Tạp chí Sông Hương -
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
15:43 | 06/05/2019

65 năm về trước, đã có hàng trăm nghìn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vượt núi băng đèo, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chấn động địa cầu ngày 7.5.1954.

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Ông Đỗ Bính xem lại những hình ảnh và kỷ vật tại triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ”

Chuẩn bị cho ngày hội lớn

Khi tôi ngỏ lời muốn nghe lại những câu chuyện của dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Đỗ Thị Dưỡng (sinh năm 1935) tại Yên Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, cười nói: “Ở quê tôi, cả làng, cả xã ai cũng tham gia chiến dịch, biết kể bao giờ cho hết. Vả lại, còn mấy người còn sống nữa đâu…”.

Bà Dưỡng tham gia chiến dịch năm 19 tuổi. Tiểu đội của bà thuộc Đại đội 2, còn gọi là C2, gồm khoảng hơn 300 người của 6 - 7 xã thuộc huyện Yên Lạc. Như bao thanh niên thời kỳ này, bà Dưỡng háo hức và phấn khởi vô cùng vì được chọn đi đợt đầu tiên kéo dài 6 tháng, từ 9.1953 - 3.1954. “Thời điểm đó chả cho tôi cũng đi. Tiểu đội của tôi có 15 người, trong đó tôi trẻ nhất. Mỗi người chúng tôi đi mang theo 20kg gạo và hành quân từ Vĩnh Phúc lên đến “lòng chảo” mất một tháng. Chúng tôi đi ham lắm, thường đêm đến mới di chuyển hòng tránh kẻ địch phát hiện”, bà Dưỡng nhớ lại.

Không chỉ đường ra trận mới... vui như đi hội, mà ở quê nhà cũng nhộn nhịp, khẩn trương, tất cả hướng về Điện Biên. Bà Dưỡng cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ thị cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, mỗi gia đình trong làng đều tự nguyện hiến thóc gạo và tham gia vận chuyển. Người không có điều kiện đi dân công, đi bộ đội, thì ở nhà lo tăng gia sản xuất, đảm nhiệm việc cho người ra đi.

Đến Điện Biên, đơn vị của bà Dưỡng được phân công tham gia nhóm đập lúa, giã gạo để tiếp tế cho bộ đội. Nếu so với ngày còn ở địa phương, công việc khá đơn giản, hàng ngày xay lúa giã gạo, vận chuyển đến hang Bó Mạy, xã Chiềng Bang, chờ khi có lệnh là gánh ra chiến trường. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, công việc phải hoàn thành đúng thời hạn, dân công phải nâng cao tinh thần mọi lúc mọi nơi. “Chúng tôi phân công nhau, một tổ chuyên chấp cối, các tổ khác tập trung xay, giã, cả tháng trời không lúc nào ngơi nghỉ. Vất vả nhưng chúng tôi vui lắm, nhiều đơn vị còn hò nhau cùng làm những chiếc cối to hơn để giã được nhiều gạo hơn phục vụ bộ đội chiến đấu”.

Những ngày cuối năm 1953, công tác chuẩn bị càng trở nên khẩn trương, cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt vùng núi rừng Tây Bắc, lực lượng dân công hỏa tuyến đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, như làm bè mảng, sáng tạo xe đạp thồ, sử dụng trâu bò, xe ngựa, xe cút kít, xe quệt... để đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời đến với bộ đội. “Ngày ấy không có giày dép, toàn đi chân đất, mùa rét chân người nào cũng nứt nẻ, rớm máu vì trượt trên đá. Thế nhưng, anh chị em vẫn chia nhau từng bắp ngô, đụn sắn, cố gắng không ăn vào phần lương thực của bộ đội”, bà Trần Thị Tuyết Mai, người tham gia công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ cho hay.

Tất cả phục vụ “đánh chắc tiến chắc”

Góp sức mình trong thời khắc cả dân tộc cùng ra trận khi đó, cựu chiến binh Đỗ Bính nhớ lại: “Tôi đi dân công khi mới tròn 18 tuổi, thuộc đơn vị 251, công trường 13, chuyên phục vụ hậu cần, làm đường, dưới sự chỉ đạo của bác Nguyễn Văn Trân (bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính)”.

Ông Bính kể, sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở rộng con đường 13A bắt đầu từ bến Hiên (Tuyên Quang) vượt qua bến Âu Lâu, qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi để nối với đường 41 chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, dài 120km. Đây là con đường mang ý nghĩa chiến lược đưa hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ. Đơn vị 251 là đơn vị đầu tiên kịp thời có mặt tham gia mở rộng tuyến đường này. “Gần 125.000 dân công đã được huy động. Lúc đó Pháp vẫn đang đóng ở Nà Sản chứ chưa vào Điện Biên. Để đáp ứng chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, các tuyến hậu cần lập tức được điều chỉnh biến hóa khôn lường, các tuyến đường vì thế cũng gấp rút hoàn thành để kịp cho xe qua phục vụ chiến dịch”.


Bộ đội công binh và dân công trên đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên năm 1953

Để khôi phục và mở rộng tuyến đường, các chiến sĩ phải vạch rừng, phát quang, đào đắp lại gần như toàn bộ. Giữa rừng sâu, nước độc, vừa thiếu ăn, vừa bị sốt rét, song ai cũng quyết tâm phải mở bằng được con đường cho kịp phục vụ chiến dịch. Nhiều người ốm nhưng vẫn cố lết ra đường làm cùng anh em. “Do liên tục phải lội suối, đi trong rừng, chỗ nào cũng ẩm ướt, nên da nhiều người lở loét, sốt rét rừng hành hạ. Thế nhưng chỉ qua một đêm nghỉ lấy sức, sáng hôm sau tất cả lại lội bùn, gánh đất làm đường. Khi ấy chỉ còn lại tiếng cười đùa, ca hát quên đi nỗi đau trên cơ thể”, ông Bính xúc động kể.

Sau hơn 200 ngày đêm, tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt, nối với chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc. Tháng cuối trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Tây Bắc mưa tầm tã, nhưng nhiệm vụ hậu cần, làm đường, sửa đường vẫn hoàn thành trên mọi mũi tiến công trong mọi tình huống. Lương thực được cung cấp đầy đủ, đạn dược không bị ẩm mốc. Hàng vạn ô tô, xe thồ chở hàng, vũ khí tiếp ứng kịp thời cho chiến trường. “Trong chiến hào đánh lấn, lửa đạn mịt mù, nhìn các chiến sĩ ta vẫn có cơm ăn, nước uống, chúng tôi cũng thấy ấm lòng, mong chờ và vững tin vào ngày toàn thắng không còn xa nữa”. Ông Bính cho biết thêm, những người cùng tham gia dân công hỏa tuyến với ông giờ hầu như đã khuất bóng. “Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”, thế hệ ông xem việc được góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc là một niềm vinh dự, tự hào.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng