Tạp chí Sông Hương -
Hồi sinh dòng văn học cho tuổi mới lớn
09:30 | 12/03/2019

Nhân dịp ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi”, NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa tổ chức buổi trò chuyện văn chương cùng chủ đề với sự tham gia của các nhà văn thuộc nhiều thế hệ. Đây là dịp để các tác giả cùng nhìn lại vai trò của dòng văn học dành cho độc giả tuổi mới lớn.

Hồi sinh dòng văn học cho tuổi mới lớn
Các nhà văn tham gia buổi trò chuyện văn chương “Thiên đường không tuổi”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thời huy hoàng đã xa

Tủ sách “Thiên đường không tuổi” giới thiệu những tác phẩm văn học từng gắn bó với bạn đọc tuổi mới lớn như Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì? (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa(Nguyễn Thị Minh Ngọc). Trước đó, NXB Văn hóa - Văn nghệ cũng tái bản một loạt tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường như Mối tình như sương khói, Áo tím qua đường, Còn những bóng mưa tan…

Những tên tuổi trên đây đều là những nhà văn gắn liền với nhiều tác phẩm dành cho tuổi mới lớn cách đây khoảng 30 - 40 năm. Cùng với những tên tuổi khác như Nguyễn Thái Hải, Thùy An, Minh Quân…, họ đã tạo nên một dòng văn học cho tuổi mới lớn với nhiều dấu ấn sâu đậm. Không quá lời khi cho rằng đó là thời gian huy hoàng của dòng văn học tuổi mới lớn. Bởi cho đến nay, các tác phẩm này vẫn được độc giả nhớ đến và trân trọng. Việc ra đời, tái bản các tác phẩm của tủ sách “Thiên đường không tuổi” là một minh chứng.

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên chia sẻ: “Tôi ấn tượng về sự trong trẻo, tinh khôi, dạt dào cảm xúc nhưng cũng vô cùng ý nghĩa, đáng nhớ trong tác phẩm của các nhà văn đi trước. Tôi đọc họ từ khi còn rất nhỏ, năm tháng ấy chưa ý thức được thế nào mới được gọi là “tác phẩm đỉnh cao”, tôi chỉ nghĩ đơn giản, quyển sách mình có thể cầm lên và không muốn bỏ xuống, cứ thế đọc một mạch và bị cuốn hút không ngừng - đó chắc chắn là một cuốn sách rất hay”.

Không chỉ mang đến những tác phẩm thấm đẫm văn chương và tinh thần nhân sinh, dòng văn học tuổi mới lớn còn là cảm hứng cho những tác giả sau này. Ở vai trò là tác giả, nhà văn Tiểu Quyên cho biết, chị trưởng thành là nhờ trang viết của những người đi trước: “Điều lớn nhất tôi học được, vẫn luôn ghi nhớ là giá trị của một tác phẩm đúng nghĩa sẽ đủ sức đi dọc qua hàng thế hệ; những chi tiết đắt giá sẽ luôn ở lại trong lòng người đọc và văn chương chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm xúc thuần chất nhất trong lòng mỗi người”.

Sở dĩ dòng văn học cho tuổi mới lớn trước đây tạo được chỗ đứng không nhỏ một phần vì có nhiều sân chơi dành riêng cho những tác giả của dòng sách này. Đó chính là sự xuất hiện của những tờ báo như Tuổi Ngọc, Phượng Hồng, Nữ Sinh…; kèm theo đó là sự xuất hiện của các nhóm bút dành cho tuổi học trò như Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím), Hương Đầu Mùa (Báo Hoa Học Trò). 10 năm trước, NXB Kim Đồng từng có tủ sách “Tuổi mới lớn”, đã trở thành nơi phát hiện và nâng đỡ những cây bút văn chương ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chính từ tủ sách này, rất nhiều cây bút đã trở thành tác giả chủ lực trên văn đàn hiện nay như Dương Thụy, Nguyễn Thiên Ngân, Võ Thu Hương, Đoàn Phương Huyền, Văn Thành Lê, La Thị Ánh Hường… Đáng tiếc, về sau tủ sách này được đổi tên thành tủ sách “Văn học tuổi teen” cho phù hợp với thời đại nhưng không còn sôi nổi như trước. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có tập san Áo Trắng của NXB Trẻ là vẫn duy trì được sân chơi thuần văn chương cho tuổi mới lớn.

Chậm còn hơn không

Theo chia sẻ của nhà văn Đoàn Thạch Biền, một trong những chủ biên của tập san Áo Trắng, có sự khác biệt rõ rệt giữa thế hệ cầm bút ngày nay và trước đây. Nếu trước đây, ông và đồng nghiệp của mình viết văn như một nghề để kiếm sống, thì bây giờ đa số làm kinh tế; khi đó, việc viết văn như một thú chơi, thích thì viết không thì thôi. Đặc biệt, theo tác giả của Đâu phải cái gì cũng mong manh, thế hệ của ông gửi báo..., còn bây giờ các bạn không thích gửi báo thì đăng Facebook, Blog. Điều này thiếu đi một sự thống nhất để người ta nhìn và nhận diện rõ ràng về dòng văn học tuổi mới lớn.

“Ngoài ra, thế hệ chúng tôi và trước đó nữa, xem văn chương như một thứ tôn giáo, nếu không có tôn giáo đó thì không sống được. Cho nên phải ráng viết và người ta rất dễ dàng hy sinh đời sống khó khăn để theo đuổi văn chương. Bây giờ mấy ai được như vậy. Chính vì lẽ đó mà chúng ta không có nhiều tác phẩm hay”, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói.

“Văn chương tuổi mới lớn hiện nay đã đi theo một dòng chảy rất khác. Đó là sách tản văn tự sự, du ký, sách truyền cảm hứng, thậm chí là tự truyện của người trẻ... Thật ra, đó chính xác không phải là dòng sách văn học tuổi mới lớn. Nếu có, tôi chỉ thấy trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một số nhà văn, tác giả trẻ cũng có viết cho lứa tuổi này nhưng lại không nhiều sức lan tỏa. Văn học ghi chép thời đại, tôi nghĩ, thời đại này, những người trẻ đã cùng vẽ nên bức tranh văn chương cho chính lứa tuổi họ bằng những tác phẩm mang thiên tính cảm xúc cá nhân nhiều”, nhà văn Tiểu Quyên phát biểu. 
Còn theo nhà văn Từ Kế Tường, trước và sau năm 1975 đều có những tờ báo, ấn phẩm dành cho tuổi mới lớn. Điều đó cho thấy dòng văn học dành cho lứa tuổi này không có điểm dừng. “Nếu tủ sách “Thiên đường không tuổi” có cách quảng bá, tiếp cận tốt sẽ phát triển. Không chỉ ở thị trường hay các cửa hàng sách mà tôi nghĩ rằng, thị trường tiềm năng là ở trong các trường cấp 2, cấp 3 và đại học. Quảng bá phải đi sâu rộng như vậy. Đặc biệt, không chỉ các em học sinh mà các thầy cô, ban giám hiệu, nếu quan tâm thực sự cho văn hóa đọc, cần tổ chức những buổi giao lưu, tạo cơ hội cho các em được tiếp cận tác phẩm cũng như các nhà văn viết cho dòng văn học này. Bây giờ chúng ta mới nghĩ đến chuyện đó thì hơi chậm, nhưng tôi nghĩ thà chậm còn hơn không”, nhà văn Từ Kế Tường bày tỏ.

Tác giả của Tình yêu có màu gì? nhớ lại: “Trước đây, chúng tôi cũng thường đi giao lưu ở các trường cấp 2, cấp 3 hay các trường đại học. Mỗi một năm vào dịp Giáng sinh, Trường Đại học Đà Lạt lại tổ chức chương trình văn nghệ một đêm, mời các nhà văn lên đó nói chuyện. Chúng tôi cũng từng lên đó để giao lưu, nói chuyện với sinh viên Đà Lạt. Chương trình đã tạo ra một mối liên kết rất đặc biệt giữa nhà văn và độc giả”.

Sẽ rất khó để lấy lại ánh hào quang mà dòng văn học tuổi mới lớn đã làm được cách đây 30, 40 năm. Tuy nhiên, nói như nhà văn Từ Kế Tường, “thà chậm còn hơn không”. Việc ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi”, dù trước mắt mới dừng ở việc tái bản những tác phẩm cũ, nhưng cũng có thể xem là động thái tích cực để độc giả ngày nay có cơ hội thưởng thức những tác phẩm đã được khẳng định bởi thời gian và tài năng văn chương.

Bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ, cho biết, việc ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi” được NXB kỳ vọng tạo ra một dòng sách văn học dành cho tuổi mới lớn mà người nhỏ, người lớn, người già cũng thích đọc. Đồng thời, qua việc thực hiện tủ sách, làm “sống lại” các cây viết của một thời và ra đời những cây viết mới của hôm nay và tương lai. “NXB sẽ tiếp tục bổ sung vào tủ sách các tác phẩm của nhiều tác giả nữa, kể cả tác giả của ngày xưa và các cây viết trẻ ngày nay”, bà Phương Thảo cho biết.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng