Agatha Christie, tiểu thuyết gia bán chạy nhất trong lịch sử, có duyên nợ đặc biệt với các lễ Giáng sinh. Khi còn là đứa trẻ, Giáng sinh là dịp mà nữ văn sĩ tương lai được coi là hiểm họa cho người lớn bởi những trò quậy phá tưng bừng. Còn khi đã là nhà văn nổi tiếng, sách của bà trở thành món quà tặng lý tưởng được người ta dành cho nhau vào dịp Noel đến. Với lời mời gọi "a Christie for Christmas" - (một (cuốn) Christie cho Giáng sinh), nhà xuất bản của Christie luôn coi Giáng sinh là mùa hốt bạc của họ. Nhưng Giáng sinh năm 1926 mới thực sự là Giáng sinh đặc biệt và kịch tính nhất trong cuộc đời Nữ hoàng truyện trinh thám. Dịp đó, bà mất tích 11 ngày. Sự kiện này trở thành đề tài nóng hổi, thành tin trang nhất của của hầu như mọi tờ báo trên khắp nước Anh. Gia đình nhà văn cuống cuồng, hàng nghìn người hâm mộ đã đổ xô lục tung mọi ngóc ngách để tìm dấu vết của Christie. 11 ngày sau, bà bị phát hiện đang ở tại một khách sạn miền Bắc nước Anh. Điều kỳ lạ là Christie đến đó với tên đăng ký là tên cô tình nhân của chồng - tình địch của bà. Lý do được đưa ra: nhà văn bị mất trí nhớ tạm thời. Chi tiết về vụ mất tích không được hé lộ gì thêm. Vốn là một nhà kiến trúc tuyệt vời cho những cốt truyện hình sự, Christie kín đáo để lại manh mối trong những bức thư gửi cho chồng và thư ký trước khi biến mất. Nhưng "âm mưu" này thất bại, vì chồng nhà văn thực ra "không tài giỏi" như thám tử Hercule Poirot. Tuy nhiên, trở ngại chính vẫn là sự ngu ngốc của viên thám tử được giao nhiệm vụ điều tra sự biến mất của Christie. Thay vì mở rộng phạm vi tìm kiếm ra khu vực Yorkshire, gã này cứ khăng khăng rằng nhà văn chỉ quanh quẩn đâu đó ở gần hạt Surrey - nơi gia đình Christie ở. "Yorkshire, đồ ngu ạ", một nhân viên phục vụ phòng khách sạn nơi Christie lẩn trốn, đã nhiều lần nghe bà điên tiết gào lên như thế sau khi theo dõi tin tức trên các báo. Ngoài sự kiện có vẻ lập dị đó thì Agatha Christie là nhà văn có sức làm việc phi thường. Bà là tác giả của 95 cuốn sách, được dịch ra 105 thứ tiếng. Tổng cộng, sách của bà tiêu thụ được 2 tỷ bản trên toàn thế giới. Tác phẩm của Christie được gọi là "McDonald của văn học". Còn nhà văn tự nhận mình là "cỗ máy sản xuất xúc xích". |