Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật Huế trong đối thoại trăm năm
09:32 | 19/11/2019

“Như cái kính lúp phương Tây phóng to thực chứng áp lên toàn bộ sự vật sự thể huyền ảo phương Đông ở vùng Kinh thành Huế”, từ hơn 100 năm trước, những dấu ấn nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật Huế nói riêng và mỹ thuật truyền thống nói chung đã được chú trọng nghiên cứu. Di sản đồ sộ ấy vẫn được lưu lại với giá trị vô cùng to lớn, đồng thời đặt ra những vấn đề về nghiên cứu văn hóa Huế ngày nay.

Nghệ thuật Huế trong đối thoại trăm năm
Cuốn sách “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” vừa được ra mắt

Công trình đầu tiên về nghệ thuật tạo hình Huế

Kỷ niệm 100 năm ra đời tác phẩm “L’Art à Hué”, ấn phẩm đặc biệt của tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ - B.A.V. H (số 1.1919), Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế phối hợp với Thái Hà Books ra mắt trở lại bản tiếng Việt công trình này với tên “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế”.

Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế, cuốn sách được khởi đầu từ giới hạn “trăm năm”, tính từ dấu mốc ra đời và hoạt động của A.A.V.H, đặc biệt là tập san B.A.V.H suốt từ những năm 1914 - 1944. Tập san này đi sâu nghiên cứu các khía cạnh nổi bật của vùng đất Huế - miền Trung, nhất là về lịch sử và văn hóa, nghệ thuật; đồng thời, đây còn là diễn đàn học thuật để các nhà khoa học người Pháp, người Việt công bố nhiều kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu công phu, có giá trị về lịch sử - văn hóa của dải đất miền Trung, Trường Sơn - Tây Nguyên. Đáng chú ý trong số 1.1919 có ấn bản đặc biệt về “L’Art à Hué” của L.Cadière và E.Gras, để rồi sau đó được in thành một công trình nghiên cứu độc lập…

“L’Art à Hué” chuyên chở, chuyển tải khát vọng của một công trình nghiên cứu nghệ thuật và tự nó cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật. Cuốn sách với 167 trang viết cùng 222 trang phụ bản, được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ và ảnh minh họa, cả đen trắng lẫn màu. Sách khai mở những vấn đề mỹ thuật Huế dưới góc độ là một công trình khoa học về nghệ thuật tạo hình, đi sâu tổng quát nghệ thuật Huế, phân tích chi tiết về nghệ thuật tạo hình, gồm: Khảo tả về các mô típ trang trí hình học trong điêu khắc trang trí; thư pháp viết bằng Hán tự - một trong những nét đẹp làm nên giá trị của mỹ thuật trang trí Huế; đề tài tĩnh vật và những điển tích; khảo tả mỹ thuật Huế về đề tài thực vật, động vật, đề tài phong cảnh Huế cùng có các phụ bản minh họa... Tác giả chú ý đặc tả chi tiết, kèm theo sự giải thích về ý nghĩa, đặc điểm, sử dụng phép đối sánh mang tính vùng miền. Bởi vậy, công trình vẫn có giá trị nghệ thuật lẫn chiều sâu tư tưởng khi triển khai các công trình nghiên cứu mỹ thuật Huế sau này.

Trước đây đã có một số bản dịch “L’Art à Hué”, nhưng lần này, những người thực hiện mong muốn đem hơi thở đầu thế kỷ XX đến giữa thế kỷ XXI, làm cho người hiện đại cảm giác sẻ chia được cùng tác giả viết nên cuốn sách cách đây 100 năm. Dịch giả Lê Đức Quang cho biết: “Không chỉ nghiên cứu con người tác giả, bối cảnh thời kỳ đó để chuyển ngữ tác phẩm, mà trong quá trình dịch, tôi thấy phải chuẩn bị cho độc giả ngày hôm nay tiếp cận tác phẩm cùng những thông tin của thời đại đã cách đây hàng trăm năm. Vừa chuyển ngữ, tôi vừa đợi tài liệu nghiên cứu hỗ trợ từ Pháp gửi về, có khi mất hàng tháng... Đọc tác phẩm, có thể thấy, đây không chỉ là tuyển tập về hoa văn trang trí, mà còn là một công trình về dân tộc học, qua các đường nét để nghiên cứu nhân sinh bản địa. Không chỉ nói về họa tiết, tác phẩm là giao điểm của nhiều ngành nghiên cứu như: Lịch sử, ngôn ngữ học và dân tộc học”.

Khoảng trống về nghiên cứu truyền thống

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng - Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, chúng ta khó tìm gặp thư mục viết về mỹ thuật Việt Nam lẫn mỹ thuật Huế ở giai đoạn trước thời thuộc Pháp. Điều mà người đọc có thể tiếp cận được trong các tác phẩm thời Lê - Trịnh viết về Huế chỉ đơn giản là những dòng đề cập kiến trúc, chạm khắc, trang trí... được diễn tả bằng cảm xúc của người viết ở dạng ký như “Hải ngoại ký sự” (Thích Đại Sán), hay ở dạng tạp lục như “Ô Châu cận lục” (Dương Văn An nhuận sắc), “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn)…

Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với việc tiếp nhận học thuật phương Tây, sự bùng lên của những trường phái văn chương, nghệ thuật cũng như kịch nghệ, thi ca, hội họa, âm nhạc, hay cả trong từng lĩnh vực khoa học hẹp như khảo cổ, nhân học, mỹ thuật, tôn giáo..., ở nước ta mới bắt đầu xuất hiện những tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật của người Pháp hay trí thức Việt được đào tạo trong nền giáo dục thuộc địa. Tập san B.A.V.H và “L’Art à Hué” đã ra đời trong giai đoạn này. Đây có thể xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố thời điểm ấy.

Ngay từ khi ra đời, Hội Đô thành Hiếu cổ đã phác thảo một chiến lược nghiên cứu nghệ thuật Huế. TS. Trần Đình Hằng cho biết, đọc lại đề cương nghiên cứu của L. Cadière, của B.A.V.H từ hơn trăm năm trước, dễ dàng nhận thấy bao chứa nhiều trí tuệ và khát vọng nghiên cứu của các tác giả từ đầu thế kỷ XX trong việc khẳng định giá trị độc đáo xuyên thời gian của nghệ thuật - mỹ thuật Huế. Suốt trăm năm qua, chiến lược nghiên cứu nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình, nhất là mỹ thuật truyền thống Huế nói riêng, đã mang lại nhiều giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt qua những công bố trên tập san B.A.V.H. Đáng tiếc là chiến lược quan trọng này đã bị gián đoạn từ sau năm 1945, làm cho vấn đề nghiên cứu truyền thống Huế đến nay vẫn hiện hữu nhiều khoảng trống.

Thời gian qua, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã có nhiều hướng tiếp cận và công bố một số công trình nghiên cứu nghệ thuật tạo hình như mỹ thuật thời Chúa Nguyễn, di sản văn hóa Phật giáo, phối hợp nghiên cứu về nghệ thuật trang trí bình phong trong kiến trúc truyền thống Huế, trang trí trong kiến trúc nhà rường và nhà vườn xứ Huế... TS. Trần Đình Hằng cho biết, bên cạnh xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật và Nghệ nhân vùng kinh thành Huế”, Quỹ Văn hóa Huế vừa được thành lập và hướng đến xây dựng Tủ sách Huế. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tập thể, nhà quản lý và đầu năm 2020, Quỹ sẽ ra mắt một vài sản phẩm đầu tiên, nhằm góp phần thổi hồn, đưa di sản nghệ thuật truyền thống vào đời sống xã hội đương đại, gắn liền với bảo tồn và phát triển một cách bền vững.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng