Tạp chí Sông Hương -
Sách ở gần, dân mới đọc
09:48 | 12/06/2019

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhu cầu độc giả ngày càng cao và đa dạng, chức năng của thư viện cũng thay đổi. Không chỉ là kho tri thức liên tục cập nhật những đầu sách mới và hay, thư viện giờ đây còn phải là không gian văn hóa, sáng tạo, gần gũi, thuận tiện cho người đọc có thể tiếp cận bất cứ lúc nào.

Sách ở gần, dân mới đọc
Sách càng gần người đọc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu - Ảnh: Thư viện Dương Liễu

“Chỉ thiếu sách hay”

“Cốt lõi của thư viện là sách. Nếu sách không được cập nhật thường xuyên và có những đầu sách thời sự, hấp dẫn, thì thư viện sẽ không thu hút được người đọc” - một tình nguyện viên của Thư viện tư nhân Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ. Điều tưởng chừng đơn giản này nhưng hiện nay nhiều thư viện không thể đáp ứng, nhất là thư viện cấp huyện, xã.

Thư viện UBND xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đặt tại Phòng Văn hóa - Truyền thống xã, mở cửa vào thứ 7 hàng tuần, thu hút khá đông người đọc, kể cả học sinh, mặc dù có thư viện trường học gần đó. Hiện thư viện có vài nghìn cuốn sách thuộc nhiều thể loại, do xã phát động con em xa quê hương đóng góp. Trông coi thư viện là ông Phạm Đức Thành (hơn 80 tuổi), một cán bộ hưu trí, không có nghiệp vụ thư viện nhưng “may mắn được cán bộ thư viện tỉnh, thư viện huyện giúp đỡ, hướng dẫn cách phân loại, sắp xếp và quản lý sách”. Ông Thành khẳng định: “Sách không thiếu, chỉ thiếu sách hay”.

Hiện hệ thống thư viện cấp xã (gần 3.000 thư viện) hầu như chưa được quan tâm đầu tư kinh phí từ bất kỳ nguồn nào, do thiếu cơ chế. Sách chủ yếu từ hai nguồn: Vận động quyên góp và sách luân chuyển từ thư viện huyện/tỉnh, nên có sách đã là tốt, khó đòi hỏi sách mới và hay. Đại diện Thư viện huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết, mỗi năm Thư viện huyện được ngân sách cấp 20 triệu đồng, trong đó chi 13 triệu đồng đặt mua 20 đầu báo/tạp chí, chỉ còn 7 triệu đồng để mua sách, nếu tổ chức các hoạt động thì âm. May là có 200 bản sách Thư viện tỉnh luân chuyển, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Đại diện Thư viện huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) phân tích, nếu lấy tổng số sách, báo chia cho số dân trong huyện, mỗi người dân chỉ có 0,07 cuốn sách trong hệ thống thư viện công cộng, đạt 1/10 chỉ tiêu phấn đấu!


Hơn thế, số lượng sách luân chuyển ít ỏi đó nội dung cũng không phong phú, đa dạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Đặng Văn Tính nhận xét, “sách có tính thời sự không cao, trong khi sách quý thì cũng chọn người mới cho mượn”. Có tình trạng, sách luân chuyển được giữ “nguyên đai nguyên kiện” từ khi nhận đến khi trả, hoặc không dám cho mượn vì… sợ bị mất hoặc rách sách, hoặc nội dung người dân không quan tâm.

Sách càng gần người đọc càng tốt

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa từng băn khoăn: Người đọc gắn với cơ sở, có nên duy trì thư viện cấp huyện không, hay tập trung đầu tư cho thư viện cộng đồng? Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp khi khảo sát thực tế hoạt động thư viện tại một số địa phương. Riêng mô hình tổ chức không thống nhất đã cho thấy bất cập của hệ thống thư viện cấp huyện hiện nay. Nơi thì thư viện huyện trực thuộc UBND cùng cấp, nơi thì trực thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin, nơi lại do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện quản lý. Chính mô hình tổ chức mỗi nơi một kiểu này dẫn đến thực tế, thư viện huyện trực thuộc UBND cùng cấp thường được cấp kinh phí nhiều hơn, cá biệt một số thư viện cấp huyện có mức kinh phí tương đương một số thư viện cấp tỉnh (1 - 2 tỷ đồng/năm), nhưng cũng còn tới hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hàng năm để bổ sung sách, báo và tổ chức hoạt động.

Tất nhiên, đầu tư thế nào thì hoạt động thế ấy. Như Thư viện huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) hiện trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, ngoài thực hiện chức năng lưu trữ, quản lý và luân chuyển sách, không có không gian để tổ chức phục vụ bạn đọc. Hay Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa chỉ ra rằng, có nơi thư viện cấp huyện được đặt trong một ngõ sâu, hẹp, trụ sở xuống cấp, như thế ai vào đọc?

Nhìn nhận thẳng thắn, hoạt động của nhiều thư viện cấp huyện hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, từ cơ sở vật chất đến vốn tài liệu. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Phạm Văn Tuân chia sẻ: “Tôi làm việc ở cấp huyện 4 năm nhưng chưa bao giờ mượn sách thư viện huyện”; và đề nghị xem xét lại mô hình thư viện cấp huyện. “Nên duy trì thư viện trường học và thư viện cấp xã (tích hợp các tủ sách hiện có), người dân đến đọc nhiều, hiệu quả hơn”.

Trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Thư viện, nhiều ý kiến thẳng thắn đề nghị bỏ thư viện cấp huyện. Bởi ngay ở cấp xã, nếu đất rộng người đông, dân cũng không thể lên nhà văn hóa xã đọc sách, càng không thể lên thư viện huyện. Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Xương cho rằng, mô hình văn hóa đọc hiện nay đưa về thôn, tổ dân phố là phù hợp nhất, thành lập các câu lạc bộ văn hóa đọc, nguồn sách xã hội hóa hoàn toàn. Kiến Xương đang đề xuất làm điểm hai nhà văn hóa thôn thành lập thư viện, mỗi thư viện có khoảng 200 đầu sách.

Trong bối cảnh văn hóa đọc đang bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn, việc sách càng gần người đọc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Điều này đã được minh chứng qua các tủ sách phụ huynh trong chương trình Sách hóa nông thôn mà Thái Bình là nơi khởi phát và đang lan rộng ra cả nước. Tủ sách do phụ huynh đóng góp, được đặt ngay tại lớp học, do học sinh quản lý, giúp các em hàng ngày tới trường thấy sách và được đọc sách. Nhờ đó, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển sâu rộng.

Theo Nhật Linh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng