Tạp chí Sông Hương -
Hồ Biểu Chánh - nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam
08:57 | 19/05/2019

Có thể nói, tiểu thuyết gia hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam chính là nhà văn Hồ Biểu Chánh. Với kho tàng đồ sộ 64 cuốn tiểu thuyết, ông được mệnh danh là “người kể chuyện đời” đầy lôi cuốn và có cá tính.

Hồ Biểu Chánh - nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh

Kể chuyện xứ mình bằng chữ nước mình

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh năm 1885 tại Gò Công, mất năm 1958 tại Sài Gòn. Trong đời mình, ông đã viết 64 cuốn tiểu thuyết, 23 cuốn sách nghiên cứu văn học, 13 tuồng hát, 5 tập tùy bút phê bình, 6 ký ức…

Trong tập ký ức Đời của tôi về văn nghệ (1957), Hồ Biểu Chánh đã kể về quá trình ông trở thành một nhà văn như thế nào: “Năm 1906 ra khỏi nhà trường, nhận thấy các ấn quán ở Sài Gòn mướn người dịch truyện Tàu và thơ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ đặng in mà bán.

Từ thành thị ra thôn quê, nhơn dân đua nhau mà đọc. Có vài tờ tuần báo cũng được người ta chú ý. Thầm nghĩ, người mình mà biết chuyện bên Tàu không bổ ích cho bằng biết truyện trong nước mình. Tính viết chuyện văn vắn cho đăng vào mấy tờ tuần báo để đồng bào đọc thử. Viết khó khăn hết sức, vì thiếu Nho học nên không tìm ra lời mà tả trí ý cho người ta thông cảm được. Phải học chữ Nho thôi.

Trót ba năm, nhờ vài ông bạn lớn tuổi ban đêm dạy giùm sao cho đọc được sách Tàu. Năm 1910, lựa những chuyện hay trong Tình Sử và Kim Cổ Kỳ Quandịch ra Quốc văn nhan đề “Tân soạn cổ tích” đặng tập viết cho suông. Cũng viết theo thể văn “Thượng lục hạ bát” (thơ lục bát 6/8 - chú thích của người viết) thành một chuyện dài nhan đề “U tình lục”, chuyện tình của người trong nước mình. Hai quyển này được mấy bạn hùn tiền in thử thì không ai chê.

Lúc đó cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản quyển “Hoàng Tố Oanh hàm oan” là tiểu thuyết đầu tiên trong Lục tỉnh, truyện tình tả nhân vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển này, cảm thấy viết truyện dùng văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn, bởi vậy năm 1912, đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển “Ai làm được” là quyển thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau”.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh 
 

Như vậy, Hồ Biểu Chánh đã tập viết văn từ năm 1906, bước vào nghiệp văn từ năm 1910, và động cơ chính thúc đẩy ông viết là vì muốn cho “người mình đọc chuyện xảy ra ở nước mình bằng chữ nước mình” và chọn văn xuôi vì thấy “văn xuôi dễ cảm hóa người đọc hơn văn vần”.

Hồ Biểu Chánh còn có vai trò như một tiểu thuyết gia nhà nghề tiên phong. Ông đã coi viết văn như một nghề chuyên môn và đã ở với văn chương cho đến hơi thở cuối cùng.

Người con trưởng của ông kể lại về những ngày cuối đời của ông như sau: “Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng “Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó”.

Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở”. Rất kỳ lạ, cuốn tiểu thuyết viết dở đó có nhan đề là Hy sinh. Như thể rằng nhà văn đã “hy sinh” trên trường văn nghiệp bút vậy.

Văn chương đậm đà bản sắc dân tộc

Trong số 64 tiểu thuyết, có 11 cuốn Hồ Biểu Chánh phóng tác từ các truyện của Pháp và và 1 cuốn của Nga. Học giả Hồ Hữu Tường viết về trải nghiệm đọc những phóng tác của Hồ Biểu Chánh như sau: “Tôi tìm đọc những tiểu thuyết Nhơn tình ấm lạnh, Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, v.v... trước khi biết đọc tiểu thuyết Pháp. Tôi tin đó là những tiểu thuyết mà chính Hồ Biểu Chánh đặt ra…

Đến chừng đọc được tiểu thuyết Pháp, nào là của Victor Hugo, của Balzac, của Zola, Hector Malot... thì tôi tỉnh mộng. Té ra những đề tài của Hồ Biểu Chánh chỉ là những đề tài của các tiểu thuyết gia trứ danh nước Pháp. Không phải Hồ Biểu Chánh dịch thuật mà Hồ Biểu Chánh phóng tác.

Mặc dù lúc ấy mình biết rằng những nguyên tác hay hơn những phóng tác của Hồ Biểu Chánh nhưng mà đọc những nguyên tác kia, tôi không có thú vị bằng đọc Hồ Biểu Chánh”.

“Đọc những nguyên tác không thú vị bằng đọc Hồ Biểu Chánh” có lẽ là cảm nhận chung của nhiều độc giả của Hồ Biểu Chánh. Dễ hiểu là vì, như chính Hồ Biểu Chánh cho biết: “Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn mà tôi cảm thì tôi lấy chỗ cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều, hoặc lấy đó mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam.

Tuy tôi nói phỏng theo, kỳ thiệt chỉ lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi còn lật ngược với đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn tâm lý, khác xa với truyện Pháp”. Có nghĩa là truyện của ông rất Việt Nam, thậm chí rất Nam bộ, phù hợp với tư tưởng, tình cảm của độc giả nước nhà.

Văn của Hồ Biểu Chánh đi sát với văn nói hơn là văn viết. Vô tình hay cố ý ông đã tránh được bút pháp thời thượng lúc bấy giờ là sự réo rắt, đối ngẫu, lãng mạn… của những tác gia đương thời.

Ông dùng tiếng địa phương khá nhiều, những kiểu nói đặc sắc Nam bộ. Ví dụ: Ngồi chồm hỗm, nằm không cục cựa, đầu chơm bơm, đi lầm lũi, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, ngó chừng xăn văn xéo véo, rụt rịch bên chơn, đôi mắt láo liên, lỗ tai lùng bùng… Nhưng cũng chính vì vậy mà nhà thơ Đông Hồ cho rằng, Hồ Biểu Chánh viết “không có văn”. Đông Hồ ghi: “Đọc thì cũng đọc, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông”.

Nhưng nói gì thì nói, Hồ Biểu Chánh là nhà văn có rất đông độc giả và được độc giả yêu mến gọi là “người kể chuyện đời” bởi ông đã tạo ra một thế giới nhân vật tưởng tượng y như thật trong đời sống.

Hồ Hữu Tường kể rằng, khi đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, đã nhập vào thế giới hư cấu ấy, mà ông gọi là “nhập mộng” và khi đọc xong, ông “tỉnh mộng”, tức là ra khỏi thế giới hư cấu của tiểu thuyết.

“Từ ấy, tôi mới có một quan niệm rõ rệt về tiểu thuyết. Té ra một tiểu thuyết hay là một tiểu thuyết tạo cho độc giả một cảnh mộng mà độc giả say mê đi vào cảnh mộng ấy, như vào cảnh thật vậy. Đến chừng đọc xong rồi, xếp sách nhìn lại nhan đề, mới hay là mình đã mộng. Như vậy, tôi có thể nói rằng vị giáo sư đầu tiên dạy cho tôi văn chương, dạy bản sắc của văn chương, dạy lý thuyết về văn chương, ấy là Hồ Biểu Chánh”.

Theo Đỗ An - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng