Tạp chí Sông Hương -
Khủng hoảng kịch bản sân khấu
14:49 | 10/12/2019

Nhiều năm qua, vì thiếu đội ngũ những người sáng tác - tác giả, soạn giả giỏi nghề nên sân khấu TPHCM ở cả lĩnh vực cải lương lẫn kịch nói cứ ngày một khan hiếm kịch bản chất lượng. Đặc biệt, trong năm 2019, hàng loạt tác phẩm cũ (ra đời cách nay hàng chục năm) lần lượt được tái dựng, càng cho thấy sự khủng hoảng trầm trọng của vấn đề kịch bản sân khấu.

Khủng hoảng kịch bản sân khấu
Vở kịch Bông hồng cài áo được tái dựng theo phiên bản mới
Kịch bản cũ là lối thoát?

Ở lĩnh vực sân khấu cải lương, khán giả mộ điệu gặp lại các vở cũ, từ tâm lý xã hội đến cổ trang, được chọn dựng lại như: Giấc mộng đêm xuân, Nhân danh công lý, Tìm lại cuộc đời, Lan và Điệp, Chuyện tình Khau Vai, Áo cưới trước cổng chùa, Ngai vàng và tội ác

Ở lĩnh vực kịch nói, các sân khấu kịch cũng chọn những vở kịch văn học, kịch bản đã diễn rồi để tái dựng theo phiên bản mới như: Bỉ vỏ, Con nhà nghèo, Bông hồng cài áo, Tuyết Sài Gòn, Mặt nạ bong bóng, Diều ơi, Đẹp bất chấp

Các vở diễn khi ra rạp vẫn được khán giả đón nhận, ủng hộ, tìm được hiệu ứng, sự đồng cảm từ khán giả. Nhưng việc sử dụng kịch bản cũ cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Với lợi thế hội đủ yếu tố cần thiết về chất lượng nội dung, được khán giả quan tâm, bản dựng cũ chỉ cần thêm thắt, chỉnh lý, sắp xếp lại đường dây, tổ chức tập luyện cho ê kíp diễn viên mới, lại có sẵn giấy phép công diễn nên rất nhanh chóng có thể sáng đèn. Thế nên, nhiều năm qua, tình trạng sử dụng kịch bản cũ dường như là đối sách duy nhất cho sàn diễn sân khấu, đặc biệt là cải lương.

Ở mảng sân khấu kịch, tuy có một vài tác giả chuyên viết cho kịch nói, nhưng chất lượng tác phẩm mới chỉ dừng lại ở đáp ứng cho hoạt động biểu diễn theo phong cách của từng sân khấu. Nhiều tác giả không cập nhật được tình hình đời sống văn hóa nghệ thuật hiện tại nên sáng tác xong không thể sử dụng. Nhiều tác phẩm chưa thể hiện được chất lượng nội dung, nghệ thuật, tính thẩm mỹ, tính thời sự, bắt nhịp và gắn liền với những đổi thay của tâm lý con người trong đời sống xã hội mới. 

NSND Hồng Vân chia sẻ về đội ngũ tác giả hôm nay: “Họ gần như rời xa đời sống đương đại, rất hiếm có những ngòi bút vẫn còn bám sát đời sống xã hội để sáng tác. Nhiều tác giả chạy theo chủ đề của các trại sáng tác, nặng tính định hướng, nên kịch bản khó đến được với công chúng”.

Thực tiễn của sự thiếu hụt trầm trọng kịch bản sân khấu trong quá khứ và hiện tại, cho thấy một dự báo đáng quan ngại là sẽ khó có sự thay đổi lớn về vấn đề kịch bản sân khấu trong năm mới và ở cả tương lai xa. Thiếu kịch bản hay, chất lượng, sân khấu sẽ ngày một yếu dần. 

Loay hoay với kịch bản tết 2020

Không khí tết đang đến rất gần, nhưng các ông, bà “bầu” một số sân khấu kịch vẫn còn tất tả tìm kiếm, cân nhắc trong việc chọn kịch bản tết, đặt tên vở như thế nào cho tươi mới, hấp dẫn để đầu tư dàn dựng. Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ trung thành với cách thức chọn đặt hàng những tác giả quen thuộc, chuyên viết kịch bản theo phong cách riêng của sân khấu như: Nguyễn Thu Phương, Bùi Quốc Bảo, Cao Tấn Lộc, Nguyễn Bảo Ngọc.

Tết này, Thế Giới Trẻ sẽ ra mắt 3 vở mới, trong đó có một vở chuyển thể từ kịch bản nước ngoài là Âm mưu hoàn hảo.

Sân khấu kịch Hồng Vân ở cả 2 điểm diễn: Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận và Trung tâm thương mại Garden Mall, quận 5, sẽ diễn vở Ngẫm Kiều, đây là tác phẩm kịch đã tham gia trong dự án Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều do Viện Goethe tổ chức, được bà “bầu” Hồng Vân dàn dựng lại. Ngoài ra, NSND Hồng Vân cũng đang cân nhắc gút lại loạt kịch mục diễn tết là những tác phẩm đã ra mắt công chúng được dựng lại, thêm thắt những mảng miếng vui tươi.

Với sân khấu kịch Idecaf, hiện thời đã có một vở được định hình, chuẩn bị lên sàn tập với tên gọi Âm mưu Tú Bà.

Cùng một tâm trạng quay quắt vì kịch bản khan hiếm, mùa tết 2020, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cố gắng chọn 2 vở mới để đầu tư dàn dựng và hiện tại mới thống nhất được một vở là Tình yêu trời đánh.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng nỗ lực tìm chọn và đặt hàng tác giả Vương Huyền Cơ và Nguyễn Sơn 2 kịch bản Ảo và thật 2 và Giao kèo sống thật để dàn dựng, với tiêu chí vui, nhẹ nhàng, tính giải trí cao, nhưng vẫn để lại dư âm trong lòng người xem qua ý nghĩa của một tác phẩm vừa có tính giáo dục, vừa đậm chất nhân văn. 

Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch Idecaf lo lắng: “Tết cận kề nhưng kịch bản sân khấu quá khan hiếm. Người làm sân khấu tìm đỏ mắt để chọn lựa, thật sự rất mệt mỏi! Ngày thường, việc tìm kiếm kịch bản hay vốn đã khó khăn, huống chi ngày tết. Thế nên, xu hướng chung của nhiều sân khấu chính là tìm lại những tác phẩm cũ, hay tái dựng để khán giả có dịp xem lại”.

Đạo diễn Ái Như cũng trăn trở: “Kịch bản luôn là vấn đề rất căng thẳng. Khi tìm được một câu chuyện hợp lý, Hoàng Thái Thanh sẽ cùng chấp bút với các tác giả khác để cho ra vở diễn. Tuy nhiên, áp lực công việc quá nhiều nên việc sáng tác kịch bản cũng có những trở ngại riêng. Việc chuyển thể một tác phẩm văn học thành một vở kịch cũng gặp khó. Sân khấu tuy có nhận được một số kịch bản của các tác giả gửi về nhưng lại không phù hợp để dàn dựng…”. 

Từ thực tiễn của sân khấu thành phố, cần thiết phải có những giải pháp hữu hiệu, lâu dài, để thay đổi cục diện hoạt động tổ chức biểu diễn. NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Nền sân khấu phát triển hay không trước hết là phải có đội ngũ sáng tác tài năng. Khi có kịch bản chất lượng, mới có chất liệu tốt cho đạo diễn thể hiện, có nhân vật cho diễn viên thăng hoa, có tác phẩm hay để khán giả thưởng thức. Như vậy, phải có sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện, đào tạo tác giả bài bản, mang tính lâu dài; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ giữ vai trò quan trọng này”.

Theo Thúy Bình - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng