Tạp chí Sông Hương -
Tọa đàm ra mắt sách “Lý lịch sự vụ” của Nguyễn Đức Xuyên
11:05 | 23/09/2019

Sáng ngày 23/09, tại Công viên Tứ Tượng Huế, công ty Omega Plus Books phối hợp cùng với Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế tổ chức buổi tọa đàm ra mắt  tác phẩm “Lý lịch sự vụ”  của tác giả Nguyễn Đức Xuyên do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh dịch. 

Tọa đàm ra mắt sách “Lý lịch sự vụ” của Nguyễn Đức Xuyên
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ về cuốn sách " Lý lịch sự vụ" tại buổi tọa đàm

Nguyễn Đức Xuyên (1759-1824) là hậu duệ đời thứ XV của dòng họ Nguyễn, khai canh làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ tiên vốn thừa hưởng được linh khí của núi sông, truyền thống của gia tộc và thời vận của đất nước, đã có nhiều võ công lừng lẫy dưới thời Lê Trung hưng.

Năm 1822, do chủ trương của vua Minh Mạng, cho các quan từng giữ trọng trách trong triều viết lý lịch sự vụ nạp tại Sử quán để làm tài liệu viết sử, Nguyễn Đức Xuyên đã viết bản hồi ký Lý lịch sự vụ.

Cách viết của tài liệu này là lối viết biên niên theo trình tự năm tháng ngày. Nội dung bao gồm đủ mọi việc liên quan đến công vụ của Nguyễn Đức Xuyên trong suốt 43 năm, mô tả quá trình chiến đấu của Nguyễn vương, từ năm 1780 cho đến khi chiếm Thăng Long, với những trận chiến cụ thể trên các vùng đất theo cách gọi dân dã ở các địa bàn Nam Bộ, Phú Yên, Diên Khánh, Quy Nhơn, Nam Ngãi...

Ông Nguyễn Đức Tráng, hậu duệ của tác giả Nguyễn Đức Xuyên chia sẻ tại buổi tọa đàm



Tính chất quan trọng của bản hồi ký này thể hiện trên nhiều mặt, trong đó nổi bật là việc bảo lưu những văn bản chính thức thời Nguyễn vương còn đóng ở Gia Định, và cả những văn bản triều Gia Long. Đó là những tờ truyền, tờ phó của bộ tham mưu Nguyễn Ánh, những chiếu, hịch, văn thệ sư, điều lệnh quân đội của Nguyễn Ánh, đều được viết hầu hết với lối văn Nôm có pha thành ngữ chữ Hán, vào cuối thế kỷ XVIII… Tài liệu này tự nó có giá trị về các phương diện văn học, địa lý, đặc biệt là lịch sử cận đại, về các lĩnh vực quân sự, nội trị, ngoại giao, ngoại thương của buổi đầu thời Nguyễn.

Đặc biệt hơn hết, trong số các bản Lý lịch sự vụ của các trọng thần thực hiện theo lệnh của vua Minh Mạng, đến nay chỉ mới phát hiện được bản của Nguyễn Đức Xuyên.

Tại đây, ông Nguyễn Đức Tráng, hậu duệ của tác giả Nguyễn Đức Xuyên chia sẻ: “ Những năm chiến tranh, bản thảo từng được cất dưới hầm đất. Năm 1975, bản thảo từng được đưa lên mái tranh nhưng sợ khói lửa chiến tranh làm cháy bản thảo nên sau đó đưa xuống hầm trở lại để lưu giữ.  Năm 1999, cơn lũ lịch sử ở Huế diễn ra, một lần nữa bản thảo bị đe dọa, nhưng gia đình đã chú ý đến “tài sản” quan trọng này nên kịp thời đưa lên cao và cất giữ cho đến ngày nay”.

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng