Sáng 18/6, Tại Hà Tĩnh, Liên hiệp các Hội VHNT Hà Tĩnh – Tạp chí Hồng Lĩnh đã tổ chức Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc Miền Trung với đề tài biển đảo. Tạp chí Sông Hương cùng đại diện các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật các tỉnh trong khu vực và Ban Biên tập các tạp chí: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt tham dự.
Biển đảo là một đề tài vừa cũ lại vừa rất mới, quan trọng đối với Văn học nghệ thuật nói chung, báo chí nói riêng, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, dải đất nằm ven biển, là cửa ngõ hướng ra biển Đông. Tác phẩm VHNT về đề tài biển đảo của khu vực Bắc trung Bộ khá phong phú và đã có nhiều thành công với những tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Ngọc Phú…
Trong thời gian qua, các Hội VHNT, Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung, cùng các văn nghệ sỹ đã dành nhiều tâm huyết cho đề tài biển đảo với nhiều hoạt động sáng tác như đi thực tế, mở trại viết, tổ chức cuộc thi, xuất bản, trưng bày, triển lãm… Tuy nhiên, vấn đề nâng cao số lượng, chất lượng sáng tác và làm sao để có thêm nhiều hình thức quảng bá rộng rãi các tác phẩm về đề tài này vẫn đang là vấn đề mà các Hội VHNT và các Tạp chí văn nghệ các tỉnh cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Nhà văn Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh phát biểu |
Hội thảo đã có nhiều tham luận bám sát chủ đề biển đảo với những góc độ tiếp cận phong phú cũng như những gợi ý, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá về đề tài biển đảo… Các tham luận đã cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau và nêu ra những nhận định đánh giá khách quan và cụ thể về bức tranh chung của VHNT khu vực Bắc Trung Bộ trong việc phản ánh một đề tài lớn.
Tại Hội thảo, Nhà văn Nhụy Nguyên, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sông Hương với tham luận “Biển - miền thẳm sâu của nghệ thuật” khẳng định Biển luôn là đối tượng vô bờ của nghệ thuật. Nhà văn cho rằng: tạp chí Sông Hương, không gian của nhiều tác giả đã thể hiện khát khao bơi ra biển văn chương, bơi giữa biển nghiệp thức của mình để nhận ra một điều gì đó thẳm sâu và đôi khi rợn ngợp.
Nhà văn Nhụy Nguyên, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sông Hương phát biểu tham luận |
Tác giả Hoàng Công Danh, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Cửa Việt với tham luận “Biển đảo, từ tâm thế của một tờ báo đến tâm thế sáng tạo” có cái nhìn đầy đủ và khái quát về sáng tác của các văn nghệ sĩ Quảng Trị cũng như Tạp chí Cửa Việt về vấn đề sáng tác và đăng tải tác phẩm đề tài biển đảo. Tác giả cũng đã chỉ ra những hạn chế trong mặt bằng chung của các tác phẩm viết về biển đảo, chưa có những tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ mới, hiện đại, huyền ảo.
Nhà văn Hoàng Công Danh, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Cửa Việt với tham luận “Biển đảo, từ tâm thế của một tờ báo đến tâm thế sáng tạo” |
Với tham luận “Sứ mệnh của nhà thơ với trái tim biển đảo”, tác giả Hoàng Thụy Anh, Biên tập viên Tạp chí Nhật Lệ, Quảng Bình cho rằng “Biển, đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam. Tình yêu biển đảo ngấm ngầm chảy trong thơ Bắc miền Trung trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là chất liệu hiện thực mà bất kì người nghệ sĩ nào cũng ít nhất một lần sử dụng. Và hiện thực biển, đảo ngày nay đang trở thành “môi trường đào luyện tài năng” của người nghệ sĩ.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hướng - Phó Chủ tịch, Trưởng ban Nhiếp ảnh của Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh với tham luận “ Biển đảo, từ góc nhìn nhiếp ảnh” khẳng định biển Hà Tĩnh chính là một hiện thực vô cùng sinh động - nguồn cảm hứng để các nhà Nhiếp ảnh Hà Tĩnh có thêm nhiều thành công trong sáng tạo nghệ thuật.
Nhà văn Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh hi vọng sau hội thảo, mọi người sẽ có được cái nhìn toàn diện hơn về thành công cũng như hạn chế, yếu kém, từ đó có định hướng cụ thể hơn nhằm nâng cao chất lượng sáng tác cũng như quảng bá, phổ biến tác phẩm về đề tài biển đảo, để văn học nghệ thuật không chỉ đạt được mục đích tuyên truyền nhiệm vụ chính trị mà còn tiếp tục được nâng lên về chất lượng nội dung nghệ thuật, phản ánh được chiều sâu đời sống biển, tâm thức biển của một cộng đồng cư dân.
Phương Anh