Phim do Hãng phim Đài Truyền hình VN sản xuất.
Nhân vật Kim Ngọc
Đây là phim đề tài về người anh hùng thời đại: Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú, một hiện tượng gây xôn xao dư luận với chính sách khoán hộ cho nông dân thời những năm 1960 - 70. Với người dân Vĩnh Phúc, ông thân thiện, gần gũi như người bạn, hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả những khúc mắc của họ.
Không chỉ thế hệ trước nhắc đến ông kính phục và tin yêu mà thế hệ trẻ vẫn nhắc đến ông đầy tự hào. Không chỉ người dân Vĩnh Phúc mà nhiều nông dân Nam Bộ, dù không liên quan đến nghị quyết khoán của Kim Ngọc, khi ra miền Bắc đều lên thắp hương cho ông. Những dòng chữ được ghi lại ở mộ ông: "Ruộng đất cho đời, công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối". "Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian"...
Có thể nói, ông Kim Ngọc là người vừa sáng suốt, vừa dũng cảm, vừa "liều" khi đưa ra quyết định khoán hộ nông nghiệp. Con người xuất thân là bần cố nông và chỉ học hết lớp 6, nhưng lại làm những điều mà người khác không làm được... Kim Ngọc là con một thợ cày và ông cày giỏi có tiếng trong vùng; đến khi ông làm bí thư, người thư ký kiêm luôn vai trò dạy văn hóa cho ông. Học ở trường hết lớp 6, còn ông tự học đến hết đời.
Từ thực tế lên phim
Nhà văn quân đội Vân Thảo thành công trong tác phẩm "Hương đất" về đề tài "tam nông" cũng đã được dựng phim truyền hình và phát sóng. Cảm phục về những gì ông Kim Ngọc đã làm khi là Bí thư Tỉnh uỷ; được tiếp xúc với kho tư liệu của tỉnh Vĩnh Phúc, nhà văn đã bỏ nhiều tâm sức viết thành tác phẩm văn học và năm 2008 được chuyển thể thành phim "Bí thư tỉnh uỷ" để sản xuất.
Bộ phim đưa người xem trở về một giai đoạn lịch sử những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ miền Nam chống Mỹ, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh thời chiến nhiều khó khăn lại thêm cơ chế quan liêu bao cấp, nên ý thức lao động của người nông dân chủ yếu chờ vào tiếng kẻng của hợp tác xã. Năng suất lao động rất thấp, dân làm nhiều mà vẫn không đủ ăn.
Trong bối cảnh đó, ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú - đã đưa ra chủ trương khoán hộ cho nông dân, sau này được gọi là khoán 10 - theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, nâng năng suất lúa từ 2-3 tấn lên tới 4-5 tấn, thậm chí có nơi vượt cả "Chị Hai 5 tấn". Thời kỳ đó, ông được nhắc đến như một hiện tượng xã hội.
Nhưng, chỉ sau 3-4 vụ, chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương yêu cầu ngừng ngay chương trình này. Từ lãnh đạo đến người dân đều ngạc nhiên không hiểu sao chương trình làm "thay da đổi thịt" hợp tác xã lại cấm thực hiện nữa.
Lúc đó, ông Kim Ngọc phải làm kiểm điểm. Tuy nhiên, thấy lợi ích của chương trình, nên nhiều hợp tác xã vẫn tiếp tục làm dưới nhiều hình thức. Từ Vĩnh Phú đã lan ra một số tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương... với hình thức "khoán chui". 22 năm sau, dư luận lại rộ lên khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đưa ra có nhiều điểm trùng khớp với tư duy của ông Kim Ngọc trước đó: Công nhận hộ xã viên là đơn vị kinh tế độc lập. Lần này, công lao của ông Kim Ngọc được nhìn nhận và đánh giá lại.
Một trong những khó khăn mà đoàn làm phim phải đối mặt là phải dựng lại chân thực bối cảnh nông thôn những năm tháng gian nan. Bộ phim "Bí thư tỉnh uỷ" đang trong quá trình quay và khi được phát sóng, hẳn sẽ làm nhiều khán giả xem phim hôm nay vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười, khó hiểu, tại sao có những chuyện đơn giản như con trâu, cái cày, chuyện chia ruộng khoán cho nông dân mà từ xã lên huyện đến tỉnh phải họp hành, tranh cãi, thậm chí kỷ luật nhau căng thẳng đến thế. Họ khó tưởng tượng nổi sao tư duy của nhiều người bấy giờ lại ấu trĩ, ngây thơ, cứng nhắc đến vậy.
Bộ phim có thể được coi là một kênh nhìn lại lịch sử để hôm nay có được những đánh giá đúng về vấn đề "tam nông" của Chính phủ trong chiến lược phát triển kinh tế. Nhưng cao hơn, và có lẽ là điều mà những nhà làm phim muốn hướng đến, là chân dung một con người với ý nghĩa viết hoa của từ này: Một con người luôn luôn tư duy, muốn thay đổi, vượt lên mọi khuôn khổ chật hẹp của các loại nghị quyết, khuôn khổ, một con người dũng cảm, không biết sợ hãi bất cứ thế lực nào, vì tin vào mục tiêu cao cả của mình là cơm áo, ruộng vườn cho nông dân. "Bí thư tỉnh uỷ" do NSƯT Quốc Trọng đạo diễn, nhân vật Kim Ngọc do diễn viên Lê Dũng Nhi đóng.
Theo LĐ |