Tạp chí Sông Hương -
Sân khấu bị thương mại hóa và lạc điệu?
15:01 | 17/01/2020

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 vừa khép lại trong niềm vui vì đã chọn ra được tân Chủ tịch là NSND Thúy Mùi – vị nữ Chủ tịch đầu tiên của hội.

Sân khấu bị thương mại hóa và lạc điệu?
NSND Thúy Mùi là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh

Thế nhưng, ngay sau niềm vui ấy là muôn nỗi lo từ những thương mại hóa và lạc điệu của sân khấu với cuộc sống hôm nay.

Thiếu... con người mới

Nỗi lo đầu tiên đặt ra cho chặng đường mới của sân khấu được các nghệ sĩ đưa ra là: Giờ đây, sân khấu còn thiếu những vấn đề xã hội quan tâm. Điều này được thể hiện ở sự thiếu hình tượng nhân vật trung tâm - những con người với những mối quan tâm đến xã hội có tâm có tầm, dám nghĩ dám làm, có văn hóa luôn đồng cảm với số phận của mọi người.

Thế nhưng, trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật về con người mới của cuộc sống mới hiện đại, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nghệ thuật sân khấu còn biểu hiện một số thiếu sót và lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng con người mới - con người của xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.

Cho đến nay, còn không ít những vấn đề chưa được giải quyết một cách khoa học, như “vai trò nhân vật trung tâm trong các tác phẩm sân khấu hiện đại”.

Việc sân khấu né tránh những vấn đề xã hội cũng là điều dễ dàng nhận thấy. Đấy là, trong các trại sáng tác, các cuộc liên hoan sân khấu nhất là sân khấu truyền thống về đề tài hiện đại, con người mới chỉ chiếm 1/4. Những vấn đề nóng bỏng của xã hội như: Đất đai, môi trường, chống tham nhũng, tác phẩm sân khấu ít đề cập tới, hoặc có đề cập cũng chưa tạo được hiệu quả.

Phần lớn, các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật công lập đang dựng lại hoặc chuyển thể những kịch bản cũ cách đây trên chục năm, hay tìm về những đề tài lịch sử, dã sử huyền thoại.

Vấn đề xã hội mới trên sân khấu kịch nói cũng chưa có nhiều những kịch bản mới, đôi khi chạy theo một mô típ cũ, chưa xem hết tiết mục đã biết ngay kết thúc của vở.

Bên cạnh đó, thật khó lòng tìm thấy ở sân khấu nước nhà thế kỷ XXI một đội ngũ tác giả trẻ chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ.

Những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay trong thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển dường như còn quá hiếm hoi, ít ỏi.

Vì thế, đã có một thực tế xảy ra, kịch bản sân khấu thử nghiệm không có tác giả viết. Hai kỳ tổ chức liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm đều thiếu vở diễn tham gia.

“Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt vì vậy thời gian qua không ít nhà hát quạnh vắng, không có người xem. Thực tế này khiến cho nền sân khấu nước nhà vẫn đang dậm chân tại chỗ, sáo mòn, từ đó không có nhiều những sáng tạo đổi mới trong sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường” – NSND Lê Tiến Thọ nói.

Bị thương mại hóa?

Đã không ít nghệ sĩ cùng bày tỏ băn khoăn trước câu chuyện sân khấu đang có xu thế thương mại hóa. Đành rằng, cơ chế thị trường khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trong đó có sân khấu năng động hơn.

Thế nhưng, chính cơ chế này cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ - chịu sự tác động cả tiêu cực lẫn tích cực. Rất dễ dàng để dẫn chứng về thực tế này khi giờ đây kịch kinh dị, có yếu tố sex, sân khấu ma hay các đề tài bạo lực, ái tình chụp giật... nổi lên.

Đau lòng thay khi nhiều đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật tư nhân đã lạm dụng những yếu tố thiếu sự lành mạnh chính thống ấy như một cứu cánh tồn tại để chiều một bộ phận khán giả có xu thế chạy theo đồng tiền.

Hoặc như, có những nhà hát mượn cớ: Đổi mới phong cách mà có một số vở diễn có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khi đó, đội ngũ lý luận phê bình còn nhiều bất cập. Người có trình độ thì tuổi cao, lớp trẻ theo nghề không nhiều lại chưa đủ khả năng để phê bình, đánh giá tác phẩm nghệ thuật.

Chính sự thiếu hụt hiểu biết về phê bình hiện đại đã khiến cho các công trình và bài viết lý luận phê bình của những cây bút trẻ không có chiều sâu chất lượng. Bên cạnh đó, có một bộ phận trong sáng tạo nghệ thuật đang dễ dãi với nghề, cộng với sự quản lý buông lỏng của các cơ quan chức năng nên sân khấu chưa có nhiều chất lượng cao.

Đặc biệt nhấn mạnh về chế độ nhuận bút, các nghệ sĩ nhắc đến Nghị định 61 của Chính phủ - một nghị định chưa thực sự đi vào đời sống, đến các đơn vị nghệ thuật, tác giả, nhà lý luận phê bình.

“Có nhiều chỗ, nhiều nơi chi trả nhuận bút cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ... không đúng như nghị định quy định. Thực tế đó dẫn đến việc chất lượng nghệ thuật đang bị nghiệp dư hóa” – PGS.TS Trần Trí Trắc dẫn chứng.

Ngoài ra, những câu chuyện về đời sống của nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu truyền thống gặp khó khăn, nhiều diễn viên mải chạy show vì không sống được bằng nghề... cũng là những mối trăn trở của nhiều nghệ sĩ. Nhất là, việc tiến hành sáp nhập các đoàn nghệ thuật vào trung tâm văn hóa của mỗi tỉnh đang khiến giới sân khấu lo ngại hơn bao giờ hết.

“Các trung tâm văn hóa là đơn vị sự nghiệp, chỉ hoạt động công tác tuyên truyền. Khi sáp nhập vào như thế nghệ thuât sân khấu chuyên nghiệp bị rơi vào tình trạng nghiệp dư” – NSND Thanh Trầm bày tỏ.


Theo Bình Thanh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng