Tạp chí Sông Hương -
Danh ca Khánh Ly: "Sợ cũng chẳng tránh được tuổi già hay cái chết, nên việc gì phải sợ!"
09:47 | 26/04/2019

Có dạo vì thấy Khánh Ly ít xuất hiện, người ta đồn bà đã qua đời, nhẹ hơn thì bà gặp vấn đề về sức khỏe không đi lại vận động được mà phải ngồi một chỗ. Bà không dùng mạng xã hội, cũng ít để ý đến truyền thông nên chỉ biết đến tin đồn khi được người thân thiết nói lại.

Danh ca Khánh Ly: "Sợ cũng chẳng tránh được tuổi già hay cái chết, nên việc gì phải sợ!"
Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ

Khánh Ly tự nhận bà đã ở tuổi gần đất xa trời, đã ở bên kia con dốc, chỉ chờ lúc đi vào…quan tài. Nữ danh ca hài hước tâm sự, thỉnh thoảng bà hay đứng trước gương và giật mình thảng thốt: “Thôi chết, mình đã gần 80 tuổi rồi cơ à?”. Rồi bà lại trộm nghĩ, có ai tránh được tuổi già hay cái chết đâu, có sợ cũng chẳng tránh được, thế nên việc gì phải sợ.

Từ suy nghĩ ấy, bà cảm thấy sống thêm một giờ cũng vui. Thậm chí bà còn chuẩn bị sẵn chuyện hậu sự cho mình sau khi nhắm mắt xuôi tay. Khánh Ly kể, bà dặn các con sau khi mình mất hãy hỏa thiêu chứ đừng chôn cất, lý do vì hỏa thiêu chỉ tốn khoảng 10.000 USD, trong khi nếu chôn cất thì còn nhiều chi phí khác vô cùng tốn kém. Vả lại, như lời nói vui của nữ danh ca nhạc Trịnh thì nếu chôn cất bà ở Mỹ (nơi bà và gia đình định cư – PV), xung quanh toàn người nước ngoài, ngộ nhỡ thác đi muốn nói chuyện với ai cũng khó vì…bất đồng ngôn ngữ.

Khánh Ly bảo, bà quan niệm sau khi mất đi, con người trở về với cát bụi. Vậy nên bà chẳng có tâm nguyện gì sau khi mất, tro cốt của bà thì để ở đâu cũng được, chôn thành một nắm đất ở ngoài vườn, mang rải trên núi hoặc rắc xuống biển là tùy ở các con.

Nhắc đến cái chết, Khánh Ly nhớ lại ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ trần. Khi ấy, bà đã đặt vé máy bay, định sẽ trở về đưa tiễn ông lần cuối nhưng sau cùng lại thôi. Suốt một thời gian dài, bà nhận được không ít lời hoài nghi và trách móc về việc không về đưa tang ông – người nhạc sĩ có mối thâm tình đặc biệt với mình không chỉ trong âm nhạc mà cả ngoài cuộc sống. Bà vốn lại chẳng phải người thích thanh minh hay giải thích. Tới giờ, khi có người gợi lại câu chuyện này, bà thẳng thắn chia sẻ, bà không về đúng là có lý do. Lý do đó như lời nữ danh ca là: “nếu sự có mặt của mình chỉ gây thêm rộn ràng trong một cuộc tiễn đưa cần đến sự trang trọng, thì thực sự không nên”.

Cụ thể, bà lường trước việc nếu mình hấp tấp chạy về, sẽ có nhiều người đến dự lễ tang vị nhạc sĩ họ Trịnh chỉ để xem mặt bà thế nào, sau mấy chục năm trông ra sao. Mà nếu cảnh đó xảy ra, bà tin rằng gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ phiền lòng về điều ấy. Về phần mình, bà luôn nghĩ những gì hào quang nhất, tinh túy nhất phải dành cho ông, không phải cho mình. Bởi suy cho cùng, bà chỉ là cái bóng nhỏ nhoi, còn ông là cây to phủ bóng khắp nơi.

ảnh 2

Khánh Ly chọn cách thể hiện tình cảm riêng khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khuất núi

Khánh Ly giãi bày, bà vẫn nghĩ con người ta yêu nhau chẳng cần phải ngồi lại với nhau suốt ngày mới là yêu, còn nhớ nhau thì chẳng cần phải nói nên lời vẫn nhớ nhau như thường. Còn theo triết lý nhà Phật, những gì mắt không thấy thì tai không đau, nên tốt nhất đừng cho bà nhìn thấy gì cả thì có lẽ sẽ bớt đi sự đau lòng từ mát mát đó. Bà biết có rất nhiều người sẽ đến đám tang để đưa tiễn ông, nên sự vắng mặt của một người không có nghĩa lý gì cả, vậy nên bà chọn đưa tiễn ông vào một thời điểm khác, chấp nhận việc mọi người có thể hiểu, thông cảm hoặc không với quyết định đó của mình.

“Ông Trịnh Công Sơn và tôi có một tình yêu thương lẫn nhau, theo nhau từ lúc tóc còn xanh cho tới khi tóc bạc, từ tuổi trẻ đến khi qua đời. Tôi được gia đình ông Sơn từ lâu rồi xem như thành viên trong gia đình. Vì tất cả những gì ông Trịnh Công Sơn làm và cho tôi nhiều hơn tất cả những gì tôi mong đợi trong cuộc sống này nên tôi không có điều gì phải đòi hỏi, thắc mắc hay than thở nữa.” – Khánh Ly trải lòng.

Nữ danh ca thổ lộ, từ rất lâu rồi bà thường hay tìm đến những nơi vắng vẻ, những người có số phận hẩm hiu để sẻ chia tiếng hát và tình cảm. Như ở Mỹ, thay vì biểu diễn ở các thành phố có đông cộng đồng người Việt sinh sống, bà vẫn tìm đến những nơi có ít người Việt sinh sống để hát cho họ nghe, có khi chỉ là vài chục gia đình. Bà nghĩ đơn giản, ở những nơi này người ta có lẽ cô đơn nên cần mình, còn những nơi đông đúc sầm uất, họ chắc có nhiều sự lựa chọn, nhiều nhạc khác để nghe.

ảnh 3

Mới đây, Khánh Ly vừa trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho chuỗi live-concert “Người về bỗng nhớ” vào tháng 5 tới, mở màn vào tối 27-4 tại thành phố Hạ Long, tiếp theo là tối 4, 5-5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và kết thúc là tối 10, 11-5 tại TP.HCM. Ở mỗi điểm dừng chân, bà đều chọn cho mình những người bạn đồng hành là các giọng ca thuộc thế hệ sau.

Trong đó, sự xuất hiện của “divo” Tùng Dương trong 2 đêm diễn tại Hà Nội được chú ý hơn cả. Không phải bởi đây là lần đầu tiên Khánh Ly song ca với Tùng Dương, mà bởi sự kết hợp này thực sự rất khó hình dung và mường tượng: một bên là “nữ hoàng chân đất” mộc mạc, giản dị từ giọng hát, trang phục đến lối diễn; một bên là anh chàng ca sĩ “divo” rất hay biến hóa và biến hóa vô cùng tài tình trong giọng hát lẫn phong cách biểu diễn, đặc biệt là trang phục lúc nào cũng cực “độc”. Có lẽ điểm chung giữa Khánh Ly và Tùng Dương chính là giọng hát chạm đến trái tim người nghe và cả tình yêu dành cho nhạc Trịnh.

Nói về sự kết hợp lạ lẫm nói trên, Khánh Ly kể, cách đây 1-2 tháng, bà có vào trang Facebook của con gái và thấy cô đăng tải ca khúc “Quê nhà” mà Tùng Dương thể hiện. Nghe xong, bà rất xúc động và bật đi bật lại nhiều lần để nghe tiếp. Từng biết Tùng Dương từ nhiều năm trước đó nhưng bà không ngờ có ngày lại bị giọng hát của nam ca sĩ “Con cò” chinh phục đến vậy.

Khánh Ly kể, bà từng hát với nhiều đồng nghiệp như: Chế Linh, Thanh Tuyền, Bằng Kiều…và hát với ai cũng không tránh khỏi việc bị “ném đá”, giống như người ta đã bày sẵn cả đống đá, chỉ chực chờ để ném. Nhưng bà không vì thế mà ngại không dám kết hợp với ai, nhất là với những người trẻ thuộc thế hệ sau như Tùng Dương. Bà hình dung đến viễn cảnh sau này nếu mình già và không thể đi hát được nữa, ngồi một chỗ và mở các cuốn băng xem lại hình ảnh mình hát với các nghệ sĩ khác, chắc lúc đó bà sẽ chảy nước mắt và bật cười vì không phải ai cũng có được may mắn ấy, như mình có.

Vừa đặt chân về tới Hà Nội, bà đã có buổi tập đầu tiên với Tùng Dương. Sau buổi tập này, bà tin Tùng Dương đã phải hạ giọng xuống nhiều để nâng mình lên. Bà mang ơn những người trẻ như vậy, đã cho bà được sống những giây phút hạnh phúc trên sân khấu để trả mọi người một món nợ mà chắc không ai thèm đòi cả - món nợ ân tình. Bà cũng gửi lời nhắn nhủ đến Tùng Dương rằng, nếu cứ hát với tinh thần và tình yêu mãnh liệt như vậy, chắc chắn anh sẽ ở trong tim khán giả lâu lắm.

ảnh 4

Tùng Dương thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho danh ca Khánh Ly bằng một nụ hôn lên má

Về phần mình, Tùng Dương bày tỏ, Khánh Ly là một trong những tượng đài âm nhạc mà anh rất ngưỡng mộ. Khi đứng trước những tượng đài ấy, anh luôn cảm thấy ở họ nguồn năng lượng tích cực. Nam ca sĩ hào hứng kể, anh từng có duyên biểu diễn chung trong một chương trình bên Mỹ cùng với danh ca Khánh Ly.

Lần đó, anh còn nhớ khi nghe mình hát xong, nữ danh ca từng chỉ tay và bảo: “sao lại có đứa hát hay thế nhỉ”. Với anh thì từ lúc đó, anh tin rằng mình đã được bà để mắt tới và vẫn mong có cơ duyên hòa giọng cùng với bà trên sân khấu. Đó cũng là lý do để Tùng Dương xuất hiện trong live-concert “Người về bỗng nhớ” lần này, cùng với danh ca Khánh Ly mang đến cho khán giả những cảm xúc trọn vẹn, đặc biệt về nhạc Trịnh và cả những bản nhạc tình của nhiều nhạc sĩ khác.

Theo Như Ý - ANTD

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng