Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Bùi Hiển trong ký ức trìu mến
09:18 | 04/12/2019

Trong hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển, cùng với những đánh giá và đề xuất nhận định thêm, rõ hơn về người cầm bút cần mẫn, bám sát đời sống người dân lao động, còn có những chia sẻ thân thiết về một bạn văn đáng kính của nhiều nhà văn.

Nhà văn Bùi Hiển trong ký ức trìu mến
Nhà văn Bùi Hiển và các cháu trong gia đình. Ảnh tư liệu

Viết truyện hay vẫn đi học viết

Với nhiều đồng nghiệp, nhà văn Bùi Hiển (1919 - 2009) là con người ham học hỏi, chịu khó tìm hiểu, thâm nhập đời sống. Có thể ông là “tạng” nhà văn thiên về khai thác tư liệu, dựa trên kết quả thực tế để tìm mẫu nhân vật, xây dựng ý tứ, cốt truyện. Đồng thời, ông cũng làm việc cẩn trọng, muốn bám sát để phản ánh cho chân thực cuộc đời, con người.

Nhà báo lão thành Phan Quang quen nhà văn Bùi Hiển từ năm 1948 khi nhà văn từ Nghệ An ra Thanh Hóa dự khóa học viết văn do Chi hội Văn nghệ Liên khu IV tổ chức. Nhân Bùi Hiển đến thăm báo Cứu quốc, lúc tiễn nhà văn về, nhà thơ Chế Lan Viên nói với Phan Quang: “Ông Bùi Hiển thật là kỳ cục! Ông viết truyện ngắn hay đến thế mà nay lần ra tận đây học viết văn…”. Sau này Phan Quang ngẫm ra, Bùi Hiển vốn là người khiêm nhường, ham học, say mê đi thực tế và tìm học trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cộng thêm hồi đó Bùi Hiển đang là cán bộ quản lý Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An, ông muốn… thoát công việc này để bay nhảy, trải nghiệm cuộc sống, sưu tầm tư liệu sáng tác.

Còn GS Hà Minh Đức nhận xét, Bùi Hiển có mặt ở nhiều nơi nguy hiểm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi hòa bình lập lại, GS Hà Minh Đức có tham gia soạn SGK cho cấp THPT, đến phỏng vấn nhà văn Bùi Hiển về một số tác phẩm của ông, trong đó có “Nằm vạ” - truyện ngắn đầu tay nổi tiếng in năm 1940 trên báo Ngày nay của Tự lực Văn đoàn. “Ông nhiệt tình chấp nhận phỏng vấn và đã trả lời tỉ mỉ, sâu sắc rất hay”, GS Hà Minh Đức nhớ lại. Hồi có dịp cùng ở nhà sáng tác Quảng Bá (Hà Nội) và một số nhà văn, nhà nghiên cứu nữa, “không khí rất vui. Tôi nhớ anh Bùi Hiển thỉnh thoảng đi vắng ít ngày. Ông đi thực tế về nhiều vùng chiến sự. Sau đó lại về ở Quảng Bá để viết. Mỗi lần đi về chúng tôi lại quây quần bên ông nghe ông kể chuyện. Lúc này đã ở tuổi trên dưới 50 song ông vẫn khỏe vẫn đẹp. Khuôn mặt nhân hậu luôn tô điểm nụ cười”.

Con người nhân ái

Chính niềm thân mến, nâng niu cuộc đời, con người, quý trọng đồng nghiệp văn chương của nhà văn Bùi Hiển đã lưu lại tình cảm lâu bền về ông trong các nhà văn cùng lứa và cả thế hệ sau. Nhiều người không ở gần ông, nhưng qua tiếp xúc, nghiên cứu, nắm bắt được những câu chuyện về ông và những người cùng thời, thì ấn tượng với cái tình và sự gần gũi của Bùi Hiển. Theo TS Nguyên An, Bùi Hiển là “bạn của mọi người, bắt đầu từ trong nhà”, bởi Nguyên An nhớ, có lần nhà văn hỏi ông: “Trong nhà, Nguyên An có được coi là bạn không?”. Nhà nghiên cứu hơi ngạc nhiên, nhưng dần mấy năm sau, khi đã thêm trải nghiệm, mới nhận ra, nếu được vợ và con cháu coi là bạn thì vui và tự hào lắm, nhưng thật không phải dễ! Còn Bùi Hiển, ông là bạn của gia đình mình, bạn của nhiều nhà văn, nhà thơ từ thời trẻ cho đến về già.

Ông quan tâm đến mọi người, cả trong đời sống và sáng tác đều không thiên về thể hiện sự gay gắt, cực đoan, mà hướng đến sự lành thiện. Nhà nghiên cứu Nguyễn Bích Thu nhận xét về ông: không sốt ruột, không chạy theo thời thượng, chỉ viết về những gì mình gắn bó và thuộc hiểu, luôn nhất quán với quan niệm nghệ thuật về con người mang đậm ý nghĩa nhân văn…, điều đó cho thấy bản lĩnh sáng tạo của một nhà văn luôn có “nụ cười hóm hỉnh và cái nháy mắt thông minh”.

Bản tính, tâm hồn ấy trong nhà văn Bùi Hiển bao quát các tác phẩm của ông, trên một hành trình sáng tạo bền bỉ qua các giai đoạn lịch sử để gắn bó và “gợi ý” với cuộc đời. Như ông từng viết: “Văn học thật ra, suy cho cùng, chẳng làm được gì nhiều lắm. Nhưng nó có khả năng, có thiên chức đánh thức dậy những ước ao hướng thiện và những tiềm tàng tự hướng thiện ở từng con người một”.
 

Ông Bùi Quang Tú, con trai nhà văn Bùi Hiển: Cha tôi là nhà văn chỉ sáng tác khi đã có đầy đủ tư liệu thực tế, quan sát, nghiền ngẫm thấu đáo. Bởi vậy ông rất coi trọng việc lăn lộn trong đời sống nhân dân, chăm chỉ ghi chép - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn 70 cuốn sổ tay, dày có mỏng có, tiếng Pháp chen lẫn tiếng Việt chính là nền móng cho những sáng tác kịp thời hoặc sau này.


Theo Hoàng Hoa - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng