Tạp chí Sông Hương -
Tọa đàm "Thơ Ngô Minh" nhân ngày giỗ đầu nhà thơ
19:43 | 21/11/2019

Chiều ngày 21/11, tại trụ sở Tạp chí Sông Hương, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi tọa đàm "Thơ Ngô Minh" nhân ngày giỗ đầu nhà thơ. 

 

Tọa đàm "Thơ Ngô Minh" nhân ngày giỗ đầu nhà thơ
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Sông Hương - Chủ tịch Hội Nhà văn phát biểu tại buổi tọa đàm

Nhà thơ Ngô Minh tên thật Ngô Minh Khôi, sinh ngày 10-9-1949, quê quán ở làng Thượng Luật, xã Ngư Thuỷ Trung, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp Hà Nội tháng 9-1972, đi bộ đội ngày 25-9-1972, vào miền Đông Nam Bộ tháng 4-1973, Ban Chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 7; làm bản tin Ba Vì của trung đoàn, quân hàm trung sĩ. Tháng 6-1976, ông ra quân, về Huế làm Trưởng đại diện báo Thương Mại tại miền Trung và nghỉ hưu ở tại 11/73 Phan Bội Châu - TP Huế. Ông mất ngày 3-12 năm 2018 ( 27 tháng 11 Mậu Tuất), hưởng thọ 69 tuổi.

Nhà thơ Hồ Thế Hà phát biểu cảm nhận về Thơ Ngô Minh


Ông là tác giả 27 đầu sách gồm thơ, tiểu luận phê bình, tản văn…cũng là tác giả hàng nghìn bài báo công bố trên các tờ báo lớn như: Nhân dân, Văn nghệ, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Lao Động, Công An Nhân dân… Là công tác viên tích cực của Tạp chí Sông Hương, Báo Thừa Thiên Huế…

Tại buổi tọa đàm, văn nghệ sĩ Huế đã dành những tình cảm yêu mến, bằng những chia sẻ về thơ, về đời của cố nhà thơ Ngô Minh. 

Theo nhà thơ Hồ Thế Hà, “Thơ Ngô Minh là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi của một hồn thơ da diết với đời”.

Nhà thơ Mai Văn Hoan chia sẻ về thơ Ngô Minh tại buổi tọa đàm


Nhà thơ Mai Văn Hoan chia sẻ: “Ngô Minh không chỉ sống với quá khứ, anh còn sống với hiện tại. Hiện tại đang đặt ra bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu vấn đề, do vậy thơ anh viết về hiện tại đầy băn khoăn, trăn trở của một người có trách nhiệm, một người từng góp xương máu mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước. Trong thơ anh “có ngày vui hiên nắng”; nhưng cũng có cả “ngày buồn vườn mưa”.  Mưa - từ lâu đã trở thành nguồn đề tài độc đáo trong những bài thơ viết về Huế. Từng dầm trong mưa Huế gần ba chục năm nay, vì vậy Ngô Minh rất hiểu thế nào là mưa Huế. Các câu thơ cứ kéo dài ra nối tiếp nhau như những trận mưa dai dẳng, triên miên. Mưa Huế trở thành trường liên tưởng đan xen: giữa thực và mộng, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ... Tất cả ẩn hiện, chập chờn trong mưa Huế, tạo thành bản giao hưởng: khi trầm lắng khi sôi nổi, khi gấp gáp khi chậm rãi khoan thai.

Đông đảo văn nghệ sĩ đến tham dự buổi tọa đàm


"Trong thơ Ngô Minh người đọc bắt gặp nhiều phác thảo chân dung của một số nhà văn, nhà thơ, chân dung bạn bè và cả chân dung tự họa của chính anh. Những bài thơ thế sự của Ngô Minh chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Thơ anh chính là máu thịt của cuộc đời", Nhà thơ Mai Văn Hoan cho biết thêm.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm: 

 

Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ  chia sẻ về thơ Ngô Minh

 

Nhạc sĩ Lê Phùng thể hiện ca khúc "Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa" được phổ nhạc từ thơ Ngô Minh

 

Nhà thơ Đông Hà xúc động chia sẻ những kỷ niệm với cố nhà thơ Ngô Minh

 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà tăng hoa cho con trai cố nhà thơ Ngô Minh

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng