Tạp chí Sông Hương -
Phát triển Nông nghiệp Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao
13:55 | 29/07/2019

Sáng ngày 29/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.

Phát triển Nông nghiệp Thừa Thiên Huế theo hướng  bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các Sở, ngành, đơn vị chức năng, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số Tập đoàn, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: Thừa Thiên Huế có đặc điểm về địa hình đa dạng và phong phú có cả ba vùng: đồng bằng, trung du - miền núi và biển, đầm phá; có bờ biển dài 128 km với cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây; Tổng diện tích đất nông nghiệp khá lớn, gần 412 nghìn hecta (chiếm 82% diện tích tự nhiên). Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70 nghìn hecta; diện tích rừng lớn, gần 335.000ha, có tính đa dạng sinh học cao, trong đó rừng trồng gần 76.000 ha tạo ra các nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và cung cấp các loài dược liệu, thực phẩm quý hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế, đời sống người dân. Hiện toàn tỉnh có hơn 170.000 người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị


Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo ra nhiều chuyến biến tích cực, đối mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn.

Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Công tác xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh. Chưa có doanh doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ khẳng định : Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Tam nông “Phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chát lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc”. Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; đấy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao,  khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng KHCN và phát huy nội lực để nâng cao năng xuất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Thừa Thiên Huế, khẳng định thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu...

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đang kêu gọi đầu tư  vào các dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao. Dự án áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất hữu cơ; liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao. Dự án đầu tư liên kết chuyển giao công nghệ trồng, chế biến tiêu thụ cây ăn quả. Các dự án tổ chức đồn điền đổi thửa; dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Dự án nuôi tôm trên cát, các dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền. Các dự án chế biến sâu về lâm sản và các sản phẩm từ gỗ…

 

Trao quyết định đầu tư cho một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thừa Thiên Huế có một lợi thế đặc biệt để phát triển, là một trong những tỉnh được thiên nhiên ban tặng cho một đặc điểm địa hình địa mạo, vị trí lịch sử vô cùng quý giá. Đặc biệt, với giá trị tài nguyên thiên nhiên đa dạng, yêu cầu Tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nông nghiệp phải đa dạng, mở rộng ra thành kinh tế nông nghiệp; phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ, phát triển từ cây đến con, không quá máy móc, cực đoan; hướng tới một nền nông nghiệp đặc sản, hướng về trung tâm dịch vụ du lịch làm hạt nhân; nông nghiệp phải gắn liền với văn hóa du lịch không quá vội vàng nhưng cần phải tích cực, nâng cao quảng bá đặc sản của mỗi vùng; nông nghiệp phục vụ cho chuối ẩm thực và gắn liền với kinh tế nông thôn. Trong đó, chủ thể hướng đến phải là người dân và dân phải thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất mà nên nông nghiệp mang lại.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững, hiệu quả cho Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung như: “Thực trạng và định hướng phát triển cây ăn quả tại Thừa Thiên Huế”, “Thực trạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo Chương trình OCOP”, “Mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, “Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế, mô hình chăn nuôi gia súc công nghệ cao”…

Toàn cảnh Hội nghị


Dịp này, Hội nghị đã trao quyết định đầu tư cho một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ký kết biên bản hợp tác chiến lược, biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng