Tác phẩm kinh điển “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du sẽ được chuyển thể sang sân khấu múa rối như một thử nghiệm sáng tạo của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Thông qua các mảng miếng, trò diễn, vở rối “Thân phận nàng Kiều” mong muốn đem đến một hình tượng nhân vật khác biệt, gần gũi, dưới góc nhìn đương đại.
Sáng tạo và thử nghiệm
Mọi tình tiết, cảnh trí trong “Thân phận nàng Kiều” sẽ được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, bằng không gian, ánh sáng trừu tượng mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại. Đó là khẳng định của đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Lễ khởi công xây dựng vở “Thân phận nàng Kiều” sáng 3.7. NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đây là tác phẩm mà cá nhân anh ấp ủ cách đây hơn 10 năm nhưng chưa đủ tự tin để làm. Cái bóng của một tác phẩm kinh điển vừa là thế mạnh cho giá trị nghệ thuật song cũng là thách thức lớn để khai thác. Lần này, ê kíp sáng tạo mạnh dạn đưa vở diễn lên sân khấu với quyết tâm mang tính đột phá, sáng tạo và thử nghiệm.
“Thân phận nàng Kiều” không hướng tới thiếu nhi - đối tượng chính của sân khấu múa rối, mà dành cho lớp công chúng đa dạng, lớn tuổi hơn. Họ là những người đã biết, đã đọc, đã nghe “Truyện Kiều” và muốn cảm nhận Kiều bằng lăng kính khác. Lăng kính ấy không thuần nhất, không đơn giản, cụ thể, mà giàu ý nghĩa biểu trưng như chính cách Nguyễn Du khắc họa các nhân vật của mình. Điều đó được thể hiện nay từ cách tạo hình con rối. Theo họa sĩ Lê Đình Nguyên: “Nếu tạo hình nhân vật như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói mà các sân khấu trước đây từng dàn dựng phỏng theo các danh họa ngày xưa minh họa “Truyện Kiều” thì tôi cho rằng sẽ thất bại. Kiều trong vở rối phải chuyển tải theo một lối tạo hình khác. Chúng tôi thống nhất sẽ làm theo dạng siêu thực, ước lệ”.
Việc phóng tác kịch bản cho vở múa rối cũng không đơn giản, bởi “Truyện Kiều” là một tiểu thuyết lớn bằng thơ. Nhà văn Nguyễn Hiếu, người cùng với NSƯT Lê Chức chuyển thể tác phẩm sang kịch bản vở múa rối cho biết, ngôn ngữ múa rối có những đặc điểm riêng mà không phải sân khấu nào cũng có, song một khi khéo léo tìm ra được chìa khóa để đi sâu vào thế giới “Truyện Kiều” theo cách của rối thì tính cách từng nhân vật cứ thế hiện ra một cách khác biệt. Đó là cách nghệ thuật hóa nhân vật gần gũi, sắc nét hơn, thông qua loạt hình ảnh ẩn dụ như cây đàn ghép từ nhiều mảnh, lúc hợp lại, lúc vỡ rời trên sân khấu. Hay cảnh đánh cờ, sẽ làm bật lên sự va chạm, chuyển hóa suy nghĩ của nhân vật, chuyển hóa giữa hai thế lực hắc ám và chân chính.
Qua góc nhìn đương đại
Theo hình thức múa rối, “Truyện Kiều” sẽ được kể lại theo đúng mạch nguyên tác song có sự ghép nối giữa các màn bằng lối diễn đạt của nghệ thuật đương đại, tạo cảm giác cả một vở diễn cũng giống như những con rối ghép lại. Trong các mảnh ghép đó, ê kíp sáng tạo cho biết, công chúng vẫn sẽ bắt gặp chất thơ Nguyễn Du qua những câu như “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hoặc câu tả Từ Hải: “Vai năm tấc rộng, lưng mười tấc ngang”… Nhưng công chúng cũng sẽ được sống trong không khí tưởng rằng là của “Truyện Kiều” nhưng lại không phải “Truyện Kiều”, như “Lòng ơi ta quá buồn phiền/ Buồn như ta với lòng ta giã từ”… cùng nhiều đoạn hội thoại rất đời được lồng ghép trong vở múa rối…
Nhiều ý kiến nhận định, “Truyện Kiều” là chuẩn mẫu của thơ ca Việt Nam trải qua thời gian, không gian và sự cộng hưởng với nhận thức của người Việt nhiều thế hệ. Cũng đã có nhiều sáng tác dựa theo nguyên bản “Truyện Kiều”. Đấy là trạng thái tiếp nhận, cảm thức sáng tạo bằng một ngôn ngữ khác, khiến cho việc khai thác số phận nàng Kiều đòi hỏi sự cẩn trọng khi đưa ra lối đi riêng. Như cách đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng lý giải: “Tôi mang cảm xúc của tôi với Kiều, mang kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của tôi, cả những ấp ủ của tôi với Kiều. Quan trọng là tôi và các nghệ sĩ dùng ngôn ngữ múa rối hiện đại để truyền tải nguyên tác “Truyện Kiều””.
NSƯT Lê Chức cho rằng, việc dàn dựng “Truyện Kiều” đặt tác phẩm vào cuộc sống hôm nay, với cách lý giải về Kiều của đôi mắt của thời đại. “Hơn 300 năm lẻ rồi, người hôm nay khóc gì cho Nguyễn Du, khóc gì cho nàng Kiều? Tôi nhớ lời thầy Trần Quốc Vượng từng nói: Chỉ có con người mới đủ ý thức để chất vấn quá khứ của mình. Đó là câu chìa khóa. Nghệ sĩ phải tìm cho đúng ổ khóa của ngôi nhà để đi vào bằng cửa chính, đừng leo bằng cửa sổ, đừng phá cửa, và đừng dỡ mái. Với “Thân phận nàng Kiều”, hãy cho chúng tôi xin một cách nhìn nhận Kiều mới của năm 2019, của sân khấu thử nghiệm, của thời đại 4.0”.