm nghề nghiệp".

Từ năm 1992, sản phẩm của "L'Art du faux" mang thương hiệu Christophe Petyt xuất hiện tại vô số cuộc triển lãm tranh chép mà địa điểm được chọn lại là những nơi xa các trung tâm hội họa truyền thống. Mỗi năm là một tên lạ trên bản đồ. Lúc thì ở Abu Dhabi, Hollywood, lúc khác lại ở St Tropez hay Aspen… toàn những nơi đủ sức “câu” khách hàng là giới sao giải trí hay các ông hoàng bà chúa xứ dầu mỏ. Trong các thương vụ bán tranh này có một lệ bất thành văn. Tên tuổi khách hàng hoàn toàn được giữ bí mật tuyệt đối. Dân giàu có ai chẳng sĩ. Họ không muốn mang tiếng xài đồ giả, dù đó là tranh! Hàng của Petyt càng ngày càng bán chạy như tôm tươi. Riết rồi anh đành phải bỏ tiêu chí đã theo đuổi từ những ngày khởi nghiệp: chỉ sao chép 1 bản duy nhất cho mỗi tác phẩm. Vì nghệ thuật chép tranh của ê-kíp Petyt đã siêu việt ở mức thượng thừa khó phân biệt bằng mắt thường nên các tỷ phú bắt đầu đua mốt mua tranh giả treo, cất kỹ tranh thật; hoặc treo lẫn giả với thật. Một nhà sưu tập Thụy Sỹ có 21 tranh gốc của Van Gogh đã đặt hàng anh vẽ 44 bức V. Gogh khác cho đủ bộ vì không thể mua được bản gốc. Thêm nữa, giới hãnh tiến mới nổi, tuy không chạy theo kịp những đại gia siêu giàu trong cuộc đua chơi bản gốc, nhưng vẫn muốn có trong nhà vài danh tác nên cũng tìm đến xưởng của anh.

Bộ sưu tập 2.500 bức tranh “giả” của Petyt từ năm 2000 đến nay vẫn trụ vững kỷ lục Guinness. Nói là tranh chép, tranh nhái nhưng trong bộ sưu tập ấy cũng có những bức đã được thân chinh đem đấu giá tại Sotheby với danh xưng công khai là bức phiên bản vẽ lại. Một vị hoàng thân Ả Rập Saudi đã phải bỏ 100.000 USD mua một bức vì bảo tàng viện Washington D.C nhất quyết không chịu bán bản gốc của Renoir mà ông quá “kết”. Tuy nhiên hành trình rong chơi sưu tập lẫn kinh doanh thú đam mê của Christophe Petyt cũng đâu phải lúc nào cũng trơn tru phẳng lặng. Anh đã từng ngồi sau ghế bị cáo vì hậu duệ của các danh họa như Claude Monet khởi kiện. Và cũng may là lần nào lớp doanh gia nghệ thuật Pháp, những người bắt đầu mê chơi tranh chép, lên tiếng ủng hộ. Họ dẫn chứng ngày xưa ngay cả các danh họa như Michel Ange, Pablo Picasso, René Magritte hay Rembrandt cũng từng chép tranh. Dẫu thế Petyt cũng thành thực nhận định, chuyện thắng kiện của mình không phải là điều đáng tự hào và kết quả ở tòa "không có ý khuyến khích những người có óc thủ đoạn hành xử thiếu trung thực".

Trong một buổi mạn đàm bên tách cà-phê trong quán vỉa hè ở Paris với các “chiến hữu” mê tranh chép, Petyt so sánh hóm hỉnh "Các cậu thấy đấy. Cô nàng Diva số một thế giới Celine Dion có sáng tác dòng nhạc nào đâu, cũng chẳng viết lời. Hát lên là lúc cô "diễn dịch" tác phẩm của người khác, thế nhưng cô vẫn là một nghệ sĩ lớn".

                                                                                                    Theo TNTT>

Các bài mới
Các bài đã đăng