Tạp chí Sông Hương -
Lan tỏa văn hiến Thăng Long - Hà Nội
16:18 | 29/08/2019

Dư âm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như vẫn còn trong những công trình văn hóa, kiến trúc, văn học, nghệ thuật… Gần 10 năm trôi qua, kỳ vọng nối kết dấu ấn ấy đang đặt lên vai thế hệ văn nghệ sĩ trẻ, với nhiệt huyết, tài năng, cùng bồi đắp nền văn hiến Thủ đô.

Lan tỏa văn hiến Thăng Long - Hà Nội
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010)

Sóng sau tiếp sóng trước

Giới sân khấu có câu “Thầy già con hát trẻ”, dù thời đại nào về văn học nghệ thuật thì sức trẻ sáng tạo là điều tất yếu. Nghệ sĩ trẻ có mặt mạnh nhưng cũng có hạn chế, bởi sự tích lũy kinh nghiệm của năm tháng cộng với tài năng, năng khiếu về nghệ thuật đối với họ không đơn giản. Nếu chỉ vì yêu nghề mà phát triển cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Phân tích thực tế nhưng Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội, NSND Thanh Trầm cũng chỉ ra rằng, trong công cuộc phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa Thủ đô, sức trẻ cần biết bao. Cần ở đây không chỉ là sự nhạy bén, sáng tạo, mà còn là gắn bó, hòa quyện với giá trị lịch sử, truyền thống.

Nhiều ý kiến chỉ ra thực trạng của ngành văn hóa nghệ thuật, như nghệ thuật biểu diễn, có nhiều nghệ sĩ trẻ đẹp, hát hay, múa giỏi nhưng kiến thức lịch sử, lý luận lại yếu, nhiều nghệ sĩ không hiểu truyền thống, biết diễn mà không biết nguồn gốc sâu xa của nhân vật, của động tác. Do vậy, trách nhiệm của lớp nghệ sĩ đi trước là dìu dắt, góp chất xám, xây dựng, bồi đắp nền tảng cho văn nghệ sĩ trẻ. Đó chính là tinh thần “sóng sau tiếp sóng trước” được các đại biểu bàn luận tại tọa đàm “Văn nghệ sĩ trẻ Thủ đô hướng tới 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, cách đây gần 10 năm, một thế hệ văn nghệ sĩ đã chung tay góp sức làm nên thăng hoa văn hóa Kinh Kỳ, trọng trách bây giờ đặt nhiều vào lớp trẻ. Làm sao để thu hút văn nghệ sĩ trẻ gắn kết, bồi đắp, khai phá những tinh hoa còn ẩn mình trên mảnh đất này? Làm sao lấy sức trẻ tạo nên sức sống mới trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội, trong xây dựng con người Hà Nội?... Điều đó ít nhiều dựa vào cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ trẻ cống hiến. Nhưng hơn thế, để sáng tạo còn phụ thuộc vào độ thẩm thấu, rung cảm và khả năng khơi dậy những lắng đọng văn hiến Hà Nội của mỗi người.

Tinh thần văn hiến ngàn năm

Nguyễn Thị Tô Hoài nhớ lại thời điểm năm 2010, khi cả nước mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chị công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tròn 3 năm. Bấy giờ trong một không khí tưng bừng phô ra những màu sắc mới biểu trưng cho một Hà Nội vươn mình phát triển, và hé lộ những trầm tích của Thăng Long xưa, qua các tác phẩm thi ca nhạc họa, cả những công trình nghiên cứu đồ sộ, giá trị… Hà Nội trước đây và bây giờ là trung tâm của sự tổng hòa ấy, cho nên giống như mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn hóa. “Nhưng dưới con mắt trẻ, tôi thấy cấp bách không chỉ là sưu tầm, nghiên cứu, mà còn là bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội. Các công trình nghiên cứu, sưu tầm không chỉ mang tính trưng bày chào mừng kỷ niệm mà phải thông qua đó để người dân hiểu về văn hóa, các sự kiện phải có sự tham gia của cư dân là chủ thể văn hóa đó”.

Đó cũng chính là con đường đưa hồn dân tộc vào các tác phẩm văn học nghệ thuật. NSND Hà Bắc phân tích ở lĩnh vực điện ảnh được ví như ngành tổng hòa các định dạng nghệ thuật, nghệ sĩ khi đưa tác phẩm ra thế giới thường tập trung khai thác sức mạnh của văn hóa dân tộc. Nhiều nghệ sĩ trẻ đang bước đi như vậy, họ trang bị cho mình cái duyên của bản sắc truyền thống, cái chất cổ mà Hà Nội là điển hình, hội tụ nét duyên dáng bản sắc này, khai thác chất liệu này là “mỏ vàng” khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Sáng tạo lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống song không thể bước vào lối mòn xưa cũ. 10 năm trước, văn học nghệ thuật tập trung vào dấu ấn của 1.000 năm kể từ khi rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, 10 năm sau, chúng ta kỳ vọng văn học nghệ thuật làm bật lên tầm vóc mới của công cuộc phát triển đất nước. Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội gợi ý, hướng tới kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, muốn tạo dấu ấn, chúng ta hãy giở lại thời kỳ hậu định đô của vua Lý Thái Tổ, thời kỳ củng cố, canh tân, xây dựng nền văn trị, lập Văn Miếu Quốc Tử Giám, coi trọng văn hóa, giáo dục… Lấy chính những quốc sách làm nền móng mấy trăm năm hưng thịnh của Lý triều mà tính dài hơn, xa hơn, cho những bước đi của Thủ đô 10 năm, 20 năm, 50 năm tới. “Thăng Long, Đại Việt xưa đã bước những bước dài lớn mạnh thì Thủ đô Hà Nội bây giờ cũng nêu gương phát triển ấy. Điều đó đặt lên vai lớp trẻ. Bằng văn học nghệ thuật thể hiện điều đó, khơi gợi tinh thần đó cũng là trách nhiệm của văn nghệ sĩ trẻ”.

Là trách nhiệm song cũng là tình yêu, tình yêu của những người trẻ có thể sinh ra hay không sinh ra ở mảnh đất này nhưng được Hà Nội nuôi dưỡng tâm hồn văn chương, nghệ thuật. Như nhà thơ Vi Thùy Linh nói: “Đầu tư, mở trại sáng tác, đặt hàng, phát động, những cuộc thi… sáng tác về Hà Nội là một cú hích, nhưng trên hết, mỗi người phải yêu nó một cách tự nguyện, phải tự cảm thấy yêu, thấy mắc nợ với Hà Nội, để rồi lao động nghệ thuật vì Hà Nội”.

Theo Thái Minh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng