Văn học Nhật Bản đang để lại dấu ấn sâu đậm và mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh dòng văn học kinh điển gắn liền với những tác giả có ảnh hưởng trên thế giới, thị trường xuất bản trong nước còn chứng kiến cuộc “đổ bộ” của những tác giả đương đại với số lượng tác phẩm không hề nhỏ.
Muôn màu muôn vẻ
Ở Việt Nam, bạn đọc từng biết đến Akutagawa Ryunosuke qua một số ấn phẩm như Hạc chiều (tập truyện ngắn in chung cùng Kinoshitan Junji và Dazai Osamu, NXB Văn học 1999), Tuyển tập truyện ngắn Akutagawa (NXB Hội Nhà văn 2000), Trinh tiết (NXB Văn học 2006), Trong rừng trúc (NXB Hội Nhà văn 1989). Mới đây, Công ty sách DTBooks vừa giới thiệu tuyển tập truyện ngắn của ông với tên gọi Cuộc đời một kẻ ngốc, gồm 9 truyện tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông.
Theo chia sẻ của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, 3 nhà văn lớn của Nhật Bản đến với độc giả Việt Nam đầu tiên là: Aukutagawa, Yasunari Kawabata (được dịch khi ông vừa đoạt giải Nobel) và Mishima Yukio. Trong đó, Akutagawa là người đến sớm nhất, khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20. Ngoài văn học, công chúng Việt Nam còn được tiếp cận tác phẩm của ông qua bộ phim Lã Sanh Môn (Rashomon) của đạo diễn lừng danh Akira Kurosawa và qua vở cải lương Sầu lên ngọn cờ, công diễn tại rạp Kim Chung.
Cách đây 8 năm, Phương Nam Book từng ra mắt tủ sách “Tinh hoa văn học” giới thiệu các tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, nhiều trong đó là những tác phẩm văn học đến từ Nhật Bản như: Gối đầu lên cỏ và Nỗi lòng (Natsume Soseki), Người đẹp ngủ mê(Yasunari Kawabata), Đèn không hắt bóng (Watanabe Dzunichi), Một mùa thơ dại(Higuchi Ichiyo), Nữ sinh, Thất lạc cõi người và Tà dương (Dazai Osamu). Đặc biệt, Thất lạc cõi người và Nữ sinh được tái bản nhiều lần.
Tiếp nối dòng văn học kinh điển của Nhật Bản, không thể không nhắc đến tên tuổi của Tanizaki Junichiro với loạt tác phẩm đặc sắc do Tao Đàn thực hiện như: Hai cuốn nhật ký, Tình khờ, Chữ vạn, Nhật ký già si, Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki Junichiro. Trước đó, tác giả này cũng từng được giới thiệu ở Việt Nam qua một số tác phẩm như Yêu trong bóng tối (NXB Văn nghệ 2008), Ca tụng bóng tối (NXB Tổng hợp 2014).
Với dòng văn học đương đại, Haruki Murakami có lẽ là cái tên sáng giá nhất hiện nay khi tác phẩm của ông luôn được độc giả khắp thế giới chờ đón. Ở Việt Nam, Nhã Nam gần như là đơn vị độc quyền có hơn 10 tác phẩm xuất bản, trong đó có những tác phẩm thực sự quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Haruki Murakami như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới, Kafka bên bờ biển…
Đến hiện tại, ít nhất Nhã Nam đã xuất bản được 9 cuốn của “ông hoàng trinh thám” Higashino Keigo. Nhiều nơi không muốn đứng ngoài cuộc, như Đinh Tị xuất bản Trước khi nhắm mắt; Mintbooks với Ngôi nhà của người cá và Trứng chim cúc cu này thuộc về ai.
Gần đây còn là sự bùng nổ của thể loại light novel - một dạng tiểu thuyết có tranh minh họa, chuyên dành cho học sinh trung học.
“Mỏ vàng” chưa được khai thác hết
Dù được khai thác từ kinh điển đến đương đại với số lượng nhiều như vậy, nhưng theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, văn học Nhật Bản vẫn còn là “mỏ vàng” chưa được khai thác hết. Có nhiều tác phẩm được gọi là đỉnh cao của văn học Nhật, đến nay vẫn chưa xuất hiện.
Ngay từ thế kỷ 8 đã có một hợp tuyển thơ ca vĩ đại hiếm thấy trên thế giới, là Vạn Diệp Tập với 4.500 bài thơ, được xem là đỉnh cao của thơ Nhật. Khoảng năm 1000, xuất hiện tiểu thuyết Truyện Genji - được xem là tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, nhưng y như vừa mới xuất bản ngày hôm qua. Hay như các tác phẩm của Kenzaburo Ōe, chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1994, cũng chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam.
“Muốn hiểu văn học Nhật phải có Vạn Diệp Tập trong tay. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang khai thác văn học Nhật Bản theo cách được chăng hay chớ, nhắm thấy cuốn nào là dịch cuốn đó mà không có một kế hoạch thực sự. Mặc dù được dịch nhiều so với trước đây, nhưng lại không đi vào một quỹ đạo mang tính lâu dài, chưa khai thác hết thành tựu của văn học Nhật. Việc nhiều tác phẩm lớn của Nhật chưa xuất hiện sẽ là một rào cản cho sinh viên khi tìm một chủ đề nào đó về văn học Nhật để nghiên cứu hay làm bài tốt nghiệp. Đây cũng là một thiệt thòi cho độc giả trong nước”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết.
Đại diện DTBooks cho rằng: “Dòng văn học kinh điển, với chân giá trị đã được khẳng định, với sự thực hiện chỉn chu, có tâm huyết và chiến lược quảng bá đúng đắn, chúng tôi tin rằng, sức phát hành sẽ không thua kém bất kỳ dòng nào khác. Thứ cả thế giới đã đọc và say mê hơn nửa thế kỷ, chẳng lẽ chúng ta lại thờ ơ”.
Chính vì lý do đó nên trong thời gian tới đây DTBooks sẽ giới thiệu lại dòng văn học kinh điển Nhật Bản, những tác giả hoặc đã được xuất bản nhưng rồi đã tuyệt bản, hoặc đã từng được nghe danh ở đâu đó nhưng chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam. Đại diện DTBooks bày tỏ: “Không có sự cạnh tranh nào ở đây. Murakami hay Dazai, Banana hay Akutagawa… thì cũng là những góc cạnh khác nhau của văn học Nhật để các độc giả của chúng ta khám phá và tận hưởng”.
Theo Hồ Sơn - SGGP