Tạp chí Sông Hương -
Công nghệ gặp nghệ thuật
15:06 | 29/10/2019

Công nghệ thường được coi là con đường đưa tới tương lai, còn nghệ thuật dẫn ta trở về với cảm xúc mang bản chất con người. Nhưng thực tế, chúng liên tục giao thoa với nhau, cái này có thể làm nền cho cái kia để mở rộng giới hạn, thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.

Công nghệ gặp nghệ thuật
Triển lãm “Trong từng hơi thở - Không gì đứng yên” của Tuấn Mami, khai thác thử nghiệm đa phương tiện

Kết nối và thúc đẩy

Ngày 5.10, trong không gian nghệ thuật Six Space Hà Nội diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các sinh viên ngành kỹ thuật - công nghệ và sáng tạo, các nghệ sĩ đương đại. Chương trình nằm trong chuỗi dự án Công dân trái đất (Citizen Earth), là dự án nâng cao nhận thức về môi trường thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật và giáo dục dành cho cộng đồng tại Hà Nội. Chủ điểm của cuộc trao đổi là những hướng tiếp cận mới với vấn đề môi trường và xã hội - vốn đang là mối quan tâm của hầu hết quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo giám tuyển dự án Đỗ Tường Linh, sự kết hợp giữa sáng tạo nghệ thuật và công nghệ khơi gợi những góc nhìn khác, để tìm ra ý tưởng mới trong cách nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Có thể kể đến một vài sự kiện kết hợp công nghệ và nghệ thuật để lại tiếng vang lớn và có tính lan tỏa, như “Nine Evenings” (9 buổi tối), năm 1966 ở NewYork (Mỹ). Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta bắt gặp nghệ thuật không dưới dạng hàn lâm, giá vẽ, không chỉ đáp ứng trải nghiệm thị giác mà còn là thính giác, xúc giác thông qua việc đưa máy móc kỹ thuật trên sân khấu. Về sau, nhiều người còn nhắc đến “Nine Evenings” như một ví dụ về nghệ thuật và công nghệ.

Ví dụ khác của nghệ sĩ người Hàn Quốc Jae Rhim Lee, thực hiện bộ vest dành cho người chết với nguyên liệu từ nấm. Xuất phát từ việc con người ngày nay ăn đồ hộp quá nhiều, nhiều chất khiến cơ thể được không phân hủy, quần áo bằng nấm nhằm cải thiện vấn đề này. Thiết kế của Jae Rhim Lee được đánh giá là sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa hữu ích với môi trường. Hay mạng lưới Nuture Farmer - Victory Garden (Những nông dân của tương lai - Ngôi vườn chiến thắng), lan tỏa từ thành phố San Francisco (California), cung cấp kiến thức và khuyến khích người dân tự sản xuất đồ ăn, trồng trong vườn nhà, trên ban công, sân nhà,  lưu giữ hạt giống... Ý tưởng đến từ thực tế con người ngày càng tách rời thiên nhiên, phụ thuộc vào hệ thống công ty cung cấp thực phẩm, đến nỗi, nhiều người vào siêu thị mua đồ và nghĩ rau quả đến từ túi nylon chứ không phải được trồng và đã qua chế biến.

 Dự án Công dân Trái đất được khởi xướng bởi Six Space, kéo dài từ năm 2019 - 2020, có sự hợp tác của DynLab (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), nông trại sinh thái Dreamfarm, Ba-Bau cùng nhiều đối tác địa phương. Dự án thuộc chương trình Phản hồi văn hóa và nghệ thuật về Biến đổi môi trường, được thực hiện với sự hỗ trợ của quỹ Prince Claus (Hà Lan) và Viện Goethe toàn cầu.

Đi ngược lối suy nghĩ thông thường

Nhiều ví dụ khác về những thực hành trên thế giới đang đặt vấn đề biến đổi môi trường và xã hội làm mục đích cho những sáng tạo dựa trên nền tảng kết hợp công nghệ và nghệ thuật. Nhiều tiến bộ công nghệ và kỹ thuật đã được tạo ra bởi các nghệ sĩ, được truyền cảm hứng từ nghệ thuật, hoặc được xây dựng dựa trên các kỹ thuật mài giũa trong địa hạt của nghệ thuật. Những đường thẳng, nét cong, hình khối cân bằng tỉ mỉ, những cách làm đi ngược lối suy nghĩ thông thường trở thành kế hoạch cho những sáng tạo kỹ thuật. Đó chính là việc tạo nên những giá trị thúc đẩy vì con người.

Từ thực tế hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Đỗ Tường Linh nhận định, xu hướng gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt không còn dừng ở thử nghiệm nghệ thuật mà chọn lối đi rõ ràng trong sáng tạo liên quan đến môi trường, xã hội và liên kết sáng tạo đó với khoa học - công nghệ. Dẫn chứng là triển lãm cách đây hơn 1 năm của nghệ sĩ Tuấn Mami “Trong từng hơi thở - Không gì đứng yên” tại Hà Nội và nhiều quốc gia như Hà Lan, Anh… khai thác bối cảnh nghệ thuật quốc tế với những thử nghiệm đa phương tiện, kết hợp với kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm những robot có thể đi lại, đội cây và đặt tên là “Những ngọn núi di chuyển”. Đó là cách anh tận dụng công nghệ để lột tả thông điệp với đầy những những suy ngẫm, tra vấn về cuộc sống con người trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Có thể mở ra nhiều khả năng, tuy nhiên ở Việt Nam, theo đánh giá của nhiều người, công nghệ và nghệ thuật vẫn còn là hai thế giới khá biệt lập với hai lối tư duy, hai ngôn ngữ khác nhau. Đó cũng là lý do, dự án Công dân Trái đất kết nối với các nghệ sĩ trẻ và những bạn theo đuổi con đường công nghệ - kỹ thuật. Theo nghệ sĩ Lê Giang - Giám đốc Six Space, sự gặp gỡ giữa nghệ thuật với công nghệ thể hiện ở thiết kế, kiến trúc nhiều, nhưng với nghệ thuật thị giác còn đóng khung giữa các giới với nhau. “Cái khó ở Việt Nam là chưa nhiều không gian sáng tạo để những người làm về nghệ thuật và công nghệ được gặp gỡ, kết nối và chia sẻ. Như gieo hạt giống đầu tiên, dự án lần này bắt đầu bằng việc đưa ra những ý niệm căn bản, những dẫn chứng về sự kết hợp công nghệ và nghệ thuật đang tạo ra hiệu ứng xã hội hy vọng sẽ mở đường cho sự giao thoa công nghệ và nghệ thuật, từ đó thúc đẩy giá trị sáng tạo ở nước ta”. 

Theo Thái Minh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng