Tạp chí Sông Hương -
Sức sống mới cho tuồng lịch sử
15:00 | 17/04/2019

Dưới bàn tay đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai và tác giả, NSƯT Hoa Hạ, kết hợp với diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, vở tuồng (hát bội) “Trung thần”, chuyển thể từ kịch bản cải lương phương Nam, đã lấy không ít nước mắt của khán giả đất Bắc. Nội dung mang đậm tính nhân văn, đề cao tình cảm vua - thần, cha - con, chồng - vợ khiến vở diễn để lại nhiều dư âm sâu lắng.

Sức sống mới cho tuồng lịch sử
Cảnh trong vở “Trung thần” - Ảnh: H. Sen

Chiều sâu tư tưởng

“Trung thần” đề cao lòng tận trung của những bậc đại thần như Tả quân Lê Văn Duyệt, Trung quân Nguyễn Văn Thành, Hữu quân Lê Chất - ba tướng tài luôn xem trọng nhiệm vụ phò tá vua. Những nỗ lực của 3 trung thần đã góp phần không nhỏ làm nên vương triều Gia Long - Nguyễn Ánh và vị vua kế nhiệm Minh Mạng. Khi giang sơn bất ổn, những trung thần chinh chiến nơi sa trường, không sợ chết, quyết một lòng vì hoàng đế mà giúp sức. Tuy nhiên, khi thế sự bình ổn, chính sự nghi kỵ tài năng của người cầm quân cùng với việc gian thần ngày đêm tìm mọi cách loại trừ những trung thần để mưu lợi, đã khiến hai vị vua có những quyết định sai lầm trong cách trọng dụng người tài. Người chết oan tức tưởi, người bị đẩy đi xa, dù cả cuộc đời họ dành để đóng góp cho đất nước…

Với thời gian luyện tập chỉ hơn một tháng, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho khán giả thấy sự say mê và tinh thần tập trung cao độ, thể hiện trong những cảnh diễn, lớp lang có sự kết hợp nhịp nhàng giữa ca kịch và vũ đạo. Vở diễn nhận được sự đồng cảm từ khán giả, trước tiên vì ý nghĩa nội dung: Trong một xã hội, một vương triều, trong khi những trung thần tận tụy hết mình vì giang sơn xã tắc, thì luôn tồn tại một thế lực đối nghịch là những gian thần, nịnh thần, chỉ coi trọng, chăm bẵm lợi ích bản thân. Sự đối chọi gay gắt giữa hai luồng quan điểm đã giúp vở diễn thêm kịch tính, nhiều cao trào, từng nhân vật thể hiện được chiều sâu tâm lý và tư tưởng.

“Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khéo léo dàn dựng, chuyển tải câu chuyện lịch sử một cách nhẹ nhàng, liền mạch, tạo đất diễn cho dàn nghệ sĩ kỳ cựu và cả các nghệ sĩ trẻ của nhà hát. Buổi công diễn nhận được những tín hiệu vui khi khán phòng không còn ghế trống, khán giả tán thưởng rầm rầm. Đây là vở diễn lịch sử hay, dễ xem, dễ cảm, có chất lượng và chiều sâu từ nội dung đến hình thức, đậm tính nghệ thuật đặc trưng của sân khấu hát bội miền Bắc”, Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc, ông Nguyễn Thế Vinh nhận xét.

Dàn dựng gần gũi, sinh động

NSƯT Hoa Hạ chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi kịch bản “Trung thần” được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai và Nhà hát Tuồng Việt Nam trân trọng dàn dựng”. Ngay từ khi chấp bút viết kịch bản “Trung thần”, NSƯT Hoa Hạ đã đặt nhiều tâm huyết. Với kịch bản cải lương ban đầu, “Trung thần” được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ anh em nghệ sĩ. NSƯT Hoa Hạ cho biết, tuy là thể loại cải lương lịch sử nhưng “Trung thần” được dàn dựng tươi mới, hợp thời đại, đạt giá trị thời sự nhất định trong xã hội ngày nay, mà vẫn giữ trọn vẹn những tinh chất của sân khấu cải lương truyền thống. “Khi vở cải lương ra mắt công chúng, năm 2015, đã tạo dấu ấn đẹp đối với lớp khán giả mộ điệu sân khấu. Từ cảm hứng đó, tôi muốn tiếp tục thể hiện chân thực câu chuyện về Tả quân Lê Văn Duyệt cho lớp diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Tuồng Việt Nam, yếu tố cốt lõi để chấn hưng loại hình nghệ thuật độc đáo này”, NSƯT Hoa Hạ cho biết.

Kịch bản “Trung thần” được NSƯT Hoa Hạ sáng tác dựa trên bối cảnh từ lúc vua Gia Long quyết định chọn Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, sau đó Tả quân Lê Văn Duyệt được cử vào làm Nam giữ chức vụ Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai. Để làm bật lên bối cảnh ấy, êkíp đã dùng thủ pháp dàn dựng với tiết tấu nhanh, tạo được không gian sinh động. Bằng những trình thức của nghệ thuật hát bội, vở diễn đã mang đến cho khán giả những xúc cảm mới, song không mất đi thể thức ước lệ, tượng trưng kinh điển của loại hình nghệ thuật này.

Đây cũng là điều đặc biệt của “Trung thần” - một vở tuồng trên đất Bắc được chuyển thể từ kịch bản cải lương phương Nam. “Chúng tôi muốn thể hiện sức sống mới cho vở diễn khi tác phẩm có sự tham gia của các diễn viên, nhạc công rất trẻ, để đem đến cho khán giả yêu thích nghệ thuật tuồng cảm nhận sâu sắc về đề tài lịch sử dưới góc nhìn của người trẻ hôm nay”, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.

“Vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Và phần đời của tả quân Lê Văn Duyệt đã được thể hiện một cách gần gũi, sinh động, mang nhiều thông điệp khiến người xem suy ngẫm. Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Từ ý đồ của tác giả, cách xử lý tình huống sáng tạo của đạo diễn, lối diễn xuất tài tình của đội ngũ nghệ sĩ đã đưa hát bội trở nên gần gũi hơn với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Đó là thành công của những người thực hiện”.
 

Êkíp sáng tạo vở hát bội “Trung thần”: Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai; tác giả: NSƯT Hoa Hạ; nhạc sĩ: NSƯT Lê Trần Vinh; biên đạo múa: NSƯT Thanh Nam; chuyển thể kịch bản tuồng: Từ Hải Thành; họa sĩ: Hoàng Phong. “Trung thần” sẽ tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 5 tới, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Theo Hương Sen - DBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng