Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Đoàn Tuấn: Một lòng với đồng đội
15:09 | 19/08/2019

Nhà văn chiến trường là những người gánh trên vai 2 sứ mệnh: chiến đấu và viết. Việc viết có thể diễn ra giữa những ngày bom rơi đạn nổ, cũng có thể sau khi đã lặng im tiếng súng. Họ viết như là một sứ mệnh không chỉ cho riêng mình. Nhà văn Đoàn Tuấn là một trong những người như vậy.

Nhà văn Đoàn Tuấn: Một lòng với đồng đội
Nhà văn Đoàn Tuấn trong một chương trình giao lưu được tổ chức tại TPHCM

1. Từng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ bước ra từ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Gần đây nhất, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, cũng đã hình thành một thế hệ nhà văn, nhà thơ như vậy. Trong số ấy, không thể không nhắc đến Đoàn Tuấn. Ông nuôi giấc mộng trở thành nhà văn từ những ngày gian nguy trên chiến trường Campuchia. 

Đoàn Tuấn (sinh năm 1960) tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam khi vừa tròn 18. Lúc đó, anh vừa học xong phổ thông, biết tin mình đỗ vào khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì đồng thời anh nhận giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự. Giống như bao chàng trai thủ đô hồi đó, Tuấn đi khám sức khỏe, thấy đủ tiêu chuẩn thì sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. 

Đoàn Tuấn kể, anh ở bộ đội 5 năm. Lúc đầu, anh được phân về Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307; sau đó lại được cử đi phối thuộc. Ròng rã suốt 3 năm, đi phối thuộc chiến đấu hết đơn vị này đến đơn vị khác; khi Tiểu đoàn 8 chuyển lên Anlong Veng (Campuchia), anh lại chuyển về ban tác chiến tiểu đoàn. Ở đây, anh làm nhiệm vụ quản lý quân số cùng một số trang thiết bị của đơn vị. Nhưng hồi đó đơn vị hy sinh nhiều quá, anh lại chuyển sang làm công tác chăm sóc thương binh, tử sĩ.
Bước chân ra chiến trường, nghĩa là những người lính đã chuẩn bị đón nhận cái chết. Bởi vì khi đó, trong túi áo ai cũng đều có một chiếc lọ penicillin, dành ghi tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ, đơn vị, ngày hy sinh, khi mất sẽ chôn cùng để xác nhận danh tính sau này. Giữa chiến trường ác liệt, dưới làn tên mũi đạn, ranh giới sinh - tử trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Biết bao người lính đã hy sinh, theo nhiều cách khác nhau mà không ai ngờ tới. 

2. Trong một chương trình giao lưu được tổ chức gần đây tại TPHCM, Đoàn Tuấn thu hút những người tham dự bởi chất giọng vang, sáng, trẻ trung. Nhưng rồi, cũng người đàn ông sở hữu chất giọng hào sảng ấy, lại không cầm được nước mắt khi nói về những cái chết của đồng đội. Đồng đội anh, có người bị lính Pol Pot cắt đầu mang đi đâu không rõ. Lại có người bị chặt ra làm 3 khúc… Những cái chết đau đớn kia đến bây giờ vẫn luôn là nỗi ám ảnh khó nguôi đối với những người như anh Tuấn.

Có một điều được Đoàn Tuấn chia sẻ trong tác phẩm Mùa chinh chiến ấy, khi nói về những đồng đội mất vì sét đánh: “Ai biết họ bị sét đánh lúc nào? Họ đang làm gì? Tâm trạng họ lúc ấy ra sao? Những câu hỏi đó, trong giấy báo tử không ghi. Người ta chỉ ghi mỗi dòng chung chung: “Hy sinh tại mặt trận Tây Nam”. Dòng chữ ráo hoảnh. Chẳng có chút đồng cảm nào với nỗi đau của những người cha, người mẹ, những người vợ, người con… nơi quê nhà”. 

Băn khoăn ấy thực ra không chỉ dành riêng cho những người lính không may bị sét đánh, mà là băn khoăn chung cho tất cả những người lính đã ngã xuống. Bởi, như lý lẽ của một người mẹ ở Nha Trang mà anh có lần cùng đồng đội đến nhà báo tử: Khi đi bộ đội, gia đình giao cho quân đội một đứa con tốt. Người mẹ nào chẳng lưu lại trong lòng mình “đứa con tốt”, là những chàng trai mười tám đôi mươi, khỏe mạnh, sức sống căng tràn. Ấy vậy mà những “đứa con tốt” ấy đã không về. Vì sao không về?Không lẽ chỉ vì một từ “chết” lạnh lùng hay sao? 

Đó chính là lý do thúc giục Đoàn Tuấn phải viết. Viết cho đồng đội lẫn người thân của đồng đội mình. Bởi vậy mà những tác phẩm như: Những người không gặp nữa, Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm lần lượt được ra đời tại NXB Trẻ. Từ các tác phẩm này, những người mẹ, người vợ, thân hữu hay thế hệ sau này hiểu rõ hơn về những cái chết đau đớn nhưng cũng đầy bi tráng. Ngoài ra, còn một lý do nữa, như Đoàn Tuấn chia sẻ: “Tôi viết những cuốn sách để trả lời cho Campuchia và thế giới hiểu rằng, chúng tôi sang Campuchia chiến đấu không phải vì xâm lược mà vì hỗ trợ Campuchia, cứu những người dân Campuchia khỏi họa Pol Pot”.  

3. Kết thúc 5 năm ở chiến trường Campuchia, giống như rất nhiều người lính may mắn sống sót, Đoàn Tuấn hăm hở trở về, hiện lên trong đầu là viễn cảnh đoàn tụ, sum vầy với gia đình, người thân, bạn bè, và với cả người yêu. Nhưng cũng giống như những người lính trở về từ chiến trường K, Tuấn không dễ dàng thích nghi với cuộc sống, kể cả những điều thường nhật vốn gắn liền với anh trước đây. 

Đoàn Tuấn kể, trở về nhà, anh “quên” đi xe đạp, vì 5 năm ở trong rừng toàn đi bộ, không bao giờ động đến xe đạp. Anh trở về ngôi nhà của mình, có cảm giác ngôi nhà của mình... chật quá. “Bao nhiêu năm ở rừng, không gian rộng quen rồi; quen với nằm võng, về nằm trên giường cứ cảm thấy ngột ngạt. Đi trên đường cứ sợ vấp phải mìn dù đó là đường nhựa. Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng súng chập chờn… Bạn tôi ở ký túc xá, nằm giường sắt, đêm nằm ngủ vẫn nằm mơ thấy lựu đạn ném vào, chân đạp đúng vào thanh sắt giường, lại gãy chân lần nữa, lại phải đi viện. Ám ảnh chiến tranh cực kỳ khủng khiếp”. 

Hoàn thành sứ mệnh của người lính, bây giờ Đoàn Tuấn lại tiếp tục theo đuổi sứ mệnh viết văn. Trong anh vẫn luôn thường trực một băn khoăn: Phải tìm cách viết như thế nào để các bạn trẻ đọc được? Anh tâm sự: “Tôi muốn khi viết, cũng là đang kể câu chuyện của thế hệ mình, về con người của thế hệ mình, làm sao ai cũng thấy có mình trong đó. Điều kiện mà tôi đặt ra đầu tiên đó là lòng tin. Lòng tin của độc giả vào nhân vật, vào câu chuyện. Và trong những câu chuyện này phải ánh lên vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp nhân văn. Có như thế thì tôi mới viết”.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng