Sáng ngày 06/ 07, tại khách sạn Duy Tân - TP Huế, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình, Hội VHNT Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Truyền thống và tiếp nối”. Đông đảo văn nghệ sĩ Huế - Quảng Bình - Quảng Trị tham dự.
Bình Trị Thiên - Vùng đất chứng kiến sự chia cắt đất nước trong thời kỳ chiến tranh, ngoài giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước còn là một vùng đất mà toàn thể nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ đã chung vai sát cánh xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương sau chiến tranh.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu khai mạc Hội thảo |
Từ năm 1976, mảnh đất Bình Trị Thiên quy tụ một đội ngũ văn nghệ sĩ vừa đông đảo vừa chất lượng từ ba tỉnh sát nhập với chất lượng làm nên thương hiệu Văn nghệ Bình Trị Thiên danh tiếng một thời. Chỉ riêng chuyên ngành văn học, thành phố Huế là điểm hội tụ của một loạt nhà văn, nhà thơ tên tuổi được cả nước biết đến. Cũng chính những nhà văn nhà thơ danh tiếng này đã kích thích, nâng đỡ, tạo điều kiện cho một số cây bút tiềm năng - thế hệ sinh sau 1950 trở thành những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi thời Bình Trị Thiên được cả nước biết đến. Một số cây bút thế hệ sau 1970 mới xuất hiện thời Bình Trị Thiên đều ít nhiều thừa hưởng cái bầu không khí văn chương thời này.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê xúc động nhớ về thời Văn nghệ Bình Trị Thiên |
Trên lĩnh vực sân khấu, Nghệ sĩ Văn Thanh cho hay: “Từ 1976 đến 1989, đoàn kịch nói Bình Trị Thiên đã xây dựng hàng chục vở diễn, từ những vở về chiến tranh cách mạng đến khát khao xây dựng đổi mới đất nước, từ những tác phẩm kịch kinh điển nổi tiếng trên thế giới đến những vở mang tính thể nghiệm. Sau khi tách tỉnh, đoàn kịch Bình Trị Thiên chính thức chấm dứt, những thành viên trên lĩnh vực sân khấu cũng đã tự chuyển dịch cho mình theo đúng nguyện vọng và khả năng chuyên môn của môi người. Đến nay, các nghệ sĩ có người đã mất, có nghệ sĩ đã thành danh hiện nay vẫn tiếp nối và tiếp tục hoạt động trong các hội văn hóa nghệ thuật của các địa phương”.
Nhà văn Văn Lợi _ Nguyên ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT Bình Trị Thiên Khoá (II, III) |
Sau chia tỉnh 1989, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều đã nhanh chóng ổn định không khí sinh hoạt, sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Các tạp chí Văn học nghệ thuật xuất hiện như: Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Cửa Việt và Tạp chí Sông Hương nhằm quảng bá giới thiệu văn hóa con người và vùng đất địa phương. Tôn vinh những giá trị đích thực của VHNT Việt Nam, phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa. Những người can đảm thử nghiệm, dám chịu cô đơn để sáng tạo...Tất cả nhằm hướng đến sự phát triển VHNT nói chung, tạo điều kiện cho sáng tạo làm đúng sứ mệnh của nó - sứ mệnh truy tìm, tiếp cận và kiến tạo cái mới.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê chia sẻ: " Văn nghệ Bình Trị Thiên là một dòng chảy không thể cắt rời? Không bị chia tách và không quá lệ thuộc vào sự tách nhập...Sau 30 năm, khó mà thống kê hết được gia tài văn nghệ của mỗi tỉnh Quảnh Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng các tác phẩm được đăng trên các Tạp chí Sông Hương, Nhật Lệ, Cửa Việt nếu có điều kiện tuyển chịn chúng ta cũng sẽ có một bộ sách Văn nghệ Bình Trị Thiên bề thế".
Các văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên tham dự tham dự Hội thảo |
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị nhận định: “ Quãng thời gian 13 năm (1976-1989) trong mái ấm Bình Trị Thiên đã nuôi dưỡng tình cảm gắn bó giữa những người anh em ruột thịt. Văn nghệ Bình Trị Thiên một thời đã cùng chung tay góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định tình hình xã hội trên địa bàn tỉnh. 13 năm văn nghệ Bình Trị Thiên đã đặt nền móng cho sự phát triển của Hội Văn nghệ thời gian sau giải phóng.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh: “ Hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Truyền thống và tiếp nối” là sự kiện ý nghĩa, biểu hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại hành trang quá khứ, hiện tại đang có những gì, để có thể tiếp những bước chân vững chãi trên con đường phía trước”
Phương Anh