Gắn bó với người Việt hàng nghìn năm nay, giấy dó từ một chất liệu của tri thức đã bước vào lĩnh vực tạo hình, trở thành chất liệu của văn hóa. Tuy nhiên, trong đời sống ngày nay, phải có sự cải tiến để giấy dó phục vụ tốt hơn nhu cầu của con người hiện đại.
Thăng trầm giấy dó
“Nhịp chày Yên Thái” đã đi vào ca dao, cùng tên những địa danh, làng cổ liên quan đến nghề giấy của Hà Nội cho thấy phần nào sự phát triển của sản xuất giấy dó xưa. Theo ghi chép sử trong và ngoài nước, từ thế kỷ III, nước ta đã có nghề làm giấy, từ thời Lý có làng Dịch Vọng chuyên nghề làm giấy, sau đó, sản xuất giấy dó được mở rộng và sản phẩm làm ra ngày càng đạt đến độ tinh tế, cầu kỳ. Nhưng hiện nay có nhiều loại giấy thay thế nên giấy dó ít được sử dụng trong đời sống, sản xuất bị thu gọn, mai một. Giấy sắc phong có giá trị và được người Nhật đánh giá cao, có độ bền dai nhất thế giới, lưu trữ được 600 - 700 năm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của nước ta, nhưng thông tin về giấy này nhiều người không biết và cũng không còn được sản xuất. Các loại giấy dó khác trong tình trạng tương tự.
Ông Lại Phú Thạch, đại diện dòng họ Lại, Nghĩa Đô có nghề làm giấy sắc phong, cho biết, sản phẩm đã ngừng sản xuất từ năm 1944. Kỹ thuật làm giấy vẫn được lưu giữ, nhưng trước kia cả dòng họ làm giấy, giờ chỉ còn mình ông, và có sản xuất ra cũng không bán được. Còn theo ông Nguyễn Phương Khánh, đại diện Ban quản lý Di tích Lịch sử Đông Xã, Phường Bưởi, cho biết, ngày xưa, nghề giấy có từ Hạ Yên Quyết, đến làng Hồ Khẩu, rồi Đông Xã, Yên Thái, Nghĩa Đô... Từ một vùng làm giấy phát triển cung cấp cho các vùng khác từ miền Bắc đến miền Trung, đến những năm 1980, nghề mai một rồi gần như mất hẳn, bởi không có thị trường.
May thay, hiện nay, nhiều họa sĩ sáng tác trên mặt giấy dó, nhờ đó loại giấy truyền thống này tiếp tục được sản xuất, sau thời gian tưởng chừng như mất hẳn. “Hơn 20 năm trước, tôi muốn tìm giấy tốt để vẽ tranh dân gian, tranh thờ, tranh treo Tết, nhưng nghề giấy dó chẳng có ai làm, chỉ còn giấy bản. Những năm sau đó, chất liệu này được ứng dụng nhiều trong hội họa, rất may các cơ sở làm giấy dó mới seo được các loại giấy khổ lớn phục vụ họa sĩ, từ đó tôi quay lại dùng giấy dó để vẽ tranh. Những năm gần đây, khách đến đặt vẽ tranh đều hỏi là làm trên giấy gì, tôi tự hào nói là làm trên giấy dó” - nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên chia sẻ. Từng dùng nhiều loại giấy khác nhau, ông Nghiên thấy rằng, dó có nhiều ưu điểm hơn. Thời điểm không có giấy dó, ông vẽ tranh trên giấy in báo, nhưng khi mang ra nước ngoài, khí hậu châu Âu và Mỹ khô hanh, tranh treo bị “cong như bánh đa”, khác hẳn tranh vẽ trên dó.
Tăng giá trị để giữ nghề giấy
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, đã đến lúc, ngành giấy dó cần có sự vào cuộc của nhà khoa học, người làm nghệ thuật. Người làm nghệ thuật tạo ra nhu cầu, khôi phục sản xuất giấy dó; nhà khoa học nghiên cứu tạo ra công nghệ sản xuất hiện đại để dó chinh phục nhiều người. Trước đây ngoài vẽ tranh dân gian, các cụ còn làm đèn từ giấy dó, vẽ trên giấy dó rồi ép trên kính, đồ chơi... Hiện nay việc sử dụng dó hạn chế hơn, chủ yếu vẽ và viết. Giấy dó cũng không đa dạng, chất lượng giảm dù kỹ thuật như xưa, đó là điều cần suy nghĩ! |
Tồn tại cùng chiều dài lịch sử dân tộc, giấy dó là “chất liệu tri thức” - nơi lưu trữ những ghi chép, tài liệu in ấn, rồi tranh dân gian, tạo nên những đèn lồng nhiều màu sắc... Khả năng của giấy dó vẫn đang tiếp tục được khai phá. Trong hội họa, trước đó giấy dó chỉ được coi như một chất liệu chuyển tiếp, dùng để ký họa, ghi chép tài liệu, thì nay được coi là chất liệu của sáng tạo, để bề mặt giấy trở thành bức tranh, mang lại hiệu ứng thị giác. Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: Giấy dó đầy đủ và có nhiều tố chất mà các loại giấy khác không có. Nó là chất liệu mà về giá trị thẩm mỹ và ứng dụng trong nghệ thuật thuận lợi, được nhiều họa sĩ ưa thích. Khách hàng cũng thích tranh giấy dó, phóng túng, dung dị, mộc mạc hơn tranh lụa. Mỹ thuật ứng dụng bằng chất liệu giấy dó hiện nay tương đối phổ biến.
Từng vẽ sơn mài, lụa, màu nước... và có duyên với giấy dó, họa sĩ Lý Trực Sơn, một trong những họa sĩ đầu tiên sáng tác trên giấy dó như một chất liệu nghệ thuật và có triển lãm giấy dó đầu tiên vào những năm 1980 cho rằng, giấy dó có nhiều tính năng để làm hội họa, nhưng chúng ta chưa khai thác hết, như có của quý trong nhà mà chưa biết cách sử dụng. “Khi vẽ trên giấy thì không có độ thấm màu như trên dó, từ đó tôi tìm ra kỹ thuật để đi theo hướng đó. Khả năng tự nhiên của chất liệu đã gợi ý cho nghệ sĩ cách làm”.
Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, nếu quảng bá rộng rãi để có thêm nhiều họa sĩ, không chỉ ở Việt Nam, mà cả các nước khác cũng thích vẽ giấy dó, thì sẽ có thêm nguồn tiêu thụ và phát triển nghề giấy truyền thống. Nghệ thuật phát triển, làng nghề có thể tồn tại. Mặt khác, cần có sự tương tác với làng nghề, có sự tham gia của các nhà khoa học. Cách làm dó cắt bớt công đoạn để giảm giá thành như hiện nay gây thiệt hại cho làng nghề. Cần cải tiến quy trình để tốn ít nguyên liệu, bảo vệ môi trường nhưng giấy dó có giá trị cao, được nhiều người ưa thích và ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống đương đại.