Tạp chí Sông Hương -
10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 - Để văn hóa trở thành động lực phát triển
15:03 | 30/12/2019

Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước. Sau 10 năm thực hiện, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ PHAN VIẾT LƯỢNG, Chiến lược phát triển văn hóa phải được nhìn nhận, đánh giá toàn diện, làm rõ thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 - Để văn hóa trở thành động lực phát triển

Đồng bộ các giải pháp

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Theo ông, hội nghị này có ý nghĩa như thế nào?

- Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 có vai trò và vị trí quan trọng, nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, bất cập, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế qua 10 năm thực hiện. Qua đó, giúp nhận diện đúng, toàn diện bức tranh về văn hóa và việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, tiến tới xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược tiếp theo. Kết quả này cũng là tư liệu cho việc nghiên cứu, xây dựng các nội dung về văn hóa trong văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, cũng như góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường phối hợp chỉ đạo, triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa của các bộ, ngành, địa phương.


Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo báo cáo, các tham luận tại hội nghị được chuẩn bị công phu, đánh giá khá toàn diện, bám sát chương trình chiến lược; các vụ, cục, đơn vị trong ngành văn hóa đã nghiên cứu, phân tích, chỉ rõ bản chất của vấn đề trong nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm.

- Nhưng qua các dự thảo báo cáo cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể định lượng, chuẩn hóa được sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa. Đáng tiếc là nhiều lĩnh vực chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể, thưa ông?

- Tôi có thể lấy ví dụ về việc xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, là một trong những nội dung quan trọng trong nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng như trong chiến lược, nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nội dung này lẽ ra phải chỉ ra được các giá trị, chuẩn mực về con người Việt Nam cần hướng tới là gì? Chúng ta đã làm gì, đạt được kết quả đến đâu trong thời gian qua? Điểm gì mới và tiến bộ so với khoảng thời gian trước?…

Dự thảo báo cáo cũng cần đi sâu đánh giá thực trạng xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường… của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội đến giáo dục lý tưởng, nhân cách con người. Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; thiếu chuẩn mực trong quan hệ, ứng xử văn hóa tại cơ quan, gia đình và xã hội, khiến dư luận bức xúc.

Nhiệm vụ xây dựng con người văn hóa vô cùng quan trọng, không chỉ bằng một vài giải pháp, mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Vì vậy, cần đánh giá, phân tích sâu sắc hơn.
 

Kế thừa và phát triển phù hợp

- Nói về mục đích xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới, dự thảo báo cáo cũng nhắc đến vai trò của di sản văn hóa. Tuy nhiên, di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách khốc liệt của cơ chế kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra là, cần xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu xét riêng lĩnh vực di sản văn hóa, toàn ngành từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm các cấp, và đã huy động được nhiều nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về quản lý di sản chưa được thực hiện nghiêm; còn nhiều sai phạm trong trùng tu, tôn tạo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị cốt lõi của di sản. Việc khai thác, phát huy giá trị di sản ở nhiều nơi còn quá tải, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Điều đáng quan tâm nữa là các sai phạm ít được cơ quan nhà nước phát hiện, xử lý chủ động, kịp thời, mà thường do dư luận chỉ ra, báo chí lên tiếng mới được ngăn chặn, khắc phục. Các lĩnh vực như điện ảnh, bản quyền tác giả… cũng tương tự.

- Để có những chuyển biến tích cực hơn nữa, theo ông, ngành văn hóa cần triển khai công việc gì trong thời gian tới?

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tổ chức đánh giá, tổng hợp kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, xây dựng chiến lược cho giai đoạn tới; ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, bảo đảm văn hóa thực sự trở thành động lực, nền tảng của sự phát triển. Ngành văn hóa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quyết liệt và hiệu quả hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa...

Cuối cùng, tôi mong có sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; các mục tiêu, chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp của giai đoạn tới có sự kế thừa và phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa phải gắn chặt với đổi mới chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm tôn trọng và phát huy dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời khắc phục bằng được mặt trái kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của biến đổi xã hội, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, quá trình hội nhập quốc tế và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng