Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), vào chiều ngày 18/6, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, Trưởng các Văn phòng đại diện và các phóng viên thường trú, phóng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 05 cơ quan báo chí địa phương, 02 cơ quan báo chí Trung ương, 09 Văn phòng đại diện và 19 phóng viên thường trú, 03 phóng viên thường trú khu vực Bắc Trung Bộ, 01 phóng viên thường trú khu vực miền Trung – Tây Nguyên có đăng ký hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 20 phóng viên, cộng tác viên có đăng ký hoạt động bằng văn bản.
Báo chí tỉnh nhà cùng với các cơ quan thường trú các báo, đài Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc, góp phần làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, làm cho môi trường xã hội lành mạnh hơn, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hấp dẫn hơn.
Ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về đội ngũ báo chí Thừa Thiên Huế: “Cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, diện mạo, số lượng, chất lượng, các ấn phẩm báo chí của Thừa Thiên Huế ngày càng được cải thiện và có tính chuyên nghiệp cao. Các nội dung có tính thời sự, trọng tâm, hoạt động chỉ đạo, điều hành của tỉnh cũng như của các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã được thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm báo”.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng chỉ những hạn chế nhất định của ra báo chí Thừa Thiên Huế như: Hình thức thông tin, tuyên truyền chưa thật phong phú, chưa thu hút được nhiều bạn đọc; công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi chưa sâu và chưa kịp thời; một số sự kiện, nhiệm vụ, chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh còn thiếu thông tin trên diện rộng, chưa tập trung đồng bộ, nêu bật cụ thể những mặt tích cực, tiêu biểu; công tác giao tiếp, cung cấp và phản hồi thông tin báo chí có nơi chưa thực hiện chủ động kịp thời và hiệu quả....
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng hiện nay, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh với các cơ quan báo chí, phóng viên ngày càng gắn kết hơn. Báo chí thực sự là kênh thông tin quan trọng cho chính quyền và lãnh đạo tỉnh trong việc truyền tải các thông điệp, chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội cũng như phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với chính quyền. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức giải báo chí năm 2020 mang tầm khu vực và quốc gia để chọn ra được những tác phẩm báo chí chất lượng cao trước yêu cầu đổi mới và hội nhập.
Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh là nhân tố tích cực trong việc việc quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất và con người Thừa Thiên Huế, là lực lượng lực lượng tiên phong, đi đầu, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tuyên truyền, vận động để thu hút đầu tư cho tỉnh nhà nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
TRƯỜNG GIANG