“Chuyện bốn mùa” là sự nối tiếp của chương trình sân khấu truyền hình nổi tiếng “Trong nhà ngoài phố” trên HTV, với những thông tin đậm chất thời sự, nhân sinh, chương trình góp phần giúp khán giả có cái nhìn chuẩn mực về những vấn đề của xã hội.
Sau các chương trình đã được khán giả đón nhận, giờ đây, chuyên mục “Chuyện bốn mùa” tiếp tục dàn dựng một số vở kịch với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chương trình sẽ phát sóng trong tháng 10-2019, trên kênh HTV7, với các vở: Không thể mua chuộc, Người tử tế nhà đầu hẻm, Người thầy, Phòng khám miễn phí... (đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng, với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Mỹ Uyên, Hạnh Thúy, Mai Dũng, Phương Bình, Bảo Trí, Chánh Thuận, Tô Thiên Kiều, Hà Linh, Phi Nga, Diễm Kiều, Kim Tuyết, Cẩm Linh, Minh Trọng…).
Những vấn đề thời sự nóng hổi trong Không thể mua chuộc vốn dựa trên một tình huống có thật tại hồ xử lý nước thải ở quận Bình Tân, TPHCM. Doanh nghiệp xả thải đã dùng tiền bưng bít sự việc, chỉ đến khi một cán bộ trẻ có tâm huyết xuất hiện, mọi việc mới được giải quyết.
Vở Người tử tế nhà đầu hẻm kể về ông Bảy, một cán bộ hưu trí, năng nổ vận động bà con cùng hiến đất để mở rộng con hẻm nhỏ. Nhiều tình tiết gay cấn xung quanh chuyện hiến đất làm đường, các quan điểm tư lợi cá nhân, âm mưu phá rối... được sắp xếp, xử lý hợp lý trên sàn diễn, giúp vở kịch hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Vở Người thầy ca ngợi đạo lý “Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh nghề giáo, một nghề nghiệp cao quý trong cuộc sống. Vở Phòng khám miễn phí, là câu chuyện về một bác sĩ bệnh viện quân y đã về hưu vẫn mong muốn giúp đời, giúp người nghèo trị bệnh miễn phí...
Từng vở kịch trong “Chuyện bốn mùa” thấm đậm thông điệp về việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là ở những cán bộ nhà nước. Với mỗi người cán bộ, khi đã ý thức được những vấn đề cần làm, cần tránh, cần khắc phục thì nên ra sức chung tay để dựng xây một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, từ chính những hành động nhỏ nhất, đơn giản nhất.
Sau thời gian thay đổi phương thức tổ chức thực hiện, chú trọng tìm kiếm đề tài phản ánh thời sự, gắn kết với thực tiễn xã hội, các vở diễn trong “Chuyện bốn mùa” đã không chỉ phê phán các thói hư tật xấu, mà còn nêu gương người tốt việc tốt, mang lại những bài học ý nghĩa, gửi gắm nhiều thông điệp về cuộc sống.
Với cách thức dàn dựng các tác phẩm kịch hấp dẫn, gần gũi; hình thức thiết kế sân khấu đẹp, bắt mắt, chỉn chu, đã khiến cho “Chuyện bốn mùa” nâng cao được chất lượng, thu hút sự cộng tác của hơn 30 diễn viên kịch nói chuyên nghiệp, giỏi nghề.
Sau loạt tác phẩm kịch về học theo gương Bác, đạo diễn Hoàng Duẩn và ê kíp sẽ tiếp tục thu hình các vở về việc xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình: không xả rác, hạn chế sử dụng rác nhựa, giảm ngập nước, áp dụng công nghệ 4.0...
Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Theo định hướng của đài cũng như bản thân tôi khi bắt tay thực hiện “Chuyện bốn mùa”, rất mong muốn chương trình sẽ khẳng định lại được vị trí trên sóng truyền hình, có sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống như với chương trình “Trong nhà ngoài phố”.
Trong phiên bản mới, “Chuyện bốn mùa” mang nhiều thông điệp gần gũi, gắn liền với cuộc sống hôm nay. Đặc biệt, với những vở kịch học tập và làm theo Bác, nhiều người cứ nghĩ là cứng nhắc, khô khan, sách vở; nhưng thực tế, từng tác phẩm đã thể hiện việc học tập và làm theo gương Bác từ những việc nhỏ nhất. Và quan trọng nhất vẫn là việc tác giả và ê kíp thực hiện chương trình phải có cái nhìn bao quát, có những dự đoán xu thế, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời thời cuộc qua từng câu chuyện kịch hài hước, đậm ý nghĩa nhân sinh, nhân văn. Cách truyền đạt thông điệp cũng được xử lý bằng những hành động thực tế, câu thoại nhẹ nhàng, gần gũi, đời thường, tránh sự sáo rỗng, nặng tính tuyên truyền”.
Theo Thúy Bình - SGGP