Tạp chí Sông Hương -
Sự biến chuyển nghệ thuật
09:36 | 14/11/2019

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước có nhiều sự kiện đặc biệt, các họa sĩ đã thổi hồn vào tác phẩm của mình những trải nghiệm đặc biệt ấy. Họ sáng tạo, định hình phong cách nghệ thuật và tìm ra cho mình những triết lý sống để gửi gắm vào tác phẩm.

Sự biến chuyển nghệ thuật
Tác phẩm “Tiếng vọng từ xa xưa”, Acrylic trên giấy của Nguyễn Trung

Nỗ lực làm mới mình

Không gian nghệ thuật CUC Gallery, phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội, đang diễn ra triển lãm “7 năm: Một sự biến chuyển” (29.10.2019 - 26.1.2020) với sự tham gia của 6 tên tuổi trong nền hội họa đương đại Việt Nam. Trong suốt quá trình sáng tạo, các nghệ sĩ đã định hình phong cách nghệ thuật và tìm ra những triết lý sống để gửi gắm vào tác phẩm. 6 họa sĩ đại diện cho ba thế hệ: Nguyễn Trung của những năm 1940; Đỗ Hoàng Tường, Tulip Dương, Nguyễn Trúc của những năm 1960; Lý Trần Quỳnh Giang và Nguyễn Sơn - thế hệ của những năm 1970.

Là những cái tên không xa lạ trong giới hội họa, nhưng triển lãm lần này, họ kiếm tìm những định danh mới, bằng cách phô diễn màu sắc mới. Như Nguyễn Trung mở rộng kho tàng nghệ thuật của mình với các tác phẩm giấy lần đầu được ông giới thiệu trước công chúng. Ông lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh kính nhà thờ, từ bố cục, màu sắc đến những câu chuyện ẩn giấu phía sau.

Đỗ Hoàng Tường đặt hai tác phẩm trừu tượng trước đây cùng với tác phẩm hình họa ẩn dụ mới nhất của mình. Nhiều người bảo, Đỗ Hoàng Tường của hiện tại ma mị và thâm trầm hơn, các tác phẩm của ông không còn thấy yếu tố cơ thể ở trạng thái mạnh mẽ, giằng xé như trước, mà tự nhiên và phảng phất chút siêu thực. Hay Lý Trần Quỳnh Giang giới thiệu series tác phẩm hoàn toàn mới, không có thỏ, cú hay những bức chân dung mà chị vẫn thể hiện. Các tác phẩm mới hướng đến tính tự sự cao, thông qua những nét cọ mềm mại, mang chất thi và chất nhạc.

Đó còn là chuỗi tác phẩm được thực hiện theo hình thức layer của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Trúc, lớp chồng lớp với đủ gam màu từ dịu nhẹ, mơ màng lẫn sống động nửa thực nửa mơ. Đôi khi là ảo mộng về một mùa tuyết mong manh, trong trẻo, có lúc là hiện hình của một bản hòa nhạc kịch tích, dồn nén cảm xúc ở cuối chương, những gam màu đi từ dịu dàng đến thâm trầm để diễn tả địa hình của lòng đất hay tâm trạng, cảm xúc muôn màu muôn vẻ của con người. Đối với các nghệ sĩ, đó là “muôn hình vạn trạng” những cách để họ làm mới mình, để nói lên những trăn trở, suy tư trước hiện trạng đời sống.

Những suy tư đương đại

Nguyễn Trung tâm sự, series tranh giấy lần này của ông là một cuộc “cách mạng”, để làm mới mình và chinh phục chất liệu mới. Độ thấm hút màu của giấy tốt hơn toan, tạo ra hiệu ứng nghệ thuật và diễn tả cảm xúc nghệ sĩ cũng nhanh hơn, dễ dàng và trực diện hơn. Các tác phẩm cũng thể hiện tư duy mới của ông về mỗi cá thể trong một thế giới quan thần thức, vật chất. Cuộc sống đang biến chuyển từng ngày, quá nửa thế kỷ cuộc đời đủ để người như ông có những trải nghiệm và suy ngẫm về đời sống xã hội một cách sâu sắc. Cuộc sống ấy, đôi khi trong ký ức dội về, mang hình hài của cái tôi nghệ thuật cho sự sáng tạo. Ông bảo, tuân theo dòng chảy cảm xúc ấy, chấp nhận những mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc cũng là suối nguồn cảm hứng cho nghệ thuật sống động và chân thật.

Cuộc sống nhiều hình, nhiều vẻ, đòi hỏi nghệ sĩ phải nhận diện và khắc họa nó bằng cách không mấy dễ dàng. Tulip Dương là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đương đại với phong cách nghệ thuật và sáng tạo độc đáo, mang hơi thở của những xu hướng nghệ thuật hội nhập quốc tế. Triển lãm này, bà chọn cách kết hợp những mảng ghép của nghệ thuật với nhau. Bà đặt tên tác phẩm mới nhất của mình là “Nguy hiểm”, lấy cảm hứng từ âm nhạc cổ điển và đương đại của nghệ sĩ violin David Garrett, dệt vào trong toan tranh những cung bậc cảm xúc với những bảng màu và nét vẽ mạnh mẽ. Bên cạnh đó là bốn bức tượng làm từ vật liệu tổng hợp và đe sắt, để kể câu chuyện mới về những đan xen, pha trộn, hỗn tạp của cuộc sống.

Quá trình sáng tạo, mối quan tâm của nghệ sĩ còn nằm ở những điều đang xảy ra trong xã hội đương đại. Tác phẩm trừu tượng của Đỗ Hoàng Tường khắc họa cuộc sống thành thị, đưa người đọc vào thế giới nội tâm nhiều cung bậc cảm xúc trước những thay đổi thời cuộc bấy giờ. Đối sánh với nó, tác phẩm mang phong cách nghệ thuật hình họa ẩn dụ của ông lại tập trung miêu tả mối quan hệ con người nơi thành thị, gửi gắm câu chuyện phản ánh bối cảnh xã hội hiện nay. Đó dường như là một cách mà thế giới đang vận hành. Rồi chuỗi ba tác phẩm mang tên “Lục địa nhớ” của Nguyễn Sơn, như lời tự sự về những khoảnh khắc thời bé thơ. Nghệ sĩ sinh năm 1974 chia sẻ, sau mỗi đêm mất ngủ, sau mỗi sáng thức giấc, con người ta cần lắm nguồn năng lượng để tiếp tục tồn tại. Thời ấu thơ chính là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn ấy. Trải nghiệm cuộc sống đi cùng với những kỷ niệm tuổi thơ giúp ta liền đi những vết sẹo và dấu đời, trôi trong lục địa nhớ ta tìm lại mối giao cảm với chính mình, đi tìm giấc mơ mang tên mình. Bởi vì quá khứ ấy chính là cầu nối cho hiện tại.

Bởi vậy, qua các tác phẩm nghệ thuật, những thay đổi của thời cuộc, hơi thở của thời đại được thể hiện qua lăng kính sáng tạo của nghệ sĩ. Đó là bóng dáng của cuộc sống hiện đại không ngừng phát triển và đổi mới, là mối tương quan giữa con người với quá khứ, lịch sử, thiên nhiên, môi trường và sự tồn tại của loài người trong vũ trụ rộng lớn. Theo các nghệ sĩ, đó chính là con đường thông qua nghệ thuật, để mỗi người lưu giữ câu chuyện đương thời, và có thể chiêm nghiệm về quá khứ, hay tương lai.

Theo Thái Minh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng