Tạp chí Sông Hương -
Toni Morrison, nhà văn của phong trào dân quyền
15:16 | 09/08/2019

Toni Morrison, nhà văn da màu đầu tiên nhận trao giải thưởng Nobel, đã qua đời ở tuổi 88. Bà cũng đã giành giải Pulitzer năm 1988 cho tiểu thuyết và được trao tặng Huân chương Tự do năm 2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Toni Morrison, nhà văn của phong trào dân quyền
Nhà văn Toni Morrison (1931-2019)

Nhà xuất bản Alfred A. Knof xác nhận bà Toni Morrison đã qua đời ngày 5/8. Nguyên nhân cái chết không được đề cập trong thông báo.

Toni Morrison sinh ra ở bang Ohio nước Mỹ, là con thứ hai trong một gia đình công nhân da đen. Bà lớn lên và trưởng thành cùng cuộc Đại Suy thoái trong thập niên 1930 ở nước Mỹ và bộc lộ niềm yêu thích văn học từ rất sớm. Thuở nhỏ, bà học tiếng Latinh, đọc các tác phẩm của văn học Nga, Anh và Pháp. Sau này, Toni Morrison trở thành biên tập viên sách của nhiều nhà văn nổi tiếng. Năm 1970, Morrison cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay The Bluest Eye (Mắt biếc) thu hút sự chú ý của các nhà phê bình và công chúng nhờ việc mô tả sâu sắc cuộc sống và số phận những người Mỹ gốc Phi. Tác phẩm nói về tác động của những thành kiến chủng tộc đến một cô gái da màu mơ ước mình có đôi mắt xanh biếc, biểu tượng cái đẹp của người Mỹ da trắng.

Năm 1973, tiểu thuyết Sula của Toni Morrison trở thành cuốn sách bán chạy nhất và được trao Giải thưởng sách Quốc gia. Bà cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn học có uy tín, trong đó có giải Pulitzer năm 1988 cho tiểu thuyết Beloved (Người yêu dấu). Trong tác phẩm này, trở lại khai thác đề tài nô lệ, bà đã chỉ ra tác động kinh hoàng của kiếp nô lệ đến tình cảm của người làm mẹ. Tiểu thuyết Beloved được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Morrison. Năm 1993 bà được nhận giải Nobel, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên nhận giải thưởng cao quý này.

Toni Morrison tích cực tham gia các phong trào đòi bình quyền phụ nữ, bà thường phát biểu trong những đại hội của phụ nữ màu. Tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng và là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu.

Tác phẩm Beloved đã được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Oprah Winfrey

Người phục hồi kí ức

Trong một lần chia sẻ với tờ New York Times, nữ văn sĩ Toni Morrison khẳng định những cuốn sách mà cô đã biên tập và sáng tác là đóng góp lớn cho phong trào dân quyền ở Mỹ.

Khi bà trở thành nhà văn Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Nobel vào năm 1993, thư ký thường trực của Học viện Thụy Điển, Sture Allen nhấn mạnh Toni Morrison “đã trả cho người Mỹ gốc Phi lịch sử của họ, từng mảng một…”. Bà đã miêu tả trong thế giới văn chương của bà về hình ảnh người da màu bằng “sự đồng cảm và trắc ẩn”.

Sinh ra từ cái nôi văn hóa Mỹ, trực tiếp là văn học Mỹ da màu, các tác phẩm của Toni Morrison đã tiếp tục phát triển các chủ đề và thể loại đặc trưng. Trong Beloved, với những cách tân độc đáo tác giả tiếp tục phát triển thể loại truyện kể về nô lệ. Bà đã lột tả những nỗi đau tinh thần mà chế độ nô lệ dã man đã gây ra cho nhiều thế hệ người Mỹ da màu và tìm lời giải đáp cho con đường tới tự do đích thực của họ. Trong tác phẩm, nhà văn đã để cho các nhân vật chính kể lại cho nhau và cho con cháu họ nghe những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời nô lệ của họ. Morrison đã chạm đến phần đau đớn nhất trong lịch sử của người Mỹ gốc Phi bằng cách mà bà gọi là "phục hồi kí ức".

Toni Morrison cũng có nhiều đóng góp cho văn học, đặc biệt là những tác phẩm viết về thân phận những phụ nữ da màu. Bằng chứng là bà đã dành phần lớn sáng tác để thâm nhập thế giới của họ với trọng tâm là mối quan hệ giữa những người phụ nữ với nhau và thiên chức làm mẹ. Bà đã vượt qua được những rào cản truyền thống và xây dựng một hướng sáng tác mới giàu tính hiện thực, đậm chất nhân văn và mô tả những diễn biến tâm lý phức tạp của phụ nữ.

Toni Morrison được hàng triệu nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học và độc giả biết đến. Tiểu thuyết của bà được đưa vào nghiên cứu và thảo luận trong các trường học và đại học trên nước Mỹ, trở thành nguồn cảm hứng cho người yêu văn chương trên khắp thế giới.

Theo Đình Phương - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng