Các vở diễn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) vẫn gần gũi với nhiều đối tượng khán giả. Ngòi bút của Lưu Quang Vũ chạm tới nhiều mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, ông cảnh báo những chuyển biến ngược - thụt lùi mà con người chính là tác nhân.
1. Những “mùa kịch Lưu Quang Vũ” mấy năm gần đây vẫn luôn được khán giả hào hứng đón nhận. Bởi nhiều điều ông viết mang tính dự báo và định hướng. Thông qua kịch ông muốn góp tiếng nói trong định hướng phát triển đất nước. Muốn phát triển đất nước, ngoài chính sách, chủ trương đúng đắn, phải dựa vào đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ…
Khán giả Trịnh Trung Hiểu (86 tuổi, ở 202/B2/26 Doãn Kế Thiện, Hà Nội), một dịch giả có tiếng trong giới Hán Nôm cho rằng, Lưu Quang Vũ chính là tinh hoa của đất nước. Một trong những vở kịch điển hình của Lưu Quang Vũ làm ông say mê đó là “Tôi và chúng ta”. Theo ông, vở diễn đó đã đề cao quyền con người, đề cao tinh thần và tài năng của con người Việt Nam. Vở kịch là sự kết hợp chất dân gian và hiện đại, cổ vũ tinh thần Việt Nam, ca ngợi sự thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam. Còn khán giả Lý Chí Huy (Hà Nội) khi xem xong vở “Ai là thủ phạm” tại Nhà hát Tuổi trẻ ngày 24-8 vừa qua đã hào hứng với khung cảnh nhà hát 600 chỗ ngồi đều kín chỗ, không khí xem rất sôi nổi. Anh ấn tượng với tất cả lời thoại trong vở kịch. Nó có một chút gì đó cổ kính, gợi niềm hoài cổ mà ngày nay anh hầu như không được nghe. Đặc biệt, theo anh câu chuyện mà vở kịch mang đến cho khán giả vẫn đầy đủ giá trị hiện thực, vẫn mang tính thời sự trong xã hội hiện tại. Cùng với Chí Huy đến xem vở diễn là khán giả gồm đủ các lứa tuổi, già, trẻ, trung niên, đông hơn cả là khán giả trẻ, tất cả đều chăm chú theo dõi vở.
Nghệ sĩ Đào Duy Anh, đảm nhận vai Chiến trong vở diễn chia sẻ, khi được chọn cùng các bạn diễn trẻ tham gia dàn dựng vở này, mọi người đều rất thích thú, ngày đêm nghiên cứu lời thoại, tìm tòi sáng tạo hình tượng nhân vật và diễn rất thăng hoa.
2. Bên cạnh sân khấu một số nhà hát, tại Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, các giảng viên cũng đã đưa một số vở kịch của Lưu Quang Vũ vào dàn dựng bài tập cho sinh viên các lớp diễn viên. Theo Ths Hán Quang Tú, giảng viên Khoa Sân khấu, sinh viên rất dễ tiếp nhận, và đối tượng tiếp nhận rất rộng. Các em sẽ tìm được nhân vật, vai diễn phù hợp với mình bởi các nhân vật trong kịch của Lưu Quang Vũ ở đủ các tầng lớp. Nhân vật trong kịch của ông có tính cách điển hình cao nên khi đưa vào dàn dựng bài tập sẽ rất hiệu quả trong việc khơi gợi sức sáng tạo, tâm lý biểu diễn, cũng như sáng tạo đời sống nhân vật của các em. Đặc biệt, lời thoại trong kịch của ông không khó, không gượng ép, rất tự nhiên khiến cho các em sinh viên khi học rất dễ thoại, từ đó sẽ dễ tìm ra hành động xuyên của cả vở cũng như hành động của từng tuyến nhân vật để xây dựng tính cách từng nhân vật.
PGS, TS, đạo diễn Phan Trọng Thành, nguyên Trưởng khoa Sân khấu, là người có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và dàn dựng các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Ông cảm nhận, các vở kịch của Lưu Quang Vũ phản ánh được mong ước, dục vọng của con người thời đại ông sống, ông tìm được tiếng nói, sự đồng vọng với mọi tầng lớp nhân dân vào thời điểm đó, nhất là đã lay động trái tim hàng triệu người bởi tính triết lý, giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm của ông. Ngoài ra, Lưu Quang Vũ còn rất tài tình trong việc xây dựng ngôn ngữ đối thoại, tạo tình huống xung đột và xây dựng tính cách nhân vật rất rõ ràng, mang tính điển hình cao. Bên cạnh đó, Lưu Quang Vũ đã xây dựng các vở kịch và giải quyết các vở kịch một cách trọn vẹn bằng tinh thần nhân dân, tính nhân văn cao đẹp.
Đó cũng chính là lý do không chỉ các nghệ sĩ, nhà hát, mà các giảng viên, sinh viên vẫn tìm đến kịch bản Lưu Quang Vũ như những bài học hiệu quả. Và rộng hơn thế, là đông đảo khán giả, những người qua tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ, nhận ra một trái tim yêu thương cuộc sống, trân trọng con người.
Theo Đinh Xuân Kỷ - Thời Nay/Nhân Dân