Tạp chí Sông Hương -
Tây nguyên: phải hiểu để có thể yêu
09:09 | 03/07/2009
Cách đây mấy năm tôi có dịch một cuốn sách của Jacques Dournes, đúng ra là một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Pháp - Á năm 1950, nhan đề Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương (Les populations montagnardes du Sud Indochinois).
Tây nguyên: phải hiểu để có thể yêu

Khi in thành sách, nhà xuất bản đề nghị nên tìm một cái tên khác đỡ khô khan hơn, chúng tôi đồng ý lấy tên là Miền đất huyền ảo. Không phải chỉ để dễ bán. Quả thật miền đất ấy, mà chúng ta vẫn gọi là Tây nguyên, là một miền đất huyền ảo.

Một số quyển trong Tủ sách Tây nguyên của NXB Tri Thức, Hội Nhà Văn, Thế Giới, Đà Nẵng

Những năm gần đây Tây nguyên ngày càng bộc lộ những tiềm năng cứ như là chẳng hề thiếu một mặt nào của mình, đồng thời lại vẫn còn bí ẩn tưởng đến vô cùng, cũng trên hầu như tất cả các mặt: lịch sử cổ xưa và lịch sử cận đại, thậm chí hiện đại. Tây nguyên còn bất tận cho những khám phá về chiều sâu thăm thẳm của rừng, ý nghĩa muôn mặt của rừng mà người Tây nguyên thấu hiểu vô cùng sâu sắc, cả trong những chiều kích tâm linh và triết học của nó.

Cơ cấu và thiết chế xã hội truyền thống của các dân tộc, từng dân tộc Tây nguyên, mà chẳng hạn qua một công trình nghiên cứu về nhân vật Pötao (chúng ta vẫn quen gọi là “vua lửa”) của Dournes, đã hé cho thấy - thậm chí có thể làm đảo lộn những ý tưởng quen thuộc và tưởng đã hoàn toàn xác định trước nay về quyền lực... Những chuyển động của các cơ cấu và thiết chế đó trong thời hiện đại; nền văn hóa của các dân tộc và từng dân tộc Tây nguyên, cũng ngày càng khiến chúng ta -  kể cả những nhà nghiên cứu lâu năm nhất - kinh ngạc về tầm cỡ, sự phong phú và chiều sâu khôn cùng của nó.

Mỗi bộ phận, mỗi chi tiết của Tây nguyên dường như đòi hỏi cả cuộc đời nghiên cứu không phải chỉ của một người... Và những vấn đề hiện tại của Tây nguyên, vừa nóng bỏng vừa lâu dài: là nóc nhà của toàn Đông Dương, tức bộ phận quan trọng nhất mà cũng nhạy cảm, mong manh nhất của cả ngôi nhà. Làm gì đây, sống như thế nào đây trên nóc nhà tuyệt đẹp mà cũng hết sức dễ bị tổn thương này? Vì Tây nguyên, vì cả nước, vì hôm nay và vì những thế hệ mai sau...

Hiểu biết Tây nguyên do vậy là vô cùng quan trọng, cấp thiết, một sự hiểu biết cố gắng ngày càng tường tận, sâu sắc, toàn diện hơn. Và không chỉ vì Tây nguyên, vì sự phát triển bền vững của Tây nguyên cho sự phát triển bền vững của cả đất nước. Cũng còn vì có thể tìm thấy ở đây, trong lịch sử, trong tự nhiên, trong văn hóa, trong con người bao điều, để suy ngẫm về lẽ đời, về cuộc sống, sự hiền minh mà Tây nguyên có thể gợi cho con người trong thế giới đang biết bao xáo động hôm nay.

Cũng chính nhà Tây nguyên học say mê Jacques Dournes có nói một câu để đời: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Cần đến với Tây nguyên bằng một tình yêu sâu và lớn. Để mà có thể hiểu. Và càng hiểu, tôi tin vậy, sẽ càng không thể không yêu đến say đắm vùng đất và người tuyệt diệu này.

Tủ sách chuyên đề Tây nguyên của Sachhay.com ra đời với mong muốn tha thiết đó. Một số nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học tâm huyết đã là những cộng tác viên đầu tiên. Chắc hẳn nhiều người từng am hiểu và say mê Tây nguyên sẽ còn đến với chúng ta. Chúng ta sẽ chia sẻ hiểu biết và tình yêu cùng nhau, giới thiệu với nhau những cuốn sách phong phú nhiều mặt về Tây nguyên.

Một số cuốn sách cơ bản về nhân học, dân tộc học cũng có thể làm cơ sở giúp ta hiểu về Tây nguyên sâu hơn, giải mã những bí ẩn của vùng đất và người mãi mãi còn kỳ lạ này. Chúng ta sẽ dần dần cùng nhau lập nên một thư mục ngày càng hoàn chỉnh để bất cứ ai quan tâm đến đề tài quan trọng và thú vị này có thể tìm đến khi cần. Chúng ta cũng có thể thỉnh thoảng trao đổi những suy gẫm, những tranh luận chắc chắn sẽ rất thú vị và bổ ích về những vấn đề được nêu ra trong các cuốn sách về Tây nguyên, cả hôm qua lẫn hôm nay và ngày mai.

Hãy cùng nhau đi những bước đầu tiên, cho một công việc sẽ có thể là một sự nghiệp không nhỏ.

                                                               Theo Nguyên Ngọc - Báo TT

Các bài mới
Các bài đã đăng