Tạp chí Sông Hương -
“Luồng gió mới” cho điện ảnh Việt
14:04 | 30/07/2019

Có ý tưởng, tư duy làm phim mới mẻ và áp dụng công nghệ hiện đại, các đạo diễn Việt kiều ngày càng tham gia tích cực vào đời sống điện ảnh trong nước. Tác phẩm của họ đã truyền cảm hứng sáng tạo cho đồng nghiệp trong nước; gây ấn tượng tại các liên hoan phim thế giới, cũng như chứng minh được tiềm năng lớn của thị trường phim Việt.

“Luồng gió mới” cho điện ảnh Việt
Phim của đạo diễn Việt kiều tác động tích cực tới điện ảnh trong nước

Tìm lại nguồn cội

Tháng 7 này được Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD) chọn là Tháng phim Việt kiều, chiếu lại một số bộ phim: “Xích lô” (1995), “Ba mùa” (1999), “Cú và chim se sẻ” (2007), “Dòng máu anh hùng” (2007). Đây cũng là dịp nhìn lại những đóng góp của các đạo diễn Việt kiều với điện ảnh nước nhà.

Có thể thấy, phim của đạo diễn Việt kiều làm về Việt Nam đã xuất hiện từ hơn 30 năm trước, bắt đầu với bộ phim ngắn về đề tài lịch sử - dân tộc học “Long Vân khánh hội” (1981) của đạo diễn Lê Lâm. Sau đó, ông cũng làm bộ phim nghệ thuật “Đế chế tàn vụn” (1984) về Việt Nam thuộc địa, rồi phim tài liệu “Công binh - đêm dài Đông Dương” (2013) - nói về số phận hàng nghìn người Việt bị cưỡng bức sang Pháp lao động trước Thế chiến thứ Hai. Tiếp đó, các đạo diễn gốc Việt dần quan tâm làm phim về Việt Nam nhiều hơn với các tên tuổi như Trần Anh Hùng với “Người thiếu phụ Nam Xương” (1987), “Mùi đu đủ xanh” (1993), “Xích lô” (1995), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (2000); Tony Bùi với phim nghệ thuật “Ba mùa” (1999); Hồ Quang Minh làm “Thời xa vắng” (2004); Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho ra mắt “Mùa len trâu” (2004)... và gần đây là “Song Lang” (2018) của Leon Quang Lê.

Các bộ phim như cách để nhiều thế hệ đạo diễn sinh ra và lớn lên ở một nền văn hóa khác trở về cội nguồn, dựng lại những ký ức đẹp về quê hương; mong muốn tìm lại và lưu giữ các nét đẹp, hoặc làm sáng tỏ gốc rễ văn hóa đã và đang bị thay đổi bởi những biến động của thời cuộc... Phim của các đạo diễn xa xứ có thế mạnh là nhìn về văn hóa quê hương theo một góc cạnh mới, đa chiều hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà đặc điểm chung của các phim là phản ánh cuộc sống Việt Nam dưới góc nhìn hoài niệm về một thời kỳ lịch sử, về những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng qua lăng kính hơi xa lạ. Dựng lại một Việt Nam trong suy tưởng, một số bộ phim phim chuyển tải những chi tiết không đúng về lịch sử, phong tục và tập quán Việt Nam... Nhiều ý kiến cho rằng, các đạo diễn Việt kiều nhìn Việt Nam bằng con mắt của người ngoại quốc, người quan sát, và phim của họ cũng chủ yếu định hướng vào khán giả nước ngoài.

Tuy cốt truyện phim không gắn với đời sống đương đại, nhưng với nhu cầu tìm kiếm bản sắc nguồn cội, các đạo diễn đã làm giàu thêm nền điện ảnh Việt bằng những bộ phim nghệ thuật chỉn chu, với từng chi tiết, góc quay được chau chuốt, ngôn ngữ điện ảnh có nhiều tìm tòi, tạo được phong cách riêng. Tác phẩm của họ còn tạo ra cảm hứng, tác động đến thái độ, tư duy, cách làm phim nghệ thuật với những người làm điện ảnh trong nước. Hơn thế, phim được làm với chất lượng cao, hòa nhập được với điện ảnh thế giới, nhiều tác phẩm được trao giải tại các liên hoan phim trên thế giới.

Đóng góp tích cực

Sau thế hệ đầu tiên gắn bó với phim nghệ thuật, mang đậm dấu ấn tác giả, những năm gần đây, ngày càng nhiều đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên Việt kiều trở về nước và tích cực tham gia đời sống điện ảnh đương đại, phát huy tay nghề ở dòng phim thương mại, giải trí. Có thể kể đến các đạo diễn: Lưu Huỳnh với “Áo lụa Hà Đông” (2006); Charlie Nguyễn với “Dòng máu anh hùng” (2007); Othello Khanh có “Sài Gòn nhật thực” (2007); Victor Vũ với “Giao lộ định mệnh” (2010), “Scadal: Bí mật thảm đỏ” (2012), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) - bộ phim đầu tiên được sản xuất theo mô hình Nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất; Trần Quang Hàm với các phim “Âm mưu giày gót nhọn” (2013), “Bạn gái tôi là sếp” (2017); Charlie Nguyễn với “Để mai tính” (2010), “Cưới ngay kẻo lỡ” (2012), “Tèo em” (2013)...

Không chỉ làm đạo diễn, họ ngày càng tham gia vào nhiều khâu quan trọng của ngành sản xuất phim trong nước. Có tay nghề được đào tạo từ các nền điện ảnh phát triển trên thế giới, nắm bắt trúng thị hiếu khán giả với các phim hành động, giả tưởng, hài hước, có cách kể chuyện cuốn hút; phim được đầu tư tương đối lớn, kỹ xảo hiện đại... các nghệ sĩ Việt kiều đã dần trở nên quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh qua những tác phẩm ăn khách, tạo nên cơn sốt phòng vé. Bên cạnh dòng phim giải trí, các bộ phim mang xu hướng nghệ thuật, hoài niệm về vẻ đẹp văn hóa truyền thống vẫn trở đi trở lại cùng tình yêu quê hương của các đạo diễn Việt kiều.

Dù góp mặt ở phim nghệ thuật hay phim thương mại, đóng góp của đội ngũ đạo diễn Việt kiều trong quá trình phát triển của điện ảnh nước nhà đều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn và người yêu điện ảnh cũng mong muốn, sắp tới, họ sẽ có các tác phẩm đi vào hiện thức đất nước, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt hơn. Để từ đó, tinh thần, tâm hồn Việt sẽ ngày càng được lan tỏa qua các tác phẩm điện ảnh sáng tạo, hấp dẫn, có giá trị thẩm mỹ tương xứng chuẩn mực quốc tế.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng