Tạp chí Sông Hương -
Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” ở Việt Nam
14:28 | 05/06/2019

Cụ Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức Nho học và Tây học danh tiếng; được xếp trong nhóm tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Những đóng góp nổi bật trong Hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ quốc ngữ cùng các hoạt động báo chí, nghiên cứu của cụ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” của nước nhà.

Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” ở Việt Nam
hính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)

Cụ Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hòe sinh ngày 5/6/1889 tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số nhà 78 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Là nhà trí thức Nho học và Tây học danh tiếng, ông được xếp trong nhóm tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Việc tham gia tích cực và vai trò nổi bật của Nguyễn Văn Tố trong Hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ quốc ngữ và các hoạt động báo chí đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” của nước nhà.

CỤ NGUYỄN VĂN TỐ VỚI HỘI TRÍ TRI

Hội Trí Tri (Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin - Bắc Kỳ Trí tri Hội) được thành lập tại Hà Nội ngày 1/4/1892. Các sáng lập viên của Hội gồm có: Nordemann (giáo viên tiểu học, sau này là Chánh Sở Học chính Trung Kỳ); Lê Đình Tĩnh, Bùi Xuân Thái, Bùi Thế Xuân (thông ngôn Toà Đốc lý Hà Nội); Nguyễn Hữu Long (thông ngôn, lục sự phủ Thống sứ Bắc Kỳ); Nguyễn Hữu Sung (cựu thư ký Nha Công chính); Trần Hữu Đức, Phạm Văn Hữu, Phạm Quang Lãng, Đặng Văn Mỹ và Bùi Xuân Phái (giáo viên tiểu học).

Hội quán đặt tại số nhà 59, phố Rue des Eventails, Hà Nội (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội). Hội do Ban trị sự gồm 1 hội trưởng, 2 hội phó; 1 thư ký - lưu trữ viên, 1 thủ quỹ, 1 phụ trách giảng dạy, 1 thủ thư, 2 uỷ viên lãnh đạo. Hội trưởng Hội Trí Tri từ khi thành lập đến năm 1946 gồm có: E.Nordemann (1892); Đặng Văn Mỹ (1893); Bùi Xuân Phái (1894-1895); Phạm Xuân Tuyết (1896); Bùi Đình Tá (1897-1905); Nguyễn Liên (1906-1911); Bùi Huy Độ (1912); Bùi Đình Thinh (1915); Bùi Đình Tá (1916-1919); Đào Văn Sử (1920); Nguyễn Quý Toản (1921-1923); Phạm Quỳnh (1924-1927); Ngô Vi Liễn (1928-1933); Nguyễn Văn Tố (1934-1946)[1]. Nhiều nhà văn hóa, khoa học đã tham gia tổ chức này như: Đặng Phúc Thông, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển,v.v..

Hội Trí Tri nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Bách khoa Paris. Thành viên Uỷ ban bảo trợ gồm nhiều quan chức trong chính phủ Pháp ở Đông Dương như Khâm sứ Lào; Công sứ - Đốc lý Hải Phòng; Giám đốc các Văn phòng phủ Thống sứ Bắc Kỳ; Giám đốc nha Học chính, Tổng Thanh tra Học chính, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện; Chánh Sở Học chính Bắc Kỳ... Các Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Paul Beau, A.Piquié, A.Sarraut, M.Long, M.Monguillot, R.Robin, A.Varenne và P.Pasquier cũng là thành viên danh dự của Hội.

Hội được thành lập nhằm mục đích nâng cao dân trí. Kinh phí hoạt động của Hội lấy từ hội phí của các hội viên, trợ cấp của chính phủ Bảo hộ và thành phố Hà Nội; từ tổ chức chiếu bóng, bán vé số và bán Tập san Trí Tri. Chương trình hoạt động của Hội gồm các nội dung chính: 1) Mở trường học và lớp dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ cho cho trẻ em và người lớn bản xứ nhằm nâng cao dân trí. 2) Tổ chức diễn thuyết và dịch ra chữ quốc ngữ các tư liệu về khoa học; dịch các tác phẩm cổ của Việt Nam và Trung Quốc sang tiếng Pháp; dịch các tác phẩm cổ điển của Pháp sang tiếng Việt và xuất bản trên Tạp chí của Hội. Hai tháng một lần, Hội tổ chức các buổi diễn thuyết về nhiều chủ đề: văn học, khoa học, địa lý, lịch sử, thể dục, vệ sinh,v.v.. Trong số các diễn giả thành công nhất của Hội, có thể nhắc đến Thượng thư Bộ Học Nam triều Thân Trọng Huề, các học giả Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh… 3) Phổ biến kiến thức khoa học thông qua việc dịch các tư liệu sơ đẳng về khoa học. 4) Xuất bản Tập san (Tạp chí) Trí Tri (Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin): đưa tin về các buổi nói chuyện và diễn thuyết; đăng các bài viết về chủ đề lịch sử, địa lý Đông Dương, văn học và khoa học. 5) Lập thư viện để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của hội viên. Tài liệu trong thư viện gồm nhật báo và tạp chí địa phương, bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ và một số ấn phẩm định kỳ của Pháp như Illustration, Annales, Lectures pour tous. Năm 1931, Hội có 1.300 cuốn sách, đến năm 1932 đã tăng lên 1.391 cuốn...

 

Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố (Nguồn ảnh: Internet)



Cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Hội Trí Tri năm 1910 và đảm nhiệm phụ trách xuất bản các số Tạp chí năm 1920 và 1921 của Hội. Đại hội đồng thường niên ngày 12/4/1928 đã bầu Nguyễn Văn Tố làm Đốc học. Từ tập 12 (7/1931-12/1932), ông làm Chủ sự Tạp chí. Từ năm 1932, ông còn phụ trách 3 mục: Tóm tắt các thuyết trình; Hỏi Đáp; Thư mục phân tích của Tạp chí.

Trên cương vị là Hội trưởng Hội Trí Tri, cụ Nguyễn Văn Tố đã bằng tâm và tài của mình, giúp Hội ngày càng mở rộng về tổ chức và các hoạt động như tổ chức các buổi diễn thuyết ở trình độ cao, xuất bản các tập san để phổ biến rộng rãi và gửi đi chi nhánh của Hội Trí Tri ở các địa phương. Đồng thời, cụ cũng tổ chức nhiều cuộc tranh luận trên báo chí, để thông qua đó truyền bá những kiến thức khoa học cho mọi người. Cụ Nguyễn Văn Tố và những hội viên của Hội Trí Tri đều hướng đến mục tiêu canh tân đất nước mà trước hết là canh tân ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ làm phương tiện để giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí...

CỤ NGUYỄN VĂN TỐ VỚI HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

Trong những năm 1936-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ, xoá nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới. Khi đó, trước vấn nạn mù chữ của dân tộc, cùng với yêu cầu thiết tha của nhân dân lao động thất học, các nhân sĩ trí thức cũng nhận thấy cần phải tiếp tục công cuộc truyền bá quốc ngữ, nên đã họp bàn để tiến đến thành lập hội chống nạn mù chữ. Các trí thức tân học tiêu biểu như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... đã mời Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Trí Tri làm Hội trưởng Hội truyền bá học chữ quốc ngữ[2], với mục tiêu dạy cho người bình dân lao động mù chữ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Được giao đảm nhiệm việc làm thủ tục, ông đã gửi đơn đến Thống sứ Bắc Kỳ xin thành lập Hội theo pháp luật hiện hành (trụ sở đặt cùng Hội đồng Trí Tri, 59 phố Hàng Đàn cũ, nay là 47 Hàng Quạt, Hà Nội).

Trong khi đơn xin lập Hội đã gửi đi, nhưng Thống sứ Bắc Kỳ - Saten còn đang điều tra chưa ký quyết định thì ngày 25/5/1938, Hội truyền bá quốc ngữ đã tổ chức diễn thuyết, cổ động cho việc truyền bá quốc ngữ với sự tham gia của hàng nghìn người: “Đúng 9 giờ, ông Nguyễn Văn Tố bước lên diễn đàn, kể qua về lịch sử chữ quốc ngữ và mục đích Hội truyền bá quốc ngữ hiện đang thành lập, cùng cảm ơn công chúng đã đến dự cuộc hội họp đông đến thế”[3]. Phải đến ngày 29/7/1938, Thống sứ Bắc Kỳ mới ký giấy công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội và ngày 9/9/1938, Hội mới khai giảng khóa học đầu tiên, song âm hưởng của Hội đã lan truyền từ ngày 25/5, khi cụ Nguyễn Văn Tố đăng đàn diễn thuyết và ngày này được coi là ngày thành lập Hội.

Là người có học thức uyên bác, sống thanh sạch, không màng danh lợi lại trung thực và khảng khái nên Nguyễn Văn Tố rất có uy tín đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức, thanh niên và cả đối với nhiều người Pháp. Ông thuộc lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước lấy con đường hoạt động văn hóa, nâng cao dân trí làm sự nghiệp của mình và nỗ lực hết mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí của đất nước. Sự ra đời và hoạt động của Hội luôn bị thực dân Pháp kiểm soát, ngăn cản và mặc dù hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã nhiều lần bị Sở Mật thám triệu tập làm khó, nhưng với lý lẽ đúng mực của ông, người Pháp đã không thể có cớ để ngăn cản hoạt động của Hội. Mặt khác, khi chính quyền thực dân ngỏ ý muốn trợ cấp, âm mưu lôi kéo Hội, ông đã bình tĩnh để vô hiệu hóa âm mưu đó; đồng thời, ông cũng uốn nắn kịp thời những hành vi quá khích của một số thanh niên rất hăng hái thành ra quá tả, dễ bị kích động để duy trì và bảo vệ được tổ chức Hội.

Quá trình phổ biến chữ quốc ngữ của Hội thực sự trở thành một phong trào sâu rộng và mạnh mẽ, để lại những tác động, ảnh hưởng to lớn đến xã hội Việt Nam. Về việc học chữ quốc ngữ, cụ Nguyễn Văn Tố khẳng định rằng: “Học không những để biết các lẽ hành động của quốc gia, biết những điều chân lý cốt yếu cho đạo xử thế, lại còn để biết mê sự đạo đức... biết đời người có những mục đích cao thượng, nên ra công cố sức mà sống cho xứng đáng. Thực thế: Có học thì mới biết những lý tưởng làm gốc cho quốc hồn: lý tưởng yêu nước, lý tưởng ham học, lý tưởng ăn ở theo đạo đức. Một nhà thông thái nước Pháp đã nói rằng: “Hễ có một cái lý tưởng cao như thế, thì bụng nghĩ việc làm như có ánh sáng vô hạn chiếu qua vào”[4].

Với bản lĩnh và sự nỗ lực của hội trưởng Nguyễn Văn Tố cùng các cộng sự đầy trách nhiệm, vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại do chính quyền thực dân Pháp gây ra, Hội truyền bá quốc ngữ đã phát triển và thành lập được 20 chi hội ở Bắc Kỳ, 11 chi hội ở Trung Kỳ và 8 chi hội ở Nam Kỳ; số giáo viên của Hội lên tới năm nghìn. Hội đã phát triển thành một phong trào rộng ở nhiều nơi trong cả nước, dẫn đến thành lập Tổng Hội: “Trong suốt thời gian ngắn chính thức sinh hoạt, kể từ năm 1939 cho đến 1944, mọi công việc đối nội và đối ngoại của Hội đều hanh thông nhờ biết phát huy tinh thần tự nguyện vì nghĩa lớn dân tộc, cho nên Hội đã sớm được nâng cấp Tổng Hội để đưa được hơn năm vạn người thất học thoát khỏi nạn mù chữ. Đó là một kỳ tích đọng lại nhiều ấn tượng sâu lắng trong lòng quần chúng đang khát khao được học tiếng mẹ đẻ, viết đúng tiếng Việt để có cơ hội tốt đọc được sách báo mở mang dân trí, nâng cao dân khí”[5].

Hội truyền bá quốc ngữ và người hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chống nạn mù chữ, vì đã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Hội đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc về truyền thống hiếu học vốn đã có trong mỗi người Việt Nam; khơi dậy truyền thống hiếu học của quần chúng nhân dân gắn liền với lòng nhiệt huyết, sự hy sinh của các nhà trí thức yêu nước. Trong suốt bảy năm lãnh đạo Hội (1938-1945), hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ phải đương đầu với không ít những khó khăn, bão táp, nhưng với vị thế và trọng trách của mình, hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã lãnh đạo Hội hoạt động đúng mục đích. Những tình huống xử lý trong quá trình lãnh đạo của người Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ đã không chỉ thể hiện sự tài tình và khéo léo của người trí thức Hà Thành mà quan trọng hơn là giúp Hội tiếp tục đứng vững và phát triển ở khắp ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, góp phần to lớn vào thắng lợi của Hội truyền bá quốc ngữ trong cả nước. Nói như luật sư Vũ Đình Hòe, thì “cụ khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, Ta, sách lược khi cương khi nhu, có lùi có tiến, nhờ vậy, Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ”[6]; phát triển rộng khắp từ thành thị đến những làng quê hẻo lánh, từ miền Bắc lan rộng vào miền Trung, miền Nam đến Lào và Cămpuchia, tạo nên một phong trào truyền bá quốc ngữ có ảnh hưởng khắp cả nước, tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo


Việc truyền bá học chữ quốc ngữ được xem như một nền tảng vững chắc giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu. Đó là một mốc son về văn hóa - giáo dục của nước nhà. Trong mốc son ấy, nhân dân ta không quên công lao của người thuyền trưởng truyền bá quốc ngữ Nguyễn Văn Tố. Hội truyền bá quốc ngữ không chỉ giúp đỡ nhân dân lao động nghèo khổ thoát khỏi cảnh tối tăm mù chữ, mà còn đóng góp to lớn vào việc bãi bỏ những hủ tục lạc hậu của xã hội Việt Nam; đồng thời, để lại cơ sở, phương pháp và con người cho phong trào Bình dân học vụ sau ngày cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tiếp tục sự nghiệp “nâng cao dân trí”. Bên cạnh đó, với tư cách là một tổ chức hoạt động hợp pháp, nhiều hội viên, giáo viên của Hội đã nhanh chóng tham gia vào phong trào cách mạng, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và đóng góp vào sự thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức cho dân tộc. Từ đây, chữ quốc ngữ giữ địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam với vai trò gìn giữ, xây dựng và quảng bá nền văn hoá, văn minh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chỉ sáu ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 19/SL thành lập Nha bình dân học vụ, để “trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối”, nhằm mục đích xoá nạn mù chữ cho nhân dân lao động. Khi đó, với trọng trách của mình, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta một mặt kiên cường đấu tranh, bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ vừa giành được; mặt khác, từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt giặc dốt (một trong ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang đe doạ sự tồn vong của nước Việt Nam độc lập).

PHÁC THẢO HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ VÀ NGHIÊN CỨU CỦA CỤ NGUYỄN VĂN TỐ

Cùng với những hoạt động trong Hội Trí Tri và Hội truyền bá quốc ngữ, những tác phẩm báo chí của cụ Nguyễn Văn Tố cũng góp phần quan trọng vào việc truyền bá, phổ biến kiến thức bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, hướng đến mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí. Công trình trước tác của ông (vừa chữ Quốc ngữ và chữ Pháp) rất có giá trị, phần lớn in trên các tạp chí và báo…

Trên Tạp chí Nam phong, các bài viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Tố như: “Vấn đề về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc” (1930); “Đạo đức Việt và đạo đức phương Tây” (1930); “Về vấn đề lịch sử và khảo cổ Việt - Chăm, đạo đức và tôn giáo”(1934). Trên Đông Thanh Tạp chí, có các bài viết của ông như: “Mỹ thuật nước nhà” (1932); “Tiếng ta gốc tự tiếng nào” (1932); “Di tích thành Đại La” (1932); “Một đoạn Nam sử rất vẻ vang” (1932, 1933), “Một bộ sách giáo khao mới khảo về nho gióa” (1933); “Những điều luật nên sửa lại” (1933)… Trên Tạp chí Tri Tân, trong 4 năm (1941-1945) đã đăng 114 bài của Nguyễn Văn Tố, trong đó có nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa như: “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ”, “Bia Văn Miếu: Những ông nghè triều Lê” đăng tải ở nhiều số (1941-1945); “Đại Nam dật sử” đăng các số (1943-1945); “Việt Nam văn hóa sử” (1944-1945); “Những chuyện vẻ vang trong sử Đại Việt” (1945); “Truyền bá quốc ngữ với nạn chống thất học” (1945),v.v.. Trên Tuần báo Đông Dương, Nguyễn Văn Tố đã viết các bài bằng tiếng Pháp như: “Cha cố Alechxandre de Rhodes và việc phiên âm ra chữ quốc ngữ”(1941); “Nước Việt cổ trước văn hóa Pháp”(1942); “Hội Trí Tri Bắc Kỳ” (1942),v.v.. Báo Thanh Nghị cũng có nhiều bài viết của Nguyễn Văn Tố như: “Thanh niên đối với lễ giáo” (1942); “Thanh niên đối với sự học” (1942); “Thanh niên đối với cần lao” (1943); “Thanh niên đối với việc làng” (1943); “Thanh niên đối với âm nhạc” (1943); “Nền giáo dục bình dân” (1945)…

Bên cạnh đó, với vốn kiến thức uyên thâm, Nguyễn Văn Tố đã nghiên cứu nhiều chủ đề, đề tài như: “Thời tiền sử ở Bắc Kỳ” (1933); “Những bài thơ chưa in đời Lê”, “Nguồn gốc các mái cong” (1934); Ngôi chùa An Nam (1941); “Tôn giáo nước Nam” (1943); “Vết tích thành Đại La” (1943); “Lịch sử Hồ Tây” (1944); “Gốc tích thành Huế’ (1944); “Đồ thờ của ta” (1944); “Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa” (1945); “Phép quân điền của nước ta” (1945), v.v.. Ông cũng đi sâu khảo sát đặc điểm các vùng văn hóa như: “Văn hóa phương Đông” (1932), “Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam” (1933); “Văn hóa Đông Dương” (1943); “Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây” (1944) và các tác phẩm của Lê Thánh Tông (1442-1497); Trịnh Căn (1633-1709); Lê Quý Đôn (1726-1784); Nguyễn Khuyến (1835-1909)… và dịch thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn minh, văn hóa Tây Á - Cận Đông, Angkor, Hy Lạp, Trung Hoa... Đây là những công trình giữ vai trò đi tiên phong trong sưu tập, dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu, thư tịch, văn bản Hán Nôm, góp phần chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sự ra đời các bộ văn học sử và công trình nghiên cứu chuyên sâu. Những công trình nghiên cứu liên ngành và bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của Nguyễn Văn Tố đã gây được tiếng vang lớn; không chỉ khẳng định tầm uyên bác của một tri thức danh tiếng, tinh thần nghiêm túc của một nhà sử học mà còn thể hiện rõ tấm lòng của một nhân sĩ yêu nước.

Thời gian đã lùi xa, khảo dựng lại những nét chấm phá về vai trò và hoạt động của cụ Nguyễn Văn Tố trong những năm từ 1930-1945, cũng là để thấy rằng: Dù là nhà báo, nhà khoa học chuyên khảo sát, nghiên cứu, dịch thuật về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian,v.v.. hay hoạt động ở Hội Trí Tri, Hội truyền bá quốc ngữ với vai trò “thuyền trưởng” thì cũng vẫn là ông - một nhân sĩ, trí thức yêu nước đầy bản lĩnh. Ông đọc rất nhiều và say mê viết, khảo cứu, nghiên cứu, xuất bản những “đứa con tinh thần” của mình cũng không ngoài mục đích truyền bá tri thức lịch sử, văn hóa, khoa học của Việt Nam và thế giới đến với quần chúng nhân dân, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, khai dân trí, chấn dân khí cho đồng bào mình. Cụ là tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách đạo đức sáng ngời.

Tại Kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946), Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đã bầu Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Trên cương vị mới, cụ đã góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp 6/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946, tạm thời hoà hoãn với thực dân Pháp để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thêm khoảng thời gian hòa bình chuẩn bị tinh thần và lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Cụ cũng đóng góp vào việc xây dựng Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 

 

Theo:  TS. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương

______________________________________________________

 

[1]Năm 1938, khi Hội Truyền bá chữ quốc ngữ thành lập, cụ Nguyễn Văn Tố cũng được bầu làm Hội trưởng

[2] Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.214

[3] Báo Trung Bắc Tân Văn, số ra ngày 28/5/1938

[4] Nguyễn Văn Tố: Thanh niên với sự học, Tạp chí Thanh Nghị, số 14 (1942), tr.14-15

[5] Văn hóa nguyệt san, Bộ mới số 2, tháng 5/1955, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, tr.165

[6] Vũ Đình Hòe: “Nguyễn Văn Tố - Vị Hội trưởng của dan trí”, Tạp chí Xưa & Nay, số 333, tháng 6/2009

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng