Phan nhân 1972 ( Hồi ức K15 trường Chuyên Phan Bội Châu Nghệ Tĩnh - NXB Hội Nhà văn, tháng 7/2019 ) có lẽ là một trong những cuốn sách thú vị nhất về tuổi học trò mà tôi từng đọc.
Thú vị bởi nhiều lẽ: Tác giả là những người trong cuộc, và họ viết để tặng bản thân, tặng bạn bè, để níu lại những kí ức đang mỗi ngày một lùi xa, nên tuyệt đối là những điều chân thực - tôi tin vậy; Thứ hai, những câu chuyện trong Phan nhân 1972 vừa lạ vừa quen, với tất cả những ai đã từng trải qua tuổi học sinh mơ mộng. Ai cũng có thể nhìn thấy mình ở trong đó, một khoảnh khắc nào đó, những ý nghĩ trùng lặp, những hành vi khôi hài, những rung động tinh khôi, những ám ảnh bài vở…; Thứ ba, Phan nhân 1972 là câu chuyện 30 năm trước, nhưng cũng là câu chuyện hiện tại. Thời gian là một tấm gương lớn, nó soi chiếu mọi thân phận, mọi diễn biến, mọi khúc quanh của một đời người. Người đọc có thể nhìn vào đó để hình dung sau một chặng đường dài đến thế, Phan nhân (học sinh trường Chuyên Phan Bội Châu) thế hệ sinh năm 1972 đã đi tới những chân trời nào…
Trong số họ, những gương mặt đại diện Phan nhân 1972 này, tôi có quen biết, quý mến vài người. Nhà báo Phan Thanh Phong, nhà báo Hồng Minh, nhà văn Như Bình…nhưng phải đến khi đọc cuốn sách này thì tôi mới biết họ đã từng học cùng nhau suốt những năm tháng phổ thông trong một ngôi trường. Tôi nhớ, hồi sinh viên, các bạn quê Nghệ An, Hà Tĩnh thường nổi tiếng không phải chỉ trong một trường đại học mà trong tất cả cả các trường đại học ở Hà Nội, là cực kì đoàn kết. Kiểu như một cậu người Nghệ An bên trường Báo chí bị bắt nạt thì chỉ nhoáng cái cả mấy chục cậu từ các trường Sư phạm, Giao thông, Xây dựng, Thuỷ lợi, Tài chính, Mỏ… đã ùn ùn kéo tới. Ai thấy thế nào tôi không biết, nhưng tôi luôn nể các bạn ấy. Sinh viên Nghệ - Tĩnh thường học rất giỏi. Mười người thì phải đến chín luôn có điểm cao ngất ngưởng. Bóng đá cũng tài. Tôi luôn đặt câu hỏi, vì sao mà dải đất miền Trung nắng gió ấy lại toàn sinh ra những sinh viên xuất sắc vậy? Mà kì lạ nữa, sinh viên nữ miền Trung bạn nào da cũng trắng. Lạ kì! Đáng lẽ nắng, gió Lào như thế thì da phải có… màu nắng chứ, hà cớ gì lại cứ trắng bóc ra, loá cả mắt.
Riêng sinh viên mà từ trường Chuyên Phan Bội Châu ra thì thôi, khỏi hỏi tại sao lại cứ luôn xếp trong top đầu. Ở trong cuốn sách này chẳng ai nói về việc đã phải học hành như thế nào để có tên trong danh sách học sinh trường Phan. Nhưng khi xưa tôi thường hình dung rằng, để lọt vào đấy, không có… người thường. Toàn “siêu phàm”, “vĩ nhân”. Tôi cũng từng hình dung, học sinh trường Phan chắc chỉ có cắm đầu vào học, học, học, mục đích cuối cùng là kết thúc ba năm sẽ chinh phục những trường đại học có đầu vào thách đố nhất. Khi tất cả đều chào thua thì Phan nhân sẽ mỉm cười ngẩng đầu bước chân vào. Nhưng hoá ra không phải. Hoá ra, học sinh trường Phan cũng chẳng khác gì học sinh các trường… phổ thông khác. Cũng quậy phá tung trời, thậm chí cũng oánh nhau tơi bời sứt đầu mẻ trán nữa kìa. Riêng màn yêu đương cũng… tơi bời không kém thì tôi thực sự chào thua.
Lớp Văn, ở đâu cũng vậy, chủ yếu là học sinh nữ. Lớp Toán, Lý chủ yếu là nam. Cái sự va chạm đôm đốp, chan chát, cũng như những lưu luyến, để ý, ngượng nghịu thầm kín đều dễ thương đến mức ngọt ngào. Tôi nhớ một chi tiết ai đó trong cuốn sách này đã viết, rằng bạn ấy ở lớp văn ngồi học mà nhìn lớp toán qua cái lỗ thủng trên lá bàng mà con sâu nó để lại, mà mơ mộng về một chàng học toán đẹp giai tài giỏi nào đấy. Đây là một chi tiết đặc biệt văn học, nó văn học hơn cả câu chuyện về một nàng thơ nổi tiếng của trường Phan suốt ngày mơ mộng ngước nhìn trời và làm thơ.
Tôi thích đọc những câu chuyện các Phan nhân 1972 kể về nhau. Những chân dung ngộ nghĩnh, hài hước. Một vài người tôi biết, hôm nay tôi thấy họ đáng yêu hơn biết bao nhiêu vì những câu chuyện mà bạn bè họ kể. À, tất nhiên, tôi chỉ quen phụ nữ thôi, chứ chưa kịp nặng lòng với anh nào của K15 trường Phan cả. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là, những anh, chị học chuyên toán, lý lại có thể viết văn hấp dẫn, tinh tế đến thế. Hoá ra, môn văn đâu phải là nỗi kinh hoàng đối với các anh chị như là tôi hình dung, như là những câu chuyện mà họ kể trong cuốn sách này. Nói một cách trung thực thì nếu như bỏ dòng chú thích phía sau tên tác giả đi, thì một người đọc như tôi sẽ rất khó phân biệt đâu là bài viết của học sinh chuyên văn, đâu là bài của học sinh chuyên toán, lý. Và đáng kinh ngạc nữa là gần 400 trang sách này của họ được triển khai một cách ngẫu hứng, chỉ viết trong vòng hai tuần, ban đầu chỉ ý định in nội bộ trong nhóm K15 của họ .
Những học sinh K15 trường Phan năm ấy, giờ đã rất nhiều người thành đạt. Không có gì ngạc nhiên. Tôi luôn tin chắc một điều, học vấn, trí tuệ luôn là nền tảng vững chắc nhất để một người trưởng thành, theo đuổi ước mơ. Và học sinh trường Chuyên Phan Bội Châu đều là những người xuất sắc, cộng với ý chí và truyền thống học hành, khoa bảng của một vùng đất vạn người biết, đã lặng lẽ và khiêm nhường, kiêu hãnh và tự tin, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vị trí nào.
Trong sách, họ không nói nhiều về bản thân hôm nay. Có lẽ vì đều đã biết nhau, nhưng với một bạn đọc thông thường như tôi, thì tôi mong được biết nhiều hơn những việc họ đã làm, những giá trị mà họ đã lặng lẽ cống hiến. Những tâm hồn mộng mơ năm nào, những bộ não đã mất không ít thời gian tư duy cho những trò “quỷ”, như là bày binh bố trận đi chặt nhẵn cả vườn mía của thầy hiệu trưởng, đã từ khi nào đó trở nên lừng lững mà không cần cất lên một lời tuyên bố.
Tôi cũng thích cách in kèm cả những comment sau các bài viết. Nó như phần đuôi của tia sáng, lấp lánh mãi khi mà tia sáng đã muốn tắt đi. Tại sao bạn đọc lại thấy thú vị về những câu chuyện thuần tuý nội bộ của học sinh K15 Phan Bội Châu? Chẳng phải vì ở trong đó đều thấp thoáng bóng dáng của chính mình, ở vào năm tháng nào đó, đã trôi xa rồi đó sao?
Thời gian như một tấm gương, và thời gian cũng như một cái sàng. Những lay động rung lắc của nó đã khiến cho dù cho cuộc sống có bề bộn đến đâu thì những điều đẹp đẽ, nhân văn, tha thiết, tình cảm, sâu sắc nhất cũng đều đọng lại trên mặt sàng. Và Phan nhân 1972 chỉ việc ngồi lại với nhau để nhặt lên những sâu sắc, trĩu nặng ân tình ấy mà thôi.
Đâu đó còn nguyên vẹn tiếng cười trẻ thơ, trong veo, đâu đó còn nguyên những giọt nước mắt cũng trong veo, và cũng đâu đó còn nguyên những mối tình mà nhiều năm giấu kín, giờ mới nói ra… Thật không dễ gì để có thể ngồi lại với nhau, một chốc một lát lật giở những trang kí ức nằm sâu dưới đáy rương, mà phải là một cuốn sách. Hẳn một cuốn sách. Những trang sách đẹp đẽ như những hạt nắng mùa hè lấp lánh rớt xuống hàng hiên.
Theo Nhà Văn Đỗ Bích Thuý - TP