Tạp chí Sông Hương -
Bán đấu giá một bức chân dung hiếm của Mozart tại Paris
10:30 | 22/11/2019

Bức tranh chân dung do họa sỹ Giambettino Cignaroli vẽ này sẽ được bán tại Christie’s Paris vào ngày 27/11/2019 tới.

Bán đấu giá một bức chân dung hiếm của Mozart tại Paris

Một bức chân dung hiếm Wolfgang Amadeus Mozart sẽ được bán tại Christie’s Paris vào ngày 27/11/2019 với con số ước tính từ 800.000 euro đến 1,2 triệu euro.

Bức chân dung này khắc họa nhà soạn nhạc thiên tài ở tuổi 13. Nó được họa sỹ bậc thầy người Verona Gaimbettino Cignaroli vẽ vào tháng 1/1770, sau buổi hòa nhạc đàn organ thành công của Mozart ở thành phố này. Chắc hẳn, cội nguồn bức họa là những cảm xúc ngưỡng mộ và yêu mến của Gaimbettino Cignaroli trước tài năng âm nhạc hiếm có từ Áo.

Nhà soạn nhạc ở tuổi 13 trong năm đó đã có chuyến lưu diễn khắp nước Ý, biểu diễn tại nhiều thành phố lớn, được vẽ bên cây đàn harpsichord, trước mặt là một bản nhạc, mặc một chiếc áo choàng màu đỏ và tóc giả màu trắng. Ở phía dưới bức họa, một dòng chữ ngắn bằng tiếng Latin nhấn mạnh vào tài năng thiên bẩm của Mozart: “Không đủ lời lẽ để ngợi ca nghệ thuật âm nhạc của cậu bé”.

Rất nhiều nỗ lực tìm hiểu để xác định xem bản nhạc trước mặt Mozart là của ai sáng tác. “Một vài nhà âm nhạc học quả quyết đây là tác phẩm của nhà soạn nhạc người Venezia Baldassare Galuppi,” Astrid Centner – giám đốc bộ phận các bức họa cổ của Christie’s, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Agence France-Presse. “Một số người khác cho rằng đây chính là bản nhạc của chính Mozart mà nay đã bị thất lạc”.

Như Centner nêu, có rất ít bức chân dung của Mozart được vẽ trong suốt cuộc đời ông, bức nổi tiếng nhất là bức giờ đang được treo lại Musée Carnavalet vẽ khi nhà soạn nhạc lên 7 tuổi, bên cây đàn piano cùng gia đình mình, và một bức chân dung năm lên 6, được cho là do họa sĩ Lorenzoni vẽ và hiện treo lại Mozarteum ở Salzburg, thành phố quê hương nhà soạn nhạc.

Điều khác thường trong bức chân dung năm 1770, theo Centner, “là chúng ta có thể truy dấu một cách chính xác hoàn cảnh của nó, điều hiếm khi xảy ra trong thế giới nghệ thuật … Leopoldh, cha của Wolfgang, kể về điều này trong một bức thư gửi vợ ông và kể câu chuyện xảy ra trong ngày 6 và 7/1/1770”. Trong bức thư này, Leopold Mozart kể là Pietro Lugiati, người phụ trách thuế quan ở Venice, đã quyết định trả tiền cho bức chân dung được vẽ trong hai buổi liên tiếp.

Bức chân dung này từng được Leopold von Sonnleithner, nhà bảo trợ hàng đầu của hai nhà soạn nhạc thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn Beethoven, Schubert, tái khám phá vào năm 1865. Leopold von Sonnleithner cũng đưa nó triển lãm một vài lần tại Carnavalet và Salzburg. Sau đó, bức chân dung trở thành một phần trong bộ sưu tập của nghệ sỹ piano Alfred Cortot suốt một thời gian dài.

Centner đánh giá, nhìn chung “tên tuổi của họa sỹ sẽ thu hút người mua nhưng trong trường hợp này thì yếu tố thu hút lại là người được khắc họa chân dung”.

Theo Tô Vân - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng